Rượu làm tăng tốc độ lão hóa sinh học
Những tác động ngắn hạn của việc uống quá nhiều đã được biết rõ, nhưng cho đến nay, người ta vẫn chưa chắc chắn rằng rượu có đẩy nhanh quá trình lão hóa hay không.
Hình minh họa. Nguồn: Unsplash/CC0 Public Domain
Nghiên cứu vấn đề này gặp nhiều thách thức do thiếu các phương pháp đáng tin cậy để đo sự lão hóa sinh học. Ngoài ra, nghiên cứu quan sát không cho thấy rõ liệu rượu có phải là nguyên nhân thực sự của bất kỳ tác động nào hay không, hay lão hóa có liên quan đến các yếu tố khác, chẳng hạn như tình trạng kinh tế xã hội.
Mới đây, các nhà nghiên cứu từ Oxford Population Health đã công bố kết quả từ một phân tích dựa trên gen cho thấy rượu trực tiếp làm tăng tốc độ lão hóa bằng cách làm hỏng DNA trong các telomere. Các phát hiện được công bố trên Molecular Psychiatry.
Telomere là các chuỗi DNA lặp đi lặp lại bao bọc phần cuối của nhiễm sắc thể, bảo vệ chúng khỏi bị hư hại. Chiều dài telomere được coi là một chỉ số của quá trình lão hóa sinh học, vì 50-100 gốc DNA bị mất mỗi khi tế bào nhân lên. Một khi các telomere trở nên quá ngắn, các tế bào không thể phân chia được nữa và thậm chí có thể chết. Các nghiên cứu trước đây đã liên kết độ dài telomere ngắn hơn với một số bệnh liên quan đến lão hóa bao gồm bệnh Alzheimer, ung thư và bệnh mạch vành.
Trong phân tích này, các nhà nghiên cứu đã điều tra mối liên hệ giữa lượng cồn và độ dài của telomere ở hơn 245.000 người có dữ liệu tại Ngân hàng Sinh học Vương quốc Anh. Họ đã sử dụng một phương pháp di truyền được gọi là Mendelian Randomisation (MR), lần đầu tiên phương pháp này được áp dụng để điều tra tác động của rượu đối với quá trình lão hóa. Phương pháp này sử dụng 'chỉ báo di truyền' để dự đoán mức độ phơi nhiễm rượu của từng người tham gia, cụ thể là các biến thể di truyền có liên quan đến việc uống rượu và rối loạn sử dụng rượu.
Để bổ sung cho phân tích MR, các nhà nghiên cứu cũng thực hiện một đánh giá quan sát, dựa trên lượng rượu tự báo cáo hàng tuần của những người trong nghiên cứu.
Trong phân tích quan sát, có mối liên hệ đáng kể giữa việc uống nhiều rượu và chiều dài telomere ngắn hơn. So với việc uống ít hơn 6 đơn vị rượu mỗi tuần (khoảng hai ly rượu lớn 250ml), uống nhiều hơn 29 đơn vị hàng tuần (khoảng mười ly 250ml chứa 14% rượu theo thể tích) có liên quan đến lão hóa một đến hai tuổi sinh học - sự thay đổi liên quan đến chiều dài telomere.
Những người được chẩn đoán mắc chứng rối loạn sử dụng rượu có chiều dài telomere ngắn hơn đáng kể so với nhóm đối chứng, tương đương với chênh lệch từ 3 đến 6 tuổi.
Tương tự, trong phân tích MR, mức tiêu thụ rượu cao hơn có liên quan đến chiều dài telomere ngắn hơn. Phân tích MR cũng cho thấy mối liên hệ đáng kể giữa rối loạn sử dụng rượu được dự đoán về mặt di truyền và độ dài của telomere, tương đương với khoảng 3 năm lão hóa.
Hầu hết những người tham gia là những người hiện tại uống rượu, chỉ có 3% là chưa bao giờ uống rượu và 4% là những người đã từng uống rượu. 51% là nam giới, 49% là phụ nữ và độ tuổi trung bình là 57 tuổi.
Trưởng nhóm nghiên cứu, Tiến sĩ Anya Topiwala từ Oxford Population Health, nói rằng "Những phát hiện này ủng hộ quan điểm rằng rượu, đặc biệt ở mức tiêu thụ cao, ảnh hưởng trực tiếp đến độ dài của telomere. Telomere ngắn được coi là yếu tố nguy cơ có thể gây ra một số vấn đề liên quan đến tuổi tác - chẳng hạn như bệnh Alzheimer. Kết quả của chúng tôi cung cấp một thông tin khác cho các bác sĩ lâm sàng và những bệnh nhân đang tìm cách giảm tác hại của rượu quá mức. Hơn nữa, liều lượng rượu rất quan trọng — thậm chí giảm lượng rượu uống vào cũng có lợi."
Theo nhóm nghiên cứu, một cơ chế sinh học có thể giải thích ảnh hưởng của rượu đối với độ dài của telomere là tăng căng thẳng oxy hóa và viêm. Quá trình tiêu hóa ethanol trong cơ thể có thể tạo ra các chất phản ứng oxy hóa làm hỏng DNA và làm giảm mức độ các hợp chất chống oxy hóa.
Công Nhất