Nghiên cứu sinh trưởng, phát triển, năng suất và chất lượng của một số giống đậu xanh tại Thừa Thiên Huế
Nghiên cứu do nhóm tác giả Phan Thị Phương Nhi, Trần Đăng Tuấn Vũ, Nguyễn ThịThúy - Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế thực hiện.
Ảnh minh họa
Đậu xanh (Vigna radiate (L.) Wilezek) là cây thực phẩm có thời gian sinh trưởng ngắn ngày và có giá trị kinh tế cao. Hạt đậu xanh giàu protein, tinh bột, lipit, nhiều vitamin và các khoáng chất nên có giá trị dinh dưỡng cao và là nguồn năng lượng cần thiết cho con người (Keatinge và cs., 2011). Trồng cây đậu xanh còn có khả năng cải thiện độ phì nhiêu của đất do rễ đậu xanh có nhiều nốt sần và có thể tham gia vào nhiều công thức cây trồng (luân canh, xen canh, gối vụ) nên đã góp phần nâng cao giá trị sử dụng đất. Chính vì vậy, đậu xanh đã trở thành cây đậu đỗ quan trọng của nhiều nước trên thế giới như Thái Lan, Philippines, Indonesia, Ấn Độ, Srilanca,... (Nguyễn Ngọc Quất và cs., 2013). Ngoài ra cây đậu xanh còn có khả năng thích ứng rộng, chịu hạn khá và có thể thích nghi với các vùng có điều kiện khắc nghiệt, thiếu nước tưới nên hiện nay đậu xanh là một trong những cây trồng tiềm năng được nhiều nước lựa chọn để nghiên cứu phát triển trong các chương trình thích ứng với biến đổi khí hậu toàn cầu (Nair và cs., 2013).
Nghiên cứu được tiến hành trên 9 giống đậu xanh, nhằm tuyển chọn giống có khả năng sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất cao, chất lượng và chống chịu tốt, thích nghi với điều kiện sinh thái tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Thí nghiệm bố trí theo phương pháp khốihoàn toàn ngẫu nhiên (RCBD), mỗi giống là 1 công thức và có 3 lần nhắc lại. Nghiên cứu được tiến hành trong vụ Xuân 2020, tại Trung tâm Nghiên cứu và Dịch vụ Nông nghiệp, khoa Nông học, trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế. Các chỉ tiêu nghiên cứu thực hiện theo Quy chuẩn về khảo nghiệm giá trị canh tác và giá trị sử dụng của giống đậu xanh.
Kết quả nghiên cứu cho thấy các giống đậu xanh có thời gian sinh trưởng từ 77đến 83 ngày, khả năng sinh trưởng phát triển tốt, có khả năng chịu hạn từ trung bình đến tốt, chống đổ tốt. Năng suất lý thuyết và năng suất thực thu của các giống biến động khá lớn (14,02 -21,04 tạ/ha và 8,64 -15,87 tạ/ha). Hàm lượng protein tổng số của các giống biến động từ 15,16 đến24,88%, hàm lượng tinh bột từ 44,42 đến49,11% và hàm lượng lipid dao động từ 2,07 đến2,43 %. Qua đánh giá các chỉ tiêu nghiên cứu tuyển chọn được hai giống có triển vọng là đậu xanh Mỡ và NTB02.
ctngoc
Tạp chí Khoa học và Công nghệ Nông nghiệp, tập 5 (2) /2021