SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Đặc điểm hình thái và hóa học của phẫu diện đất phèn nhiễm mặn trong hệ thống canh tác tôm-lúa tại xã Ninh Quới A, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu

[08/08/2022 16:22]

Nghiên cứu do nhóm tác giả Lý Ngọc Thanh Xuân - Trường Đại học An Giang, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, Lê Vĩnh Thúc, Phan Chí Nguyện, Thái Thanh Hải, Nguyễn Minh Phụng, Trần Ngọc Hữu, Nguyễn Quốc Khương - Trường Đại học Cần Thơ thực hiện.

Ảnh minh họa

Mô hình canh tác tôm-lúa được áp dụng phổ biến đối với một số tỉnh ven biển đồng bằng sông Cửu Long như Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang, với diện tích là 160.000 ha vào năm 2016 và dự đoán đến năm 2030 khoảng 230.000 ha (Tuan và cs., 2016). Mô hình này được đánh giá bền vững  ở  khía  cạnh  kinh tế  và  môi  trường (Chowdhury và cs., 2010; Dang và cs., 2020; Braun và cs., 2019) và là lựa chọn bền vững để cung cấp lương thực cũng như giảm thiểu những ảnh hưởng bất lợi của cả nuôi tôm và canh tác lúa truyền thống (Sañudo và cs., 2010). Đối với khía cạnh độ phì nhiêu đất, mô hình canh tác lúa tôm có hàm lượng chất hữu cơ, đạm hữu dụng, lân dễ tiêu và kali trao đổi cao hơn so với mô hình chỉ canh tác lúa (Son và cs., 2002; Rahman và cs., 2013). Tuy nhiên, mô hình này ảnh hưởng đến sự mặn  hóa  trong  đất  (Hens  và  cs.,  2009; Chowdhury và cs., 2011). Kết quả phân tích ở vùng bán đảo Cà Mau gồm Bạc Liêu và Cà Mau, đất chưa ghi nhận hiện tượng sodic (kiềm) hóa (Nguyễn Quốc Khương và Ngô Ngọc Hưng, 2015a; 2015b).

Mục tiêu nghiên cứu là đánh giá đặc điểm hình thái và độ phì nhiêu về mặt hóa học đất đối với hệ thống canh tác tôm-lúa. Mô tả đặc tính hình thái dựa trên bảng so màu Munsell đối với ba phẫu diện tại xã Ninh Quới A, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu. Thu mẫu đất theo tầng phát sinh trên ba phẫu diện canh tác tôm-lúa để phân tích đặc tính hóa học đất.

Kết quả hình thái cho thấy phẫu diện HD-NQA-01 thuộc đất phèn tiềm tàng rất sâu, nhiễm mặn, có tầng mollic, Mollic Hypo Sali Gleysols (Endo Proto Thionic), phẫu diện đất HD-NQA-02 và HD-NQA-03 thuộc đất phèn hoạt động xuất hiện sâu, nhiễm mặn, có tầng mollic, Mollic Hypo Sali Gleysols (Endo Ortho Thionic). Đối với đặc tính hóa học đất, pHH2Ocó giá trị nhỏ hơn 5,00. Hàm lượng đạm tổng số được đánh giá ở mức nghèo đến rất nghèo trong khi hàm lượng lân tổng số được đánh giá ở mức nghèo ở tầng mặt. Hàm lượng đạm hữu dụng và lân dễ tiêu lần lượt là 1,77 -8,65 mg NH4+/kgvà 1,29 -26,94 mg P /kg. Hàm lượng Al-P, Fe-P và Ca-P ở tầng mặt được ghi nhận lần lượt là 45,9 -63,0, 80,0 -109,0 và 18,1 -30,9 mg /kg. Ngoài ra, khả năng trao đổi cation được đánh giá ở mức nghèo và hàm lượng chất hữu cơ của đất được xác định ở mức nghèo đến rất nghèo. Nhìn chung, đất có độ phì nhiêu thấp ở tầng đất canh tác.

ctngoc

Tạp chí Khoa học và Công nghệ Nông nghiệp, tập 5 (2) 2021
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài