SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho KH&CN: Cách hiệu quả nhất?

[04/08/2022 15:46]

Khi doanh nghiệp chưa thực sự sẵn sàng đầu tư cho KH&CN thì chính sách của nhà nước được coi là biện pháp để kích hoạt quá trình đó. Nhưng làm gì để các chính sách này thực sự phát huy hiệu quả?

Viettel đã thành lập Viện Nghiên cứu và Phát triển Viettel vào năm 2010 theo mô hình của các tập đoàn lớn trên thế giới. Nguồn: Viettel R&D

Thông tư 05/2022/TT-BKHCN hướng dẫn sử dụng quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp ban hành vào ngày 31/5 chỉ là một trong số những chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho KH&CN do Bộ KH&CN ban hành.

Tuy nhiên, trên thực tế, những cách hiểu khác nhau và những cách tiếp cận khác nhau trước đây đã khiến những khuyến khích này không thực sự hiệu quả, đặc biệt là các thông tư hướng dẫn trích lập quỹ KH&CN ở doanh nghiệp ra đời trước năm 2022.

Vậy đâu là cách làm đúng và hiệu quả để khơi thông nguồn lực đầu tư cho KH&CN vẫn còn tản mát trong khối doanh nghiệp, cả nhà nước lẫn tư nhân? Đây có thể vẫn là một trong những vấn đề quan trọng trong thời gian tới của các nhà quản lý khoa học, khi mong muốn làn sóng đầu tư vào KH&CN, ĐMST lan rộng khắp mọi miền, dù từ năm 2019, Bộ KH&CN đã nhận ra “muốn tăng đầu tư cho nghiên cứu phát triển KH&CN, động lực chính của phải từ doanh nghiệp và phải giải quyết nhu cầu của doanh nghiệp” như chia sẻ của Thứ trưởng Lê Xuân Định, khi còn là Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính.

Chỉ cần chính sách khuyến khích là đủ?

Nếu việc khuyến khích lập quỹ phát triển KH&CN là chính sách tác động trực tiếp đến quyết định đầu tư vào KH&CN ở các doanh nghiệp thì một loạt chính sách thông qua các chương trình lớn nhỏ khác nhau của Bộ KH&CN cũng hướng họ đến mục tiêu đó. Đáng chú ý có Chương trình phát triển sản phẩm KH&CN quốc gia, Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia và Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao. Những khuôn khổ này được hinh thành để tạo cơ hội cho các doanh nghiệp có thể phát triển sản phẩm mới, chất lượng cao, tiếp nhận công nghệ mới với sự hỗ trợ của các nhà khoa học trong viện, trường.

Bên cạnh đó, cũng có nhiều chương trình phụ trợ khác như các chương trình KH&CN trọng điểm cấp quốc gia để tạo bước đà cho doanh nghiệp thông qua các dự án sản xuất thử nghiệm, chương trình phát triển thị trường KH&CN quốc gia nhằm thúc đẩy chuyển giao công nghệ, hoặc dự án Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu KH&CN (dự án FIRST) để hình thành mối quan hệ hợp tác liên doanh tư nhân – trường, viện thông qua sử dụng ngân sách nhà nước… Trong cuộc họp tổng kết hoạt động Khối Ban và Quỹ năm 2019, ông Lương Văn Thắng, người phụ trách dự án FIRST, cho rằng với chương trình này, “lần đầu tiên, Bộ KH&CN cho phép thí điểm tài trợ hình thức khác cho doanh nghiệp, ở đây là doanh nghiệp tư nhân”.

Vậy ngần ấy đã quá đủ để doanh nghiệp có thể tự tin nâng cao năng lực của mình và có được những sản phẩm cạnh tranh trên chính thị trường nội, vốn đã “quốc tế hóa” kể từ khi Việt Nam mở cửa chào đón các doanh nghiệp quốc tế và khi hàng loạt hiệp định thương mại chính thức có hiệu lực?

Trên thực tế, đường đến mục tiêu đó còn rất dài bởi không phải mọi đòn bẩy chính sách đều đạt hiệu quả như mong đợi do khi đi vào thực tiễn, có rất nhiều vấn đề xuất hiện khiến việc triển khai chính sách gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc.

