SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Công bố trên Nature: Việt Nam tham gia nghiên cứu về quản trị rủi ro

[12/08/2022 09:15]

Một nhóm các nhà khoa học Việt Nam tại ĐHQQG TP. Hồ Chí Minh, ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội đã cùng các nhà khoa học quốc tế xuất bản bài báo trên Nature, một trong những tạp chí lâu đời, uy tín và có tầm ảnh hưởng sâu rộng nhất trong giới khoa học.

Hình 1. Vị trí của 45 cặp sự kiện hạn hán/lũ lụt được phân tích trong nghiên cứu, cũng như kết quả đánh giá chỉ số mức độ thay đổi của sự kiện sau so với sự kiện trước trong các cặp sự kiện, phân tích theo các khía cạnh: tác động (impact), nguy cơ (hazard), mức phơi lộ (exposure), tính dễ bị tổn thương (vulnerability), và sự cải thiện trong hệ thống và phương thức quản trị. Chỉ số mức độ thay đổi được đánh giá theo 5 mức: tăng mạnh (+2), tăng nhẹ (+1), không thay đổi (0), giảm nhẹ (-1), giảm mạnh (-2).

Bài báo “The challenge of unprecedented floods and droughts in risk management” (Thách thức của lũ lụt và hạn hán chưa từng có trong quản trị rủi ro) là kết quả nghiên cứu do TS. Heidi Kreibich - Trung tâm Nghiên cứu Khoa học địa chất Đức (GFZ) dẫn dắt, trong đó có sự hợp tác và đóng góp của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực thủy văn trên khắp thế giới. Đây là nghiên cứu có ý nghĩa quan trọng đối với thế giới về vai trò của quản lý rủi ro nhằm giảm nhẹ thiệt hại do lũ lụt và hạn hán, đặc biệt trong bối cảnh khí hậu toàn cầu đang ngày càng trở nên khắc nghiệt. Sau khi được công bố bài báo đã lập tức thu hút sự quan tâm của giới khoa học và truyền thông khoa học thế giới.

Nghiên cứu đã tổng hợp và phân tích 45 cặp sự kiện thời tiết cực đoan (hạn hán hoặc lũ lụt), cách nhau trung bình 16 năm, xảy ra tại 45 khu vực có sự khác biệt lớn về cơ cấu dân số, điều kiện kinh tế - xã hội, khí hậu và thủy văn (Hình 1). Kết quả chỉ ra, việc triển khai các biện pháp quản lý rủi ro đầy đủ thường giúp giảm nhẹ thiệt hại mà các sự kiện cực đoan này gây ra. Tuy nhiên, vấn đề còn nằm ở chỗ, nếu các sự kiện cực đoan xảy ra ở một khu vực chưa từng trải qua sự kiện có cường độ tương tự trước đây thì việc giảm nhẹ các tác động đặc biệt khó khăn. Vì sao lại như vậy? Theo các nhà khoa học, có hai yếu tố liên quan đến quản trị rủi ro các sự kiện thiên tai. Thứ nhất, hệ thống cơ sở hạ tầng như đập và hồ chứa được thiết kế theo một giới hạn nhất định. Khi một sự kiện thiên tai xảy ra vượt quá ngưỡng thiết kế này thì các cơ sở hạ tầng sẽ trở nên không hiệu quả. Thứ hai, kế hoạch quản lý rủi ro thường chỉ được đưa ra hoặc điều chỉnh sau khi xảy ra các trận lũ lụt và hạn hán lớn trong khi hiếm khi có các chiến lược chủ động chuẩn bị hoặc được dự đoán trước. Trong thông cáo báo chí của GFZ, TS. Heidi Kreibich giải thích nguyên nhân này một phần do có những vùng chưa từng xảy ra các sự kiện cực đoan cũng như do bản chất nhận thức rủi ro của con người.

Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cũng xác định được hai câu chuyện thành công trong quản lý rủi ro mà thiệt hại thấp hơn, dù nguy cơ cao hơn. Đó là trường hợp lũ lụt ở Barcelona (1995 và 2018) và trên sông Danube ở Áo và Đức (2002 và 2013). Ở Tây Ban Nha, số tiền thiệt hại giảm từ 33 triệu euro xuống còn 3,5 triệu, trong khi lũ lụt sông Danube gây thiệt hại 4 tỷ euro vào năm 2002 và 2,3 tỷ vào năm 2013. Trong cả hai trường hợp, sự kiện thứ hai lại tồi tệ hơn: kéo dài hơn hoặc mưa nhiều hơn.

