Quỹ KH&CN của doanh nghiệp: Những vướng mắc?
Những tưởng chỉ có các quỹ KH&CN địa phương với dòng tiền chủ đạo từ ngân sách nhà nước mới gặp phải những khó khăn vướng mắc trong hoạt động, nhưng trên thực tế, điều này cũng được tái hiện ở các quỹ KH&CN của doanh nghiệp.
Nhóm thực hiện dự án “Giải pháp loại bỏ tạp chất kim loại sắt và can xi trong nguyên liệu của phân xưởng RFCC” tại Nhà máy lọc dầu Dung Quất của Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn. Nguồn: tapchicongthuong.vn
Lâu nay, hình ảnh thành công được xây dựng từ những phát minh, sáng chế hay sáng tạo công nghệ mới của các tập đoàn đa quốc gia hay các công ty quốc tế lớn nhỏ đã trở nên hấp dẫn với người Việt Nam. Nó khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam nghĩ đến việc tự đầu tư cho công nghệ, đáp ứng những nhu cầu đổi mới của chính mình hoặc đơn giản chỉ là giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tế sản xuất. Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân, hoặc là lúng túng chưa biết bắt đầu như thế nào hoặc chưa đủ năng lực tài chính, nên đến nay, chưa có nhiều doanh nghiệp Việt Nam làm tốt được điều này, ngoại trừ một số tên tuổi lớn như Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, tập đoàn Mỹ Lan, Viettel, Nafoods, Vinamit…
Đó là lý do vì sao, các nhà quản lý Bộ KH&CN đã nghĩ đến việc khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam đầu tư cho R&D thông qua cơ chế quỹ với nguồn kinh phí được trích lập từ một phần lợi nhuận trước thuế hằng năm. Đó là khởi điểm của rất nhiều chính sách về KH&CN như Luật Chuyển giao công nghệ, Nghị định số 95/2014/NĐ-CP về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động KH&CN, Quyết định số 36/2007/QĐ-BTC ngày 16/5/2007 của Bộ Tài chính về việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Quỹ phát triển KH&CN của tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp, Thông tư số 15/2011/TT-BTC ngày 9/2/2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn thành lập, tổ chức, hoạt động, quản lý và sử dụng Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp, Thông tư liên tịch hướng dẫn số 12/2016/TTLT-BKH&CN-BTC do Bộ KH&CN và Bộ Tài chính ban hành để hướng dẫn về nội dung chi và quản lý Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp…
Trên thực tế, kể từ khi được quy định trong luật cho đến việc ra đời của nhiều văn bản hướng dẫn thi hành thì phần nhiều doanh nghiệp vẫn còn không mấy quan tâm đến việc xây dựng quỹ KH&CN, và nếu có thì lúng túng vô cùng giữa việc thực thi các điều khoản đó.
Vì đâu nên nỗi?
Tiền doanh nghiệp và tiền ngân sách
Nếu có mặt trong các hội nghị liên quan đến đổi mới sản xuất, ứng dụng KH&CN trong doanh nghiệp được tổ chức từ Bắc vào Nam trong chừng năm năm trở lại đây, ai cũng có thể thấy dường như các doanh nghiệp đều cảm thấy nghi ngại, nếu không nói là thất vọng, về việc triển khai hoạt động của các quỹ do chính mình lập ra. Những câu chuyện ấy rút cục đã lên tới mặt báo, dẫu cho không dám công khai tên tuổi. Một trong số đó là chia sẻ của một doanh nghiệp ở Bình Định với báo tỉnh vào năm 2018, sau được Quỹ KH&CN Bình Định dẫn lại trên trang web của mình, “Có quá nhiều rắc rối, bất cập trong các quy định để được công nhận là sử dụng quỹ đúng mục đích, hoặc đạt tỉ lệ sử dụng từ 70% trở lên. Doanh nghiệp sợ đến khi quyết toán thuế, cơ quan thuế không công nhận chi phí này hợp lý, khi đó sẽ bị truy thu thuế. Quy định cho phép doanh nghiệp sử dụng quỹ [ở phạm vi] rất rộng nhưng lại thiếu [điều khoản] cụ thể và [khó áp dụng] vì liên quan đến các văn bản quy phạm thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau”.
