Chuyển đổi số: Cơ hội và thách thức cho mặt hàng nông sản
Bằng việc áp dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp, người nông dân có thể dễ dàng giới thiệu nguồn gốc, quy trình sản xuất đến với người bán, qua đó mang đến cho người tiêu dùng sự yên tâm tuyệt đối về chất lượng của nông sản.
Chuyển đổi số giúp rút ngắn khoảng cách giữa người sản xuất và người tiêu dùng. Ảnh minh họa.
Thời gian qua, chuyển đổi số trong nông nghiệp đã giúp kết nối hàng triệu hộ nông dân với doanh nghiệp chế biến, thương mại, các doanh nghiệp cung cấp đầu vào cho sản xuất và đặc biệt quan trọng là mở ra kênh tiêu thụ mới như các sàn thương mại điện tử, giúp rút ngắn khoảng cách giữa người sản xuất, người tiêu dùng, minh bạch hóa các giao dịch thương mại, tạo nên một môi trường kinh doanh nông sản lành mạnh.
Tuy nhiên, chúng ta cũng phải nhìn nhận thực tế rằng, tại nhiều địa phương, việc đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử vẫn còn khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là từ nhận thức của doanh nghiệp còn hạn chế, hay thiếu nguồn nhân lực trình độ cao, hiểu biết về công nghệ thông tin, quy trình kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử.
Thêm vào đó, không chỉ cần biết cách đăng ký và đưa sản phẩm lên các gian hàng thương mại điện tử, doanh nghiệp còn cần trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng về quảng bá sản phẩm, marketing trực tuyến, xây dựng và quảng bá hình ảnh sản phẩm cũng như vị thế của doanh nghiệp. Một việc làm không thể thiếu là cần có các kỹ năng chăm sóc khách hàng, quản lý chất lượng sản phẩm.
Giới chuyên gia cho rằng, các cơ quan chức năng cần tổ chức đào tạo, tập huấn cho bà con nông dân, chủ trang trại, doanh nghiệp vừa và nhỏ về kỹ năng quảng bá sản phẩm, kỹ năng bán hàng trực tuyến, hỗ trợ áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc nhằm tạo điều kiện để bà con nông dân trực tiếp tiếp xúc với khách hàng, hiểu và nắm bắt rõ hơn xu hướng và yêu cầu thị trường, từ đó, sẽ tổ chức sản xuất được hiệu quả, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng.
Mặt khác, chính quyền địa phương cũng cần có chính sách khuyến khích người nông dân tìm hiểu và ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, tiêu thụ nông sản; cũng như có chính sách ưu đãi cho hộ sản xuất nông nghiệp khi mua sắm các sản phẩm, nguyên liệu, vật tư đầu vào phục vụ sản xuất, kinh doanh trên sàn thương mại điện tử. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần hỗ trợ người nông dân kết nối với doanh nghiệp thương mại điện tử rõ nét hơn để có thể quản lý hiệu quả chuỗi sản xuất, từ đó bảo đảm chất lượng sản phẩm đến tay người tiêu dùng.
Có thể nói, chuyển đổi số mang đến lợi ích to lớn cho người nông dân mà ở đó người dân sẽ vượt qua được điểm yếu cố hữu là phụ thuộc vào thương lái, bị động trong việc tìm đầu ra cho nông sản do chính mình sản xuất. Bằng việc áp dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp, giờ đây nông dân có thể dễ dàng giới thiệu nguồn gốc, quy trình sản xuất đến người bán, qua đó mang đến cho người tiêu dùng sự yên tâm tuyệt đối về chất lượng nông sản. Việc đẩy nhanh chuyển đổi số, thúc đẩy thương mại điện tử đang được xem là giải pháp hiệu quả cho tương lai nông nghiệp Việt Nam. Ðây không chỉ là xu thế ngắn hạn mà là một hành trình xuyên suốt liền mạch để thay đổi bộ mặt nền nông nghiệp Việt Nam.
Thanh Tùng