Điểm khó đầu tiên, như đã nói ở các kỳ trước, đó là cách tiếp cận chưa thực sự đổi mới, mặc dù đề ra mục tiêu rất “cách mạng” là tạo điều kiện cho doanh nghiệp trích doanh thu lập quỹ KH&CN để đầu tư cho đổi mới công nghệ, đào tạo nhân lực… Điều này dẫn đến việc thực thi các nội dung đã được quy định đều gặp bế tắc, điển hình là việc quỹ phát triển KH&CN tại doanh nghiệp không chỉ không vận hành được một cách thông đồng bén giọt mà còn không thể tiêu được tiền. Vào năm 2019, ông Lê Xuân Định đã nhận xét trong một cuộc họp bàn về tái cơ cấu các chương trình KH&CN quốc gia “Hiện nay đã có nhiều doanh nghiệp tư nhân trích lập quỹ phát triển KH&CN doanh nghiệp nhưng việc sử dụng quỹ gặp rất nhiều khó khăn”. Theo lý giải của ông, nguyên nhân chính dẫn đến rào cản là “Trước đây, khi chúng ta thiết kế quỹ phát triển KH&CN doanh nghiệp, chúng ta coi doanh nghiệp như viện, trường và áp dụng cách tiếp cận lấy các viện, trường làm trung tâm. Vì vậy, quy định hướng đến việc dùng tiền ấy vào thực hiện các đề tài nghiên cứu chứ không phải dùng tiền ấy để cho doanh nghiệp phục vụ nhu cầu đổi mới công nghệ của doanh nghiệp trong khi chính doanh nghiệp là trung tâm cho việc sử dụng quỹ này”.

Đó là lý do để Thông tư 05/2022/TT-BKHCN ra đời với hy vọng thực sự tháo điểm nghẽn trong việc quản lý và sử dụng quỹ KH&CN trong doanh nghiệp sẽ đưa chính sách này đi đúng đường ray “lấy doanh nghiệp làm trung tâm”.

Điểm khó thứ hai, đó là sự mắc kẹt giữa những cách tiếp cận cũ và mới trong quản lý tài chính dành cho KH&CN. Mặc dù Bộ KH&CN đã thí điểm việc tài trợ bằng tiền ngân sách cho doanh nghiệp tư nhân triển khai hoạt động đổi mới công nghệ và đổi mới sáng tạo thông qua dự án FIRST nhưng đối với một số dự án sản xuất thử nghiệm có doanh nghiệp tham gia, vấn đề xử lý tài sản hình thành sau dự án lại không dễ thực hiện. Bởi kể từ khi Nghị định 70/2018/NĐ-CP về việc quản lý, sử dụng tài sản được hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng vốn nhà nước có hiệu lực và chính thức được áp dụng thì xảy ra một số vướng mắc. Là một văn bản pháp luật có quy định về tài sản hình thành từ các nhiệm vụ sử dụng dưới 30% kinh phí từ ngân sách được chuyển giao không bồi hoàn cho tổ chức chủ trì (doanh nghiệp, tổ chức KH&CN hay nhà nghiên cứu) song Nghị định 70 lại ẩn chứa điểm khó, ví dụ như nhà khoa học, viện nghiên cứu khó chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp tư nhân kết quả hình thành từ việc thực hiện đề tài. Trong một cuộc họp giữa Bộ KH&CN và Bộ NN&PTNT vào tháng 7/2020, đại diện của Viện KH Nông nghiệp Việt Nam và Viện Khoa học Thủy lợi đều cho rằng rất khó áp dụng. “Nếu kết quả nghiên cứu được bàn giao cho đơn vị công lập thì rất dễ dàng, không có vấn đề gì. Nhưng nếu phối hợp với doanh nghiệp để triển khai đề tài hoặc chuyển giao cho doanh nghiệp thì các đơn vị phải định giá, tính toán được phí trích nộp, mức độ tham gia của doanh nghiệp… cực kỳ phức tạp”, GS. Trần Đình Hòa, Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi, phản ánh.

Điểm khó thứ ba là sự tồn tại của tình trạng “nước chảy chỗ trũng” đối với đối tượng thụ hưởng chính sách ưu đãi, hỗ trợ đổi mới công nghệ và ĐMST. Mặc dù hơn 95% số doanh nghiệp ở Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ nhưng phần lớn các hỗ trợ chính sách lại rơi vào những doanh nghiệp lớn hoặc doanh nghiệp có tiềm lực.

