Giá trị tiên đoán của chỉ số cảnh báo sớm ở người bệnh cấp cứu
Nghiên cứu do nhóm tác giả Nguyễn Thúy Uyên, Nguyễn Văn Khánh, Nguyễn Thị Kim Tuyến, Nguyễn Thụy Quỳnh Khuyên, Nguyễn Nam Thiên Ý thực hiện.
Ảnh minh họa
Thang điểm MEWS - Modified Early Warning Score - Điểm cảnh báo nguy cơ sớm được sửa đổi của Morgan 1997 là một công cụ hàng đầu để đánh giá nguy cơ ngưng tim sớm của NB dựa trên năm thông số sinh lý: huyết áp tâm thu, nhịp tim, nhịp hô hấp, nhiệt độ và điểm AVPU về tình trạng tri giác. Thang điểm MEWS là một thuật toán được xác nhận sử dụng lâm sàng trong nhập viện khẩn cấp để xác định NB bị ngừng tim, tử vong tại bệnh viện không cần thiết.
Nghiên cứu nhằm mục tiêu xác định tỷ lệ phân bố người bệnh vào khoa cấp cứu theo thang điểm MEWS, thời gian theo dõi tại khoa Cấp cứu, tỷ lệ người bệnh nhập khoa, tỷ lệ NB trở nặng và thời điểm trở nặng, tử vong theo điểm số MEWS của nhóm người bệnh cấp cứu được phân độ màu vàng.
Nghiên cứu theo chiều dọc của nhóm người bệnh cấp cứu được phân độ màu vàng tại khoa Cấp cứu khoa Cấp cứu bệnh Viện Nhân Dân Gia Định, TP. Hồ Chí Minh từ tháng 04-09/2020.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, nghiên cứu được thực hiện với 327 người bệnh vào cấp cứu, người bệnh vào cấp cứu phân bố nhiều ở tỷ lệ trên 60 tuổi (46%), đây là nhóm tuổi có nhiều bệnh nền, có tiến sử nhiều lần nhập viện điều trị nội trú (51,6%). Tỷ lệ người bệnh có mức điểm MEWS cao từ 4 điểm trở lên chiếm tỷ lệ 6,7% được nhập sớm, trong vòng từ 1-4 tiếng vào các khoa ICU, Đơn vị can thiệp mạch vành, Hồi sức Ngoại, và các đơn vị hồi sức của từng khoa lâm sàng. Tỷ lệ NB trở nặng trong 24 giờ đầu là 1,8%. Tỷ lệ tử vong của nhóm NB được phân độ màu vàng từ 0-2 điểm là 0,3%. Với điểm số MEWS là 3 điểm, thì tỷ lệ tử vong của nhóm người bệnh được phân độ màu vàng là 0,3%. Tỷ lệ tử vong nhóm người bệnh được phân độ màu vàng có điểm số MEWS từ 4 điểm là 3%. Sử dụng điểm số MEWS phù hợp với hoạt động chuyên môn của Khoa Cấp cứu.
dtphong
Tạp chí Y dược học TP.HCM, số 5, tập 25/2021