Quy định mà doanh nghiệp dấu tên này nhắc đến chính là Thông tư liên tịch hướng dẫn số 12/2016/TTLT-BKH&CN-BTC, được ban hành vào tháng 6/2016 “nhằm khắc phục các khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp phải trong vận hành và sử dụng quỹ KH&CN của doanh nghiệp” như bài giới thiệu “Thúc đẩy hoạt động Quỹ phát triển KH&CN trong doanh nghiệp” của các ông Trần Xuân Đích, Đào Quang Thủy (Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN, Bộ KH&CN), được Sở KH&CN Phú Yên trích lại vào tháng 8/2016. Theo quy định của thông tư này, nội dung chi của quỹ phủ rộng khắp trên nhiều khía cạnh như thực hiện các nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia, cấp bộ, cấp tỉnh; nhiệm vụ KH&CN của doanh nghiệp; hỗ trợ phát triển KH&CN của doanh nghiệp; đào tạo nhân lực KH&CN của doanh nghiệp; hoạt động hợp tác về KH&CN... Mỗi một khía cạnh của hoạt động KH&CN được phép chi lại gồm nhiều nội dung cụ thể khác nhau, ví dụ như với hỗ trợ phát triển KH&CN là chi cho cơ sở vật chất - kỹ thuật, mua quyền sử dụng, quyền sở hữu trí tuệ…
Tuy nhiên, trong thông tư cũng nêu rõ các nhiệm vụ KH&CN của doanh nghiệp phải được Hội đồng KH&CN của doanh nghiệp đánh giá xét chọn, thẩm định nội dung và kinh phí. Dù là việc dùng tiền của doanh nghiệp chi cho chính nhu cầu đổi mới của mình nhưng lại phải áp dụng theo phương thức chi của các nhiệm vụ KH&CN dùng ngân sách nhà nước bấy lâu nay, đó là khoán chi đến sản phẩm cuối cùng hoặc khoán chi từng phần. Thay vì giới thiệu cho doanh nghiệp một cách chi thực tế và khác biệt so với quy định để chống thất thoát hoặc chi sai đồng tiền từ ngân sách nhà nước, ở đây Thông tư lại quy về một mối thông qua việc “mở đường” cho họ áp dụng theo quy định của Thông tư liên tịch số 27/2015/TTLT/BKHCN-BTC, vốn là để quy định khoán chi thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước.
Khi thông tư này chính thức có hiệu lực, các doanh nghiệp có trích lập quỹ mới nếm trải hết những điều mà nó mang lại. Đó là lý do vì sao suy nghĩ của doanh nghiệp nhỏ ở một tỉnh miền Trung như Bình Định lại phản ánh cả nỗi niềm chung của rất nhiều doanh nghiệp lớn nhỏ khác trên nhiều tỉnh thành. Bức xúc lớn nhất của họ là doanh nghiệp không có quyền chủ động chi tiêu đồng tiền mình làm ra, phục vụ cho chính nhu cầu của mình mà phải chịu các thủ tục kiểm soát giống như khi doanh nghiệp sử dụng ngân sách nhà nước.
Mới đây, trên báo Đồng Nai, một doanh nghiệp ngành cơ khí chế tạo ở Biên Hòa cũng nêu vấn đề “Ngoài nộp thuế thu nhập doanh nghiệp 20%, nguồn tiền chúng tôi có được sẽ hoàn toàn được tự chủ để chi cho đầu tư sản xuất mà không phải vướng cơ chế nào, vậy tại sao chúng tôi phải đi lập quỹ với nhiều thủ tục rườm rà, muốn chi tiêu gì cũng bị ràng buộc?”.
Vướng mắc trong thực thi
Nếu các địa phương lúng túng như thế nào với phương thức vận hành quỹ KH&CN địa phương do quá khác biệt với hình mẫu là Quỹ NAFOSTED thì doanh nghiệp cũng lúng túng như thế khi vận hành quỹ theo quy định. Tuy đã thống nhất với nhau những khái niệm cơ bản của việc hình thành quỹ KH&CN tại doanh nghiệp nhưng ngần ấy chưa đủ để chính sách đi vào cuộc sống một cách thông đồng bén giọt. Dù khuyến khích các doanh nghiệp chủ động dành tiền đầu tư cho công nghệ, đổi mới công nghệ thông qua cơ chế quỹ, thông tư 12 lại áp dụng luôn các quy định quản lý tài chính dành cho các tổ chức KH&CN, viện trường. Do đó, cơ chế xét duyệt, nghiệm thu các nhiệm vụ KH&CN của doanh nghiệp tương tự cơ chế với đề tài và dự án KH&CN của viện, trường.