Dù đo lường độ xác thực này không phải là nội dung chính của Tiểu dự án 1(b) “Hoàn thiện hệ thống thống kê, đánh giá, đo lường KH&CN và đổi mới sáng tạo” (Hợp phần 1 “Hỗ trợ cơ sở để hoạch định chính sách và thí điểm chính sách KH&CN” - Dự án FIRST) nhưng kết quả khảo sát, điều tra 8.000 doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp ngoài nhà nước ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ở quy mô lớn, vừa và nhỏ cũng phản ánh điều đó. Trong buổi công bố kết quả nghiên cứu vào tháng 9/2018, TS. Hồ Ngọc Luật, chuyên gia tư vấn dự án, đã đưa ra nhận xét “Hiện nay đang có một nghịch lý là doanh nghiệp càng lớn thì càng nhận được nhiều hỗ trợ, trong khi đó mục tiêu chính sách của ta là khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ”. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, theo phản ánh của doanh nghiệp được khảo sát là chưa được tiếp cận với các hình thức hỗ trợ; các hình thức hỗ trợ không liên quan đến nhu cầu của doanh nghiệp; doanh nghiệp không biết đến các đầu mối kết nối với hỗ trợ; quy trình xét duyệt hỗ trợ rất phức tạp.

Mặt khác, do tinh thần không chấp nhận rủi ro trong hỗ trợ, tài trợ hoặc ngần ngại doanh nghiệp “trục lợi” chính sách nên khi thực hiện các chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ, thường các cuộc sàng lọc hồ sơ đề xuất vẫn chỉ chọn ra những doanh nghiệp sẵn có năng lực và trong quá khứ đã chứng minh được thành công. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn trên Báo điện tử Chính phủ vào tháng 7/2021, Thứ trưởng Lê Xuân Định cũng lý giải, “vẫn còn hạn chế trong nhận thức của các cơ quan quản lý về chấp nhận rủi ro trong đầu tư cho ứng dụng, cải tiến và đổi mới công nghệ”.

Làm gì để lan tỏa chính sách?

Những vấn đề nảy sinh trong quá trình thực thi chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào KH&CN, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ cho thấy việc áp dụng những chính sách mới, dù đúng với quy luật phát triển và chứng minh được tính đúng đắn ở nhiều nền kinh tế, bao giờ cũng gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Chính những rào cản này khiến hiệu quả của chính sách chưa được phát huy như kỳ vọng và độ lan tỏa của chính sách còn bị giới hạn. Đó là lý do, trên thực tế thì tỷ lệ các doanh nghiệp được hưởng các chính sách về tín dụng hay chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ chỉ đạt từ 10% đến 17%; tỷ lệ các doanh nghiệp được hỗ trợ tư vấn kỹ thuật hay thực hiện nhiệm vụ KH&CN chỉ 3% đến 6%, theo kết quả điều tra khảo sát của Tiểu dự án 1(b) “Hoàn thiện hệ thống thống kê, đánh giá, đo lường KH&CN và đổi mới sáng tạo” (Dự án FIRST).

Trước câu hỏi “làm gì để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào KH&CN một cách thực sự”?, có lẽ nên xuất phát từ ba điểm hạn chế, ngăn cản hiệu quả của chính sách trên đường đến với doanh nghiệp. Không dễ để Bộ KH&CN đơn thương độc mã giải quyết trọn vẹn mọi vấn đề, bởi những điểm hạn chế đó liên quan đến rất nhiều bộ, ngành khác. Trong trả lời phỏng vấn Báo điện tử Chính phủ, Thứ trưởng Lê Xuân Định cũng nhìn nhận nguyên nhân sâu xa hơn của vấn đề, đó là “Một số cơ chế ưu đãi thuế cho đầu tư đổi mới công nghệ còn khó thực thi do chưa có sự đồng bộ trong các quy định pháp luật. Chính sách về mua sắm công chưa tạo động lực khuyến khích cho việc sử dụng sản phẩm, dịch vụ là kết quả của hoạt động đổi mới, phát triển công nghệ của doanh nghiệp trong nước; còn thiếu các biện pháp hỗ trợ của Nhà nước cho các doanh nghiệp đưa sản phẩm là kết quả của nghiên cứu, phát triển, đổi mới công nghệ tiếp cận được với các thị trường tiềm năng”.

