Ảnh hưởng của khử trùng bằng iodine khí dung đến lượng vi khuẩn tổng số trong không khí chuồng nuôi gà 4 và 8 tuần tuổi
Nghiên cứu do đồng tác Lê Trần Hoàn, Lê Văn Phước - Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế thực hiện.
Ảnh minh họa
Trong chăn nuôi gia cầm, cùng với việc không ngừng tăng năng suất thì mật độ nuôi đã tăng lên một cách nhanh chóng dẫn đến nguy cơ và sự lây lan của các bệnh truyền nhiễm gia tăng. Trong quá trình nuôi dưỡng và sử dụng, gia cầm có thể bài tiết vi khuẩn và virus, bao gồm cả mầm bệnh cơ hội qua phân và đường hô hấp và tạo ra sol khí sinh học trong không khí, có thể gây hại cho con người và môi trường (Petkov và Tsutsumanski, 1975). Tùy vào loài, tuổi và tập tính vận động mà vi sinh vật trong không khí chuồng nuôi các loài động vật khác nhau là khác nhau, trong đó, số lượng vi sinh vật trong không khí chuồng nuôi gà là cao hơn hẳn so với chuồng nuôi trâu, bò và lợn (Hartung, 1994). Chính vì vậy, việc kiểm soát và tối ưu hóa các yếu tố sinh học, đặc biệt là hàm lượng vi sinh vật trong không khí là vấn đề được quan tâm trong chăn nuôi gia cầm (Petkov và Baĭkov, 1984). Trong đó, việc tiêu độc khử trùng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm đã trở thành một biện pháp quan trọng để phòng, chống dịch bệnh. Khử trùng làm giảm hoặc tiêu diệt các vi sinh vật gây bệnh tiềm ẩn trong chuồng nuôi và ngăn chặn sự lây truyền vi sinh vật gây bệnh.
Nghiên cứu được tiến hành để kiểm tra hiệu quả của khí dung sát trùng iodine đến hệ vi sinh vật không khí trong chuồng nuôi gà. Thí nghiệm đã được tiến hành với 940 gà thuộc giống 3F vào 4 và 8 tuần tuổi, được phân bố vào 28 ô chuồng nuôi hở với mật độ nuôi là 7,5 con/m2. Các chỉ tiêu về nhiệt độ, độ ẩm và tổng số vi khuẩn hiếu khí được xác định trước và sau khi phun thuốc khử trùng Iodine tại các mốc thời gian 7, 11 và 15 giờ trong 3 ngày liên tục.
Kết quả cho thấy, trước khi sử dụng thuốc khử trùng Iodine, các chỉ tiêu về nhiệt, ẩm và tổng số vi khuẩn hiếu khí trong không khí có biến động, số lượng vi khuẩn tăng từ sáng đến trưa và giảm về chiều theo chiều tăng của nhiệt độ và chiều giảm của độ ẩm. Số lượng vi khuẩn hiếu khí vào các thời điểm đo trên ở chuồng gà 8 tuần tuổi là cao hơn ở chuồng gà 4 tuần tuổi, nhưng vẫn ở mức thấp hơn giới hạn cho phép. Sau khi khử trùng không khí, số lượng vi khuẩn hiếu khí giảm đột ngột xuống còn 4,4% - 5,4% so với trước khi khử trùng (giảm 94,6 - 95,6 điểm phần trăm), sau đó tăng dần đến mức trước khi khử trùng, ở chuồng gà 4 tuần tuổi sau 124 giờ (5 ngày) còn ở chuồng gà 8 tuần tuổi sau 100 giờ (4 ngày).
ctngoc
Tạp chí Khoa học và Công nghệ Nông nghiệp, tập 5 (2) 2021