Cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho khoa học và công nghệ
Bộ Khoa học và Công nghệ vừa ban hành Thông tư 05/2022/TT-BKHCN về hướng dẫn sử dụng Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp để tháo gỡ những điểm nghẽn trong sử dụng quỹ này thời gian qua theo Thông tư liên tịch số 12/2016/TTLT-BKHCN-BTC.
Ảnh minh họa
Quy định cũ đã không thúc đẩy được nhiều doanh nghiệp trích lập quỹ vì quy trình lập hồ sơ thành lập quỹ, lập hội đồng khoa học và công nghệ thẩm định, nghiệm thu các nhiệm vụ khoa học, công nghệ của doanh nghiệp… mất rất nhiều thời gian. Về cơ bản, các doanh nghiệp mới chỉ sử dụng quỹ để thực hiện các đề tài nghiên cứu, không hỗ trợ việc đổi mới công nghệ phục vụ trực tiếp sản xuất.
Thời gian qua, các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo đã được ban hành để tác động đến quyết định đầu tư khoa học và công nghệ ở doanh nghiệp. Thí dụ như Chương trình phát triển sản phẩm khoa học và công nghệ quốc gia, Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia, Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao, Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia, Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ quốc gia...
Qua thực hiện cho thấy, đối tượng thụ hưởng chính sách ưu đãi, hỗ trợ đổi mới công nghệ và đổi mới sáng tạo rơi vào doanh nghiệp lớn, có tiềm lực. Nhiều chuyên gia cho rằng, trong khi mục tiêu chính sách là hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ thì nghịch lý là doanh nghiệp càng lớn càng nhận được nhiều hỗ trợ.
Nguyên nhân do doanh nghiệp khó tiếp cận, không biết các đầu mối kết nối hỗ trợ, quy trình xét duyệt phức tạp và nhất là hạn chế trong nhận thức của cơ quan quản lý về chấp nhận rủi ro trong đầu tư cho ứng dụng đổi mới công nghệ. Do lo ngại doanh nghiệp trục lợi chính sách, cơ quan xét duyệt hồ sơ có xu hướng chọn các doanh nghiệp có lịch sử chứng minh được năng lực, đã có thành công trong đổi mới sáng tạo.
Bảo Lâm