Chuyển dịch năng lượng theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững
Chuyển dịch năng lượng từng bước giảm dần sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch, tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn cung năng lượng quốc gia, giảm phát thải khí nhà kính là quá trình căn bản hướng tới tăng trưởng xanh. Chuyển dịch năng lượng không chỉ là vấn đề của nội bộ ngành năng lượng, mà chính là chuyển đổi toàn bộ nền kinh tế từ mô hình thâm dụng nhiều năng lượng sang mô hình sử dụng năng lượng hiệu quả.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An: Nhu cầu về năng lượng và điện của VN trong những năm tới sẽ tăng trưởng nhanh.
Đây là nhận định của Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An tại Hội thảo “Tác động của COP 26 đến chuyển dịch năng lượng theo hướng tăng trưởng xanh” diễn ra sáng 17/8/2022 tại Hà Nội. Hội thảo do Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Công Thương phối hợp tổ chức.
Nhu cầu về năng lượng và điện tăng trưởng nhanh
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Đặng Hoàng An cho biết, 3 năm trở lại đây, Việt Nam đã chứng kiến sự phát triển nhanh của năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió và điện mặt trời. Hiện nguồn điện từ năng lượng tái tạo tại Việt Nam chiếm đến 52,2% công suất lắp đặt trên toàn quốc.
Việt Nam đang nỗ lực mạnh mẽ hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045. Trong bối cảnh đó, dự báo nhu cầu về năng lượng và điện của Việt Nam trong những năm tới sẽ tăng trưởng nhanh. Song song với mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng, Việt Nam cũng đang xây dựng chuyển đổi năng lượng mạnh mẽ đến năm 2050.
Vì vậy, xây dựng chiến lược phát triển và chuyển dịch năng lượng bền vững, khả thi, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội là điều kiện quan trọng nhất hiện nay. Trong đó, 2 mục tiêu quan trọng nhất hiện nay là đảm bảo an ninh năng lượng trong trung và dài hạn để đáp ứng mục tiêu phát triển, đồng thời, đảm bảo tiếp cận năng lượng cho người dân và nền kinh tế với chi phí hợp lý, phù hợp điều kiện phát triển và khả năng thực tế của Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, chuyển dịch năng lượng, từng bước giảm dần sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch, tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn cung năng lượng quốc gia, giảm phát thải khí nhà kính là quá trình căn bản hướng tới tăng trưởng xanh. Chuyển dịch năng lượng không chỉ là vấn đề của nội bộ ngành năng lượng, mà chính là chuyển đổi toàn bộ nền kinh tế từ mô hình thâm dụng nhiều năng lượng sang mô hình sử dụng năng lượng hiệu quả.
Đã 20 năm nay, tốc độ tăng trưởng nhu cầu điện của Việt Nam đều ở mức 2 con số, thường từ 1,5 đến 1,8 lần tốc độ tăng trưởng GDP, trong đó giai đoạn 2000-2010 là 13%, 2011-2019 là 10,5%.
Các tính toán của Bộ Công Thương cho thấy, nhu cầu điện và năng lượng tiếp tục tăng trưởng cao cùng với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế trong những năm tới. Việc đáp ứng nhu cầu năng lượng tăng trưởng cao như vậy là thách thức to lớn- Thứ trưởng Đặng Hoàng An cho hay.
Chuyển dịch năng lượng theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững
Ông Hoàng Tiến Dũng - Cục trưởng cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ công Thương) cho biết, trước khi diễn ra Hội nghị COP26, Bộ Công Thương đã có Tờ trình số 6277/TTr-BCT trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (gọi tắt là Quy hoạch điện 8).
Theo đó, tới năm 2045, tổng công suất các nhà máy điện của nước ta khoảng 262.000-330.000 MW. Cơ cấu điện sản xuất năm 2045 bao gồm: thủy điện 8,2-9,8%, nhiệt điện than 27,4-32,4%, nhiệt điện khí 28,4-33,1%, năng lượng tái tạo ngoài thủy điện 26,5-28,4%.
Thực tế hiện nay các nguồn nhiệt điện vẫn là nguồn điện chính của hệ thống điện Việt Nam, đặc biệt điện than, chiếm hơn 31% công suất và tới 50% tổng sản lượng điện sản xuất. Nguồn điện này phát thải nhiều khí CO2 ảnh hưởng tới môi trường và cần phải được hạn chế phát triển về dài hạn nhằm đáp ứng các cam kết của Việt Nam đối với quốc tế về phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính.
Với cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị COP26 về việc Việt Nam sẽ đạt trung hòa carbon vào năm 2050, Bộ Công Thương đã tiến hành rà soát, hiều chỉnh toàn bộ phương án phát triển điện lực và đã trình Thủ tướng Chính phủ Quy hoạch điện 8, tại tờ trình số 2279/TTr-BCT ngày 29/4/2022.
So sánh Quy hoạch nguồn điện của Phương án trình tháng 4/2022 với Phương án trình trước COP26, lượng phát thải CO2 đã giảm mạnh. Phát thải CO2 sẽ đạt đỉnh vào giai đoạn 2031-2035 ở mức 231 triệu tấn, sau đó giảm dần. Đến năm 2045, lượng phát thải CO2 giảm xuống khoảng 175 triệu tấn, tức là giảm khoảng 208 triệu tấn CO2 so với phương án trước COP26. Đến năm 2050, ước tính phát thải CO2 từ lĩnh vực sản xuất điện còn khoảng 40 triệu tấn/năm, góp phần quan trọng vào việc đáp ứng cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 về phát thải ròng bằng "0” vào năm 2050.
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Thứ trưởng Bộ KH&ĐT cho biết, nhằm cụ thể hóa chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia, ngày 22/7/2022 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 với 4 mục tiêu quan trọng: Giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP; xanh hóa các ngành kinh tế; xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững; xanh hóa quá trình chuyển đổi trên nguyên tắc bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu.
Khẳng định những cam kết của Việt Nam tại COP-26 được tổ chức tại Glasgow về phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 đóng vai trò quan trọng toàn cầu, ông Rahul Kitchlu - đại diện Ngân hàng thế giới (WB) cho rằng, Việt Nam cũng là một trong những quốc gia đi đầu về phát triển năng lượng tái tạo – với hơn 20 GW năng lượng tái tạo - và huy động 17 tỷ đô la đầu tư tư nhân trong vòng 2 năm qua. Đây là nỗ lực vô cùng đáng ghi nhận và là bước đi