Nhận xét hiệu quả kỹ thuật dẫn lưu não thất ra ngoài trên bệnh nhân chảy máu não thất tại trung tâm đột quỵ bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ
Chảy máu não chiếm từ 10% đến 15% các trường hợp đột quỵ não đại diện cho khoảng hai triệu trường hợp hàng năm trên toàn thế giới. Tại Australia, Anh và Hoa Kỳ, chảy máu não chiếm từ 8% đến 15% tất cả các trường hợp đột quỵ não.

Ảnh minh họa
Ở Nhật Bản, chảy máu não chiếm tỷ lệ khá cao, khoảng 25% các trường hợp đột quỵ não. Tương tự, chảy máu não chiếm 40,8% các trường hợp đột quỵ não tại các bệnh viện đa khoa từ tuyến tỉnh trở lên ở Việt Nam. Chảy máu não thất thường là thứ phát sau chảy máu não, xảy ra vào khoảng 40% các trường hợp chảy máu não, góp phần làm tăng mức độ nặng, tăng tỷ lệ di chứng và tử vong ở bệnh nhân chảy máu não. Tỷ lệ tử vong tại thời điểm 30 ngày liên quan tới chảy máu não thất chiếm từ 40% đến 80% và thể tích máu được cho là một yếu tố dự báo tử vong độc lập sau chảy máu não Điều trị chảy máu não thất có biến chứng giãn não thất cấp phổ biến hiện nay là đặt dẫn lưu não thất ra ngoài. Tuy nhiên dẫn lưu não thất ra ngoài trong điều trị không góp phần làm giảm tỷ lệ di chứng và tử vong của chảy máu não thất. Tắc dẫn lưu thường xảy ra khi thể tích chảy máu não thất lớn khiến việc kiểm soát áp lực nội sọ khó khăn đòi hỏi phải thông rửa hoặc thay thế dẫn lưu và đẩy bệnh nhân vào nguy cơ tăng áp lực nội sọ thứ phát sau giãn não thất, nguy cơ chảy máu và nhiễm khuẩn.
Giãn não thất là một biến chứng sớm hay gặp ở các bệnh nhân đột quỵ chảy máu não thất tiên phát, chảy máu nhu mô não hay chảy máu dưới nhện có máu tràn vào não thất. Các trường hợp chảy máu hay nhồi máu vùng hố sau chèn ép não thất IV gây giãn não thất. Giãn não thất cấp ở các bệnh nhân đột quỵ là một cấp cứu ngoại khoa cần được can thiệp đặt dẫn lưu não thất kịp thời.
Nghiên cứu 19 bệnh nhân chảy máu não thất có giãn não thất cấp được điều trị tại Trung tâm Đột quỵ Bệnh viện Đa khoa Tỉnh Phú Thọ từ tháng 06/2020đến tháng 09/2021và thỏa mãn các tiêu chuẩn tuyển chọn và tiêu chuẩn loại trừ trong nghiên cứu.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, cải thiện điểm hôn mê Glasgow và điểm Graeb: Tại thời điểm nhập viện, điểm hôn mê Glasgow trung bình (9,68[6-15]) liều thấp. Kể từ ngày thứ nhất, điểm hôn mê Glasgow trung bình bắt đầu có sự cải thiện. Tại thời điểm nhập viện, điểm Graeb trung bình của bệnh nhân trong nghiên cứu (6,72 [0-10]), cải thiện nhanh và sớm sau ngày thứ nhất. Các biến chứng liên quan tới dẫn lưu não thất ra ngoài chủ yếu là viêm màng não mủ (15,8%) và chảy máu tái phát (15,8%). Tỷ lệ tử vong của bệnh nhân nghiên cứu tại thời điểm 1 tháng là 36,84%, tỷ lệ tử vong của bệnh nhân nghiên cứu tại thời điểm 3 tháng là 21,05%. Tỷ lệ tử vong tính từ thời điểm 0 -3 tháng là 57,89%.
tdkhiem
Tạp chí Y học Việt Nam, số 2/2022