Vì vậy, các nhà nghiên cứu kết luận, có ba yếu tố quan trọng trong quản lý rủi ro thiên tai là quản lý hiệu quả rủi ro và tình huống khẩn cấp; tăng cường đầu tư vào các biện pháp công trình và phi công trình, cải thiện hệ thống cảnh báo sớm và hệ thống kiểm soát theo thời gian thực.

Trong 45 cặp sự kiện cực đoan mà nghiên cứu phân tích, nhóm các nhà khoa học Việt Nam gồm PGS.TS Đào Nguyên Khôi, Huỳnh Thị Thảo Nguyên, Phạm Thị Thảo Nhi, Trần Thị Vân Thư, Nguyễn Hồng Quân thuộc ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQGG TP. Hồ Chí Minh) đóng góp việc tổng hợp, phân tích ba cặp sự kiện xảy ra tại Việt Nam; PGS.TS. Ngô Đức Thành, ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội tham gia tổng hợp, phân tích một cặp sự kiện. Kết quả của nghiên cứu không chỉ có ý nghĩa về mặt khoa học mà còn có ý nghĩa thực tiễn trong quá trình giảm thiểu rủi ro do lũ lụt và hạn hán gây ra trên toàn thế giới, qua đó có thêm cơ sở để đưa ra các chính sách phù hợp góp phần phát triển kinh tế - xã hội của thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng.

Bài báo ghi nhận tài trợ kinh phí của nhiều cơ quan, tổ chức tài trợ uy tín trên khắp thế giới như Bộ Giáo dục và Nghiên cứu Đức (BMBF), Bộ Giáo dục và Đổi mới Tây Ban Nha, Bộ Kinh tế và Chính sách khí hậu Hà Lan, Quỹ Nghiên cứu và Phát triển Quốc gia Chile, Hội đồng nghiên cứu Môi trường Vương quốc Anh (NERC - UKRI), Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia (NAFOSTED – thông qua đề tài NCCB mã số 105.06-2019.20 do PGS.TS. Đào Nguyên Khôi làm chủ nhiệm đề tài), ĐHQGG TP. Hồ Chí Minh …

Những năm gần đây, thông qua tài trợ của NAFOSTED, lực lượng nghiên cứu tại các tổ chức KH&CN đã được cải thiện và nâng cao về cả số lượng và chất lượng. Đây là cơ sở để các nhà nghiên cứu Việt Nam có điều kiện tham gia hợp tác với nhiều nhóm nghiên cứu lớn, nhiều phòng thí nghiệm xuất sắc trên thế giới và cùng xuất bản được nhiều công bố có giá trị trên nhiều tạp chí khoa học hàng đầu như Nature. Trước công trình về quản trị rủi ro này, năm 2013, việc các nhà khoa học thuộc ĐHQGHN hợp tác với đồng nghiệp ở Trường Đại học Columbia, Hoa Kỳ nghiệp cứu và công bố kết quả về lĩnh vực nghiên cứu ô nhiễm asen trong nước ngầm trên tạp Nature đã được bình chọn là một trong 10 sự kiện khoa học công nghệ nổi bật của năm, trong đó các nhà khoa học Việt Nam bao gồm GS.TS. Phạm Hùng Việt, TS. Phạm Thị Kim Trang, Vi Mai Lan, Nguyễn Ngọc Mai, Đào Mạnh Phú đã có đóng góp từ việc đề xuất ý tưởng đến việc trực tiếp thực nghiệm, khảo sát hiện trường và xử lý số liệu. Công trình nghiên cứu đó được hoàn thành nhờ sự tài trợ một phần kinh phí của NAFOSTED. Năm 2017, TS. Nguyễn Thị Ánh Dương, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (Việt Hàn lâm KH&CN Việt Nam) cũng tham gia công bố công trình xuất sắc về nhóm tuyến trùng sống tự do trong đất trên tạp chí Nature - công trình ghi nhận sự tài trợ kinh phí của NAFOSTED thông qua đề tài nghiên cứu cơ bản mã số 106.05 – 2017.330.

Thông tin thêm về công trình:

https://www.nature.com/articles/s41586-022-04917-5

https://www.gfz-potsdam.de/en/press/news/details/

Bài viết có sự hỗ trợ chuyên môn của PGS. Ngô Đức Thành

Nam Phong

www.khoahocphattrien.vn (ctngoc)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