Hiện trạng sản xuất lúa và xử lý rơm rạ sau thu hoạch ở tỉnh Thừa Thiên Huế
Nghiên cứu do nhóm tác giả Trần Thị Xuân Phương, Hoàng Trọng Nghĩa - Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế1, Hồ Đăng Khoa, Tôn Thất Các, Phùng Viên, Trương Phước Hiếu - Công ty TNHH Một thành viên Nông sản Hữu cơ Quế Lâm, Nguyễn Hoàng Linh - Viện Cây lương thực và cây thực phẩm, Thành phố Hải Dương thực hiện.
Ảnh minh họa
Thừa Thiên Huế với diện tích sản xuất lúa hằng năm hơn 50.000 ha và sản lượng đạt trên 320.000 tấn (Niên giám thống kê tỉnh Thừa Thiên Huế, 2020). Tương ứng với diện tích và sản lượng lúa thì cả 2 vụ lượng rơm rạ thải ra khá lớn, ước tính từ 300 -350 nghìn tấn. Theo nghiên cứu của Viện nghiên cứu lúa Quốc tế(IRRI), trong 1 tấn rơm chứa 5-8 kg đạm; 1,2 kg lân; 20 kg kali; 40 kg silic và 400 kg carbon (Dobermann và Fairhurt, 2002). Chứng tỏrơm rạ là nguồn phế phụ phẩm nông nghiệp có giá trị cao. Rơm rạ có thể được dùng lợp nhà, làm chất đốt, làm nấm, thức ăn cho gia súc, phục vụ chăn nuôi, phân bón cho cây trồng,...Như vậy, tận dụng rơm rạkhông chỉnâng giá trịvà thu nhập từ sản xuất lúa mà còn tạo thêm việc làm cho lao động nông thôn và góp phần bảo vệmôi trường. Tuy nhiên, hiện nay phần lớn rơm rạ ít được sử dụng mà có xu hướng vứt bỏ hoặc đốt ngay trên đồng ruộng sau khi thu hoạch. Đây là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường do quá trình đốt cháy thải ra khí quyển nhiều chất khí là CO2, CO, NOx, CH4, SO2,...(Thong chai và Nguyen Thi Kim Oanh, 2011) và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân (Nguyễn Xuân Cựvà cs., 2011; Nguyễn Thành Hối và Nguyễn Bảo Vệ, 2016).
Điều tra thực trạng sản xuất lúa và vấn đề xử lý rơm rạ sau thu hoạch tại Thừa Thiên Huế được thực hiện thông qua phỏng vấn nông hộ ở xã Thủy Phù (thị xã Hương Thủy) và xã Hương Toàn (thị xã Hương Trà). Tiến hành điều tra 80 hộ nông dân bằng phiếu hỏi lập sẵn.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, diện tích sản xuất lúa của các nông hộ đều phân bố rải rác với quy mô chủ yếu <5000 m2 (chiếm 77,5%). Cơ cấu giống lúa đa dạng với 16 giống và đã mạnh dạn canh tác các giống lúa mới. Các nông hộ ở địa điểm điều tra bón phân vô cơ cho lúa ở mức cao hơn so với quy trình khuyến cáo của Trung tâm Khuyến nông lâm ngư Thừa Thiên Huế. Các loại phân vô cơ được trộn lẫn với nhau và bón tập trung trong 4 đợt (bón lót và 3 lần bón thúc). Nông dân cũng sử dụng phân hữu cơ vi sinh Sông Hương và Quế Lâm để bón lót cho cây lúa nhưng tỷ lệ hộ áp dụng chưa nhiều (22,5% ở Thủy Phù và 12,5% ở Hương Toàn) và lượng bón còn thấp (500 kg/ha). Đa số nông hộ thu hoạch lúa bằng máy gặp đập liên hợp. Tùy tập quán từng vùng mà chiều cao gốc rạ để lại sau thu hoạch có khác nhau từ 20 -30 cm (ở Hương Toàn)và >30 cm (ở Thủy Phù). Hình thức xử lý rơm rạ của người dân chủ yếu là đốt trực tiếp, vùi lấp và xử lý bằng chế phẩm.
ctngoc
Tạp chí Khoa học và Công nghệ Nông nghiệp, tập 5 (3) 2021