Nhiều ý kiến cho rằng, dù có nhiều văn bản quy định rất chặt chẽ về những ứng xử trong xét duyệt, nghiệm thu đề tài KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước mà viện, trường thụ hưởng nhưng chưa có văn bản quy định hướng dẫn riêng về các thủ tục này với nhiệm vụ KH&CN của doanh nghiệp. Trong khi đó, về cơ bản thì tính chất của các đề tài và nhiệm vụ KH&CN của trường viện và doanh nghiệp hoàn toàn khác nhau: một bên thuần túy là đề tài nghiên cứu cơ bản hoặc nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng, tuy độ rủi ro lớn nhưng kinh phí đầu tư lại nhỏ; một bên là giải quyết các vấn đề thực tế của doanh nghiệp, làm ra sản phẩm thực sự, tuy rủi ro thấp nhưng lại đòi hỏi kinh phí đầu tư lớn. Vì vậy, việc áp cơ chế tài chính cho nhiệm vụ KH&CN của doanh nghiệp giống như cơ chế với đề tài của viện, trường sử dụng ngân sách nhà nước đã gặp phải bất cập, đó là cơ quan tài chính ở một số địa phương không đồng ý với các khoản chi bởi mức chi vượt quá định mức thông tư.
Vậy là dù muốn chủ động dùng quỹ để giải quyết nhu cầu của chính mình nhưng thực ra, doanh nghiệp vẫn phải trải qua các quy trình lập hồ sơ, lập hội đồng KH&CN thẩm định, nghiệm thu… với đầy đủ tính phức tạp của nó trong khi bài toán của thị trường thường không chấp nhận độ trễ thời gian và sự thiếu thông thoáng của thủ tục. Ở góc độ của một người quản lý quỹ ở địa phương và quan sát những chuyển động về quỹ KH&CN tại doanh nghiệp, ông Thái Hoàng Uẩn, Phó Giám đốc Quỹ Phát triển KH&CN Bình Định, cũng từng lý giải trên báo Bình Định vào năm 2018 nguyên nhân vì sao chỉ 3 trong số trên 10.000 doanh nghiệp của tỉnh lập quỹ KH&CN: “sự thiếu thống nhất trong hướng dẫn thực hiện và những bất cập trong quá trình sử dụng, quyết toán khiến doanh nghiệp không mặn mà trích lập quỹ”.
Khi đánh giá “Hiệu quả sử dụng Quỹ phát triển KH&CN tại doanh nghiệp” vào năm 2020 trên tạp chí Tài chính doanh nghiệp, ThS. Trần Thị Mỹ Linh (Cục Tài chính doanh nghiệp - Bộ Tài chính) cho rằng có ba nhóm vướng mắc trong quá trình sử dụng quỹ là thủ tục sử dụng phức tạp; nội dung chi chưa rõ ràng; nộp thuế và lãi chậm nộp; giới hạn thời gian trích lập và sử dụng ngắn. Qua khảo sát do chị và cộng sự thực hiện, các doanh nghiệp thường phản ánh là “sử dụng quỹ thông qua nhiều thủ tục phức tạp”, “phải tuân theo những thủ tục kiểm soát chi hết sức chặt chẽ, khó sử dụng nguồn Quỹ đã trích theo quy định của pháp luật”, “hồ sơ quyết toán chi phí chưa rõ ràng thành phần”, “không đủ thành viên để lập hội đồng nghiệm thu”, “không có lãi suất thu hồi”…
Những điều này dẫn đến một hệ lụy là doanh nghiệp khó tiêu được số tiền dành cho các hoạt động đổi mới công nghệ của mình. Dẫn số liệu từ Tổng cục Thuế, tạp chí Kinh tế và dự báo (Bộ KH&ĐT) nhận xét về tình trạng này: về cơ bản, các tập đoàn, tổng công ty sử dụng quỹ để thực hiện các đề tài nghiên cứu, các dự án sản xuất thử nghiệm hoặc mua sắm trang thiết bị nghiên cứu nhưng một số tập đoàn, tổng công ty có số trích lập quỹ lớn nhưng không sử dụng hết phải tiến hành hoàn nhập quỹ, ví dụ: Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam trích lập được 1.380 tỷ đồng trong giai đoạn 2009-2014 nhưng đã hoàn nhập quỹ là 1.164 tỷ đồng (chiếm 84%) do không sử dụng được; Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trích lập được 1.912 tỷ đồng, chỉ sử dụng được 590 tỷ đồng...
Khi thực hiện đề tài “Đánh giá hiệu quả sử dụng quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp và những khuyến nghị về cơ chế, phương thức quản lý” (2019/mã số 2019-13), ThS. Đặng Quốc Việt (Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ KH&ĐT) cũng đưa ra một thông số “trong số các doanh nghiệp có trích lập quỹ, 79% số doanh nghiệp có trích quỹ nhưng hoàn toàn không sử dụng quỹ trong cả giai đoạn 2011 – 2019”.
