SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Nghiên cứu ảnh hưởng của cáchợp chất cao phân tử ngoại bào từ vi khuẩn lactic lên đáp ứng miễn dịch của tôm Sú (Penaeus monodon)

[25/07/2022 08:41]

Nghiên cứu do các tác giả Trương Tiến Công, Nguyễn Minh Chơn - Viện Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ Sinh học, Trường Đại học Cần Thơ, các tác giả Nguyễn Hữu Thanh, Nguyễn Phú Thọ, Trịnh Thị Lan, Nguyễn Hữu Yến Nhi, Nguyễn Thị Thúy Hằng -Trường Đại học An Giang, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh thực hiện nhằm nghiên cứu ảnh hưởng của cáchợp chất cao phân tử ngoại bào từ vi khuẩn lactic lên đáp ứng miễn dịch của tôm Sú (Penaeus monodon).

Tôm biển, đặc biệt là tôm Sú chiếm tỷ trọng lớn trong ngành nuôi trồng giáp xác. Tuy nhiên, những năm gần đây dịch bệnh trên tôm xuất hiện và bùng phát ngày càng nghiêm trọng đã gây thiệt hại lớn về kinh tế cho ngành nuôi tôm.

Các hợp chất cao phân tử ngoại bào (EPS - xtracellular polymeric substance) của vi khuẩn với thành phần chính là các polysaccharide đã được sử dụng như một chất thay thế tự nhiên cho thuốc kháng sinh vì những lợi ích sức khỏe mà nó có thể mang lại. Prebiotic là các thành phần không tiêu hóa có tác dụng thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn đường ruột một cách có chọn lọc và có khả năng kích thích hệ thống miễn dịch của động vật thủy sản. Prebiotic được lên men bởi vi khuẩn lactic tạo ra các chất chuyển hóa khác nhau như axit béo mạch ngắn với các hoạt động chống viêm và điều hòa miễn dịch. Như vậy, các EPS do vi khuẩn lactic sản xuất có tiềm năng như những prebiotic có thể được sử dụng cho nuôi tôm.

Sản xuất EPS ở vi khuẩn lactic được kích thích bởi các điều kiện căng thẳng và gây sốc môi trường khác nhau như một phản ứng bảo vệ tế bào, cũng có thể tăng cường sự hình thành màng sinh học xung quanh tế bào. EPS của vi khuẩn lactic thể hiện các hoạt tính sinh học đặc trưng như khả năng chống ôxy hóa, kháng vi-rút, chống ung thư, chống viêm và điều hòa miễn dịch. Với tiềm năng prebiotic của EPS, nghiên cứu đã đánh giá ảnh hưởng của khẩu phần ăn chứa các loại EPS được sản xuất bởi vi khuẩn lactic dưới các điều kiện sốc môi trường khác nhau nhằm kích thích miễn dịch đối với bệnh do vi khuẩn V.  parahaemolyticusgây ra ở tôm Sú.

Để chứng minh tiềm năng prebiotic của các EPS được sản xuất từ vi khuẩn lactic, Lactobacillus plantarum và Bifidobacterium bifidum, nghiên cứu này đã đánh gia ảnh hưởng của các vi khuẩn trên với đáp ứng miễn dịch ở tôm khi lây nhiễm với vi khuẩn gây bệnh Vibrio parahaemolyticus. Kết quả cho thấy, khẩu phần ăn có bổ sung các loại EPS khác nhau đã kích thích miễn dịch của tôm Sú đối với bệnh hoại tử gan tụy cấp (AHPND - Acute hepatopancreatic necrosis disease), hay còn gọi là hội chứng chết sớm (EMS - Early mortality syndrome) ở tôm do vi khuẩn V. parahaemolyticus gây ra. Việc bổ sung EPS vào thức ăn của tôm đã làm tăng đáng kể tổng số lượng bạch cầu, hoạt tính suy hô hấp cấp, hoạt tính của phenoloxidase (PO) và superoxide dismutase. Kết quả nghiên cứu cho thấy, EPS do vi khuẩn lactic sản xuất thể hiện tiềm năng như prebiotic, có thể trở thành giải pháp thay thế việc sử dụng kháng sinh trong nuôi tôm nhằm gây ức chế sự phát triển của mầm bệnh.

Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam tập 64 - Tháng 7/2022 (nthang)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