Việc đạt đến sự đồng bộ và hài hòa về giữa các văn bản quy định pháp luật đòi hỏi thời gian và sự vào cuộc của rất nhiều bộ, ngành. Hơn ai hết, các doanh nghiệp như những thực thể tồn tại và phát triển trong một hệ sinh thái được vận hành theo nguyên tắc do các văn bản này đề ra. “Bao giờ doanh nghiệp cũng có thể tìm ra cách tốt nhất để làm”, như nhận xét của ông Lê Tiến Trường (Tổng Giám đốc Vinatex) tại tại hội thảo báo báo kết quả nghiên cứu “Nghiên cứu, đánh giá tác động của cuộc CMCN lần thứ 4 đối với ngành Dệt may Việt Nam nhằm đề xuất định hướng chiến lược, chính sách và các giải pháp phát triển trong giai đoạn 2019-2030” (KC4.0), nhưng doanh nghiệp cũng cần sự dẫn đường của chính sách. Theo nghiên cứu này, các doanh nghiệp dệt may đã sẵn sàng đổi mới để đầu tư công nghệ 4.0, thậm chí có doanh nghiệp ngành sợi đã tự mua sắm trang thiết bị và vận hành nhà máy theo phương thức thông minh. Ông Lê Tiến Trường cho rằng doanh nghiệp “không xin thêm tiền đầu tư nhưng vẫn cần chính phủ giải quyết một số vấn đề cốt lõi” về đổi mới công nghệ, ví dụ nếu đầu tư cho công nghệ 4.0, đầu tư vào công nghệ tiết kiệm năng lượng thì có được sử dụng lợi nhuận trước thuế không, có được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp không? Mặt khác, nếu nhà nước khuyến khích công nghệ “made in Vietnam”, khuyến khích hợp tác với trường, viện hoặc doanh nghiệp trong nước để đổi mới công nghệ thì các doanh nghiệp có tạo điều kiện để các mối hợp tác chuyển giao này diễn ra ổn thỏa không? Doanh nghiệp dệt may Việt Nam có thể hợp tác để nội địa hóa sản phẩm, kết hợp thành chuỗi giá trị hoặc đặt hàng nghiên cứu tạo ra sản phẩm dành riêng cho mình… nhưng ông Lê Tiến Trường dự đoán có một số trường hợp có thể xảy ra: doanh nghiệp sẽ đặt hàng không qua đấu thầu, doanh nghiệp có thể mua sản phẩm giá cao vì sản phẩm đầu tiên có thể đắt. “Nếu không giải quyết được vấn đề này thì vấn đề liên kết chuỗi, nội địa hóa chắc chắn chỉ tồn tại trên giấy, không bao giờ thành hiện thực”, ông nói.

Giữa muôn hình vạn trạng tình huống, vấn đề có thể xảy ra trên thực tế, có bao giờ chính sách có thể bao quát đủ. Giống như những tuyến đường giao thông, ngoài trục đường huyết mạch xương sống cũng rất cần các đường nhánh phụ trợ để góp phần quy tụ, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào KH&CN cần được bồi đắp bởi nhiều thông tư, văn bản hướng dẫn, chương trình…

Tuy nhiên trong bối cảnh chưa thật tối ưu ấy, vẫn có những doanh nghiệp đã tự tìm cho mình cách làm và đầu tư vào KH&CN như một phương thức để tồn tại và phát triển. Vậy họ đã làm như thế nào và kinh nghiệm của họ là gì? Chúng ta hãy chờ xem!

Trong Chiến lược KH&CN và đổi mới sáng tạo của ĐHQGHN giai đoạn 2021 - 2030, có một số điểm mới trong cách khuyến khích nhà nghiên cứu/giảng viên của trường hợp tác với doanh nghiệp khi cho phép họ được làm việc 1 tháng/năm tại doanh nghiệp trong và ngoài nước để thực hiện nhiệm vụ KH,CN&ĐMST nhưng vẫn tính là giờ làm việc tại ĐHQGHN theo quy định; cho phép phối hợp với doanh nghiệp và nhà đầu tư thành lập doanh nghiệp KH,CN&ĐMST dạng spin-off theo mô hình thí điểm; hỗ trợ kinh phí ban đầu cho các nhóm nghiên cứu thực hiện đấu thầu thành công các nhiệm KH,CN&ĐMST trong nước và quốc tế có quy mô từ 5 tỷ đồng trở lên…

Để thúc đẩy chính sách chuyển đổi giữa giờ nghiên cứu khoa học và giờ giảng dạy, ĐHQGHN sẽ phối hợp với Bộ GD&ĐT về cơ chế liên quan đến giảng viên tham gia hoạt động KH&CN ở doanh nghiệp.

Thanh Nhàn

www.khoahocphattrien.vn (ctngoc)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