Ảnh hưởng của thời gian trồng đến sinh trưởng, phát triển của nấm trân châu (Agrocybe aegerita)
Nghiên cứu do đồng tác giả Lê Thị Thu Hường, Vũ Tuấn Minh - Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế thực hiện.
Ảnh minh họa
Nấm Trân Châu có tên khoa học là Agrocybe aegerita (Brig.) Sing., là loại nấm quý hiếm, hàm lượng protein tương đối cao, giàu axit amin, khoáng chất và vitamin; có hương vị thơm ngon, giòn, ngọt nên được ưa chuộng và nuôi trồng nhiều trên thế giới. Tại Việt Nam, nấm đã được nghiên cứu nuôi trồng nhiều ở các tỉnh phía Bắc. Hàm lượng protein có trong nấm Trân Châu chứa đủ 8 loại axit amin không thay thế (8 loại axit amin mà cơ thể người không thể tự tổng hợp được), đặc biệt là hàm lượng lysin có tỷ lệ cao chiếm khoảng 1,75 % (Jovana Petrović và cs., 2015). Theo nhiều kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học trên thế giới, nấm Trân Châu kháng được nhiều loại vi khuẩn như: Staphylococus, Coliformvà các vi khuẩn khác, có tính miễn dịch cao và ngăn ngừa các khối u, ung thư. Đặc biệt, khi ăn nấm thường xuyên có tác dụng điều hoà huyết áp (Wang Zhiqiang, 2003).
Thí nghiệm được tiến hành với giống nấm Trân Châu (Agrocybe aegerita) cấp 3, được cung cấp từ Trung tâm nghiên cứu và phát triển nấm,Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam. Vật liệu nghiên cứu gồm mùn cưa cao su, cám gạo, bột ngô, đường glucose. Thời gian từ tháng 3/2020 đến tháng 7/2020 tại khoa Nông học, Trường Đại Học Nông Lâm, Đại học Huế nhằm nghiên cứu ảnh hưởng của thời gian trồng đến sinh trưởng, phát triển và năng suất của nấm Trân Châu tại Thừa Thiên Huế.
Nghiên cứu được thực hiện trong vụ Xuân Hè tại trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế nhằm xác định được thời vụ thích hợp cho sinh trưởng, phát triển của nấm Trân Châu tại Thừa Thiên Huế. Thí nghiệm được bố trí theo phương pháp hoàn toàn ngẫu nhiên (CRD), gồm 5 công thức với 5 thời điểm cấy giống khác nhau trong tháng 4 và tháng 5 là 1/4; 10/4; 20/4; 30/4 và 10/5, 3 lần lặp lại, mỗi lần lặp theo dõi 10 bịch.
Kết quả cho thấy công thức I, thời điểm cấy giống vào 1/4 cho kết quả tốt nhất. Thời gian phủ kín nguyên liệu 43,3ngày, thời gian xuất hiện quả thể 57,5ngày và thời gian quả thể trưởng thành và thu hái 65,9ngày. Chiều dài quả thể đạt 10,69 cm, đường kính quả thể 3,99 cm và trọng lượng quả thể đạt 90,28 g/cụm quả thể, không xuất hiện mẫu nhiễm. Năng suất đạt 225,70 kg/ tấn nguyên liệu khô dẫn đến lãi ròng thu được 13,92 triệu đồng, cao hơn so với các công thức cùng nghiên cứu.
ctngoc
Tạp chí Khoa học và Công nghệ Nông nghiệp, tập 5 (3) 2021