Tác dụng không mong muốn trên da trong điều trị thuốc ức chế tyrosine kinase bệnh nhân ung thư phổi có đột biến EGFR
Nghiên cứu do đồng tác giả Đỗ Hùng Kiên và Nguyễn Văn Tài - Bệnh viện K thực hiện.

Ảnh minh họa
Ung thư phổi là loại ung thư phổ biến và là nguyên nhân gây tử vong do ung thư thường gặp nhất. Điều trị ung thư phổi giai đoạn muộn là điều trị toàn thân, trong đó thuốc TKIs (tyrosine kinase inhibitor) trong điều trị bệnh nhân có đột biến gen EGFR đem lại hiệu quả và tính an toàn đã được chứng minh trong nhiều nghiên cứu. Các thuốc điều trị phổ biến hiện nay bao gồm thuốc thế hệ 1 (erlotinib, gefitinib), thế hệ 2 (afatinib), thuốc thế hệ 3 (osimertinib). Điều trị ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn tiến triển và di căn ngoài mục tiêu kéo dài thời gian sống thêm cho bệnh nhân, chất lượng cuộc sống của bệnh nhân là một mục tiêu hết sức quan trọng. Tác dụng không mong muốn trên da là đặc điểm thường gặp khi nói đến thuốc TKIs. Độc tính trên da khá đa dạng, nhưng thường gặp nhất là ban dạng sẩn mủ, khô da, viêm kẽ móng... Đặc điểm nổi ban do tác dụng không mong muốn của thuốc là ban sẩn dạng mủ, có thể là ban trứng cá hay dạng trứng cá, thường xuất hiện trên mặt và thân mình. Thường ban kèm theo đỏ da, khô da, căng, ngứa, tróc vảy, nhạy cảm ánh sáng hay có thể bội nhiễm. Một số trường hợp viêm quanh móng, hội chứng bàn tay bàn chân kèm theo. Vị trí hay gặp là mặt, da đầu, thân mình (ngực và lưng), cánh tay, khuỷu tay, đầu mũi, nếp bẹn. Đặc biệt những trường hợp BN xạ trị trước đó, vùng xạ ít tổn thương da hơn tạo nên ranh giới rõ rệt với vùng lành. Trong các nghiên cứu với các thuốc điều trị EGFR TKIs thường gặp tác dụng không mong muốn này với tỷ lệ khá cao, dao động từ 54% đến 89% và vai trò quan trọng của chăm sóc tại chỗ với các tổn thương da.
Nghiên cứu nhằm mục tiêu đánh giá tác dụng không mong muốn trên da trong điều trị thuốc TKIs bệnh nhân ung thư phổi tại Khoa Nội 1 - Bệnh viện K.
Nghiên cứu 261 bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn muộn có đột biến EGFR được điều trị thuốc TKIs tại Khoa Nội 1 -Bệnh viện K từ 3/2018 đến 04/2022. Phương pháp nghiên cứu tiến cứu, mô tả cắt ngang.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, đa phần nữ giới, chiếm 70,1%, nhóm tuổi <65 chiếm đa số (65,1%). Tổn thương di căn thường gặp là di căn xương, chiếm 70,1%, tiếp đến di căn phổi đối bên (69,3%). Đa phần các bệnh nhân không có bệnh lý da liễu từ trước (chiếm 82%). Điều trị chủ yếu bằng thuốc thế hệ 1, bao gồm erlotinib (39,8%) và gefitinib (45,2%). Đa phần các bệnh nhân không hút thuốc lá, chiếm 72,8%. Phần lớn các bệnh nhân có độc tính ban da độ 1 và độ 2 (chiếm lần lượt 36,9% và 44,1%), có một trường hợp ghi nhận độc tính độ 4. Về viêm quanh móng, độc tính độ 1 và 2 cũng chiếm đa số (35,8% và 23,6%), trong khi độc tính độ 3 chỉ gặp 6 BN. Vị trí tổn thương chủ yếu ở vùng mặt, tiếp đến vùng ngực -lưng. Đa phần các bệnh nhân được điều trị ngoại trú và chăm sóc tổn thương da theo hướng dẫn của bác sỹ điều trị và điều dưỡng, chỉ gặp 13 trường hợp độc tính độ 3 cần nội trú và chăm sóc tại khoa phòng. Tác dụng không mong muốn trên da thường gặp trên bệnh nhân ung thư phổi có đột biến EGFR điều trị thuốc TKIs. Chăm sóc nội khoa có vai trò cải thiện triệu chứng và chất lượng cuộc sống.
ctngoc
Tạp chí Y học Việt Nam, số 2, tháng 6/2022