Đánh giá sự sinh trưởng, phát triển và năng suất của nấm rơm (Volvariella volvacea) trên các loại giá thể tái sử dụng sau sản xuất nấm
Nghiên cứu do nhóm tác giả Lê Thị Thu Hường, Vũ Tuấn Minh, Phùng Lan Ngọc - Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế thực hiện.
Ảnh minh họa
Nấm ăn nói chung và nấm Rơm (Volvariella volvacea) nói riêng chứa hàm lượng protein cao và nhiều loại axit amin, trong đó có nhiều loại không thay thế, bên cạnh đó nấm còn chứa nhiều loại vitamin như A, B, C, D, E... và các muối khoáng. Ngoài giá trị dinh dưỡng, nấm ăn còn có nhiều đặc tính dược lý như: làm hạ huyết áp, chống béo phì, chữa bệnh đường ruột... Đặc biệt,các loại nấm ăn không có độc tố nên ăn nấm rất an toàn. Trồng nấm giải quyết được lượng lớn phế liệu, phế phẩm rất dồi dào của nông, lâm, công nghiệp như: Mùn cưa, rơm rạ, bông phế thải, vỏ lạc, bã mía...(Nguyễn Hữu Đống và cs., 2005).
Nhằm tận dụng triệt để hàm lượng chất dinh dưỡng trong giá thể sau trồng các loại nấm để trồng nấm Rơm, thí nghiệm được tiến hành trên 5 công thức là giá thể sau sản xuất nấm Sò xám, nấm Linh chi, nấm Vân chi, nấm Mộc nhĩ và mùn cưa mới (đối chứng), bố trí theo khối hoàn toàn ngẫu nhiên, với 3 lần lặp lại, mỗi lần lặp theo dõi 15 mô. Công thức III (Mùn nấm Linh chi 99% + Cám gạo 0,5% + bột ngô 0,5%) có ưu thế hơn hẳn về các chỉ tiêu sinh trưởng và phát triển so với đối chứng cũng như các công thức cùng nghiên cứu; Chiều dài quả thể đạt cao nhất 4,40cm, đường kính quả thể loại 1 đạt 3,31 cm, loại 2 đạt 2,55 cm. Khối lượng quả thể loại 1 và loại 2 đạt tương ứng 15,35 g và 8,71 g, năng suất đạt 5.849,21 g/100 kg nguyên liệu khô, hiệu quả kinh tế cao vượt trội 345,29% so với đối chứng (mùn cưa mới), trong khi các công thức khác đều thấp hơn so với công thức đối chứng dao động trong khoảng 13,03% -79,06%.
ctngoc
Tạp chí Khoa học và Công nghệ Nông nghiệp, tập 5 (1) 2021