Việc không sử dụng được quỹ trích lập của doanh nghiệp dẫn đến một hệ lụy, đó là trong thời hạn 5 năm kể từ năm kế tiếp năm trích lập, nếu không sử dụng hết 70% kinh phí của quỹ thì doanh nghiệp phải quay trở lại đóng thuế cho khoản kinh phí đã trích lập lập cộng với lãi suất từ số thuế truy thu đó. Như vậy, thời gian doanh nghiệp được tạm hoãn tiền thuế để chi cho R&D không nhiều, ông Tạ Hồng Thái, thành viên điều hành bộ phận Thuế doanh nghiệp, KPMG Việt Nam, một công ty chuyên về cung cấp các dịch vụ kiểm toán, thuế, tư vấn và pháp lý, nhận định trên báo Đầu tư.
Những nguyên nhân này khiến từ khi khuyến khích lập quỹ KH&CN tại doanh nghiệp cho đến nay, số lượng các doanh nghiệp trích lập quỹ KH&CN không nhiều. Có thể soi chiếu điều này từ TP.HCM, nơi dẫn đầu cả nước về số lượng doanh nghiệp và sự hấp dẫn trong môi trường kinh doanh: Theo số liệu của Sở KH&CN TP.HCM, đến tháng 8/2015, toàn thành phố mới có 98 doanh nghiệp báo cáo thành lập quỹ (trong đó có 74 doanh nghiệp nhà nước); đến tháng 9/2020, có 121 doanh nghiệp thành lập quỹ. Con số này vô cùng nhỏ so với một thành phố năng động như TP.HCM, nơi số lượng doanh nghiệp thành lập mới đã ở mức trên 32.000 doanh nghiệp (năm 2020). Sở KH&CN TP.HCM cũng từng thực hiện khảo sát trên hơn 900 doanh nghiệp thì số quan tâm đến việc thành lập quỹ chưa đến 1%. Trên phạm vi cả nước, tỷ lệ số doanh nghiệp trích lập quỹ trên phạm vi cả nước rất thấp xét cả giai đoạn 2011 - 2019 (chiếm chưa đến 0,1% tổng số lượng doanh nghiệp trên cả nước), theo kết quả từ nghiên cứu của ThS. Đặng Quốc Việt.
Với muôn vàn vướng mắc như thế, một chính sách với những ý tưởng đổi mới và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho R&D để nâng cao chất lượng sản phẩm, củng cố hơn nữa năng lực cạnh tranh của mình trên thị trường trong nước và quốc tế đã không như kỳ vọng của các nhà quản lý.
Đó là lý do vì sao, sau nhiều bất cập của Thông tư liên tịch số 12/2016/TTLT-BKH&CN-BTC, Bộ KH&CN đã soạn thảo và chính thức ban hành Thông tư 05/2022/TT-BKHCN hướng dẫn sử dụng quỹ KH&CN tại doanh nghiệp vào 31/5/2022. Vậy thông tư mới sẽ mở đường cho các doanh nghiệp vận hành hanh thông quỹ KH&CN tại doanh nghiệp và chi tiền đúng mục đích?.
Theo kết quả thăm dò, khảo sát tại doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bến Tre từ năm 2017 - 2020, các vướng mắc nổi lên chủ yếu tập trung vào các nhóm vấn đề chính:
1. Cơ chế, chính sách chưa rõ ràng, cụ thể như có quá nhiều điều khoản ràng buộc với các thông tư, văn bản hướng dẫn chồng chéo, không rõ ràng và chưa sát với thực tế.
2. Thủ tục thành lập quỹ phức tạp, hàn lâm, chưa có hướng dẫn cụ thể.
3. Giới hạn thời gian trích lập ngắn và sau 5 năm lập quỹ, nếu doanh nghiệp không sử dụng hết sẽ bị truy thu, thậm chí phạt lãi suất phát sinh.
4. Nội dung chi của quỹ chưa rõ ràng, nội dung chi không được quy định trong thông tư và hướng dẫn sử dụng một cách rõ ràng dẫn đến hai vấn đề chính mà các doanh nghiệp thường nêu ra: (1) không nắm rõ mục đích chi của quỹ dẫn đến việc sử dụng sai mục đích và không được quyết toán thuế; (2) Cách hiểu về nội dung chi của doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước chưa thống nhất dẫn đến việc khó khăn trong quá trình thanh quyết toán số tiền đã sử dụng từ quỹ.
Dương Thị Kim Thoa
Phòng Quản lý công nghệ và Thị trường công nghệ, Sở KH&CN Bến Tre
(Nguồn: Báo Đồng Khởi)
Thanh Nhàn