Khảo sát độc tính cấp và tác dụng giảm đau, chống viêm của cao cồn 50% từ cây cỏ bạc đầu (Kyllinga nemoralis Rottb) trên chuột nhắt trắng
Nghiên cứu do nhóm tác giả Ngô Thị Nga, Nguyễn Thị Thương, Lê Thị Bích Thùy, Nguyễn Thanh Thảo - Khoa Dược, Trường Đại học Kỹ thuật Y Dược Đà Nẵng, Huỳnh Thị Ngọc Ánh - Khoa Xét Nghiệm, Trường Đại học Kỹ thuật Y Dược Đà Nẵng, Lâm Vĩnh Niên - Khoa Y, Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện.
Ảnh minh họa
Khảo sát độc tính cấp và tác dụng giảm đau, chống viêm của cao cồn 50% từ cây Cỏ bạc đầu (CBĐ) (Kyllinga nemoralis Rottb) trên chuột nhắt trắng.
Chuột nhắt trắng Swiss abino được uống liều duy nhất cao cồn 50% từ CBĐ; ghi nhận tỷ lệ chết, biểu hiện độc tính trong 72 giờ và tiếp tục theo dõi chuột trong 14 ngày. Khảo sát tác dụng chống viêm của cao CBĐ liều 100 mg/kg và 200 mg/kg trên mô hình gây viêm chân chuột bằng carrageenan và tác dụng giảm đau được đánh giá trên mô hình gây đau quặn bằng acid acetic. Thuốc đối chứng là diclofenac 30 mg/kg.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, cao CBĐ không có độc tính cấp đường uống, không xác định được LD50, ghi nhận liều tối đa Dmax là 2 g cao/kg trọng lượng chuột, tương đương 50 g dược liệu khô/kg trọng lượng chuột. Chuột được cho uống cao CBĐ 100 mg/kg và 200 mg/kg giảm độ phù chân có ý nghĩa thống kê so với lô chứng bệnh (p < 0,05). Cao CBĐ liều 200 mg/kg làm giảm 28,26% số cơn đau quặn, có ý nghĩa thống kê so với lô chứng bệnh (p < 0,05) và khác biệt không có ý nghĩa thống kê so với lô uống diclofenac. Cao cồn 50% từ CBĐ không có độc tính cấp khi dùng đường uống trên chuột với liều 2g/kg thể trọng. Cao cồn thể hiện tác dụng chống viêm và giảm đau ở liều uống 100 và 200 mg/kg trên mô hình chuột. Kết quả là cơ sở để sử dụng CBĐ cũng như nghiên cứu bào chế các dạng chế phẩm giảm đau, chống viêm từ loài dược liệu này.
ctngoc
Tạp chí Y dược học TP.HCM, số 2, tập 26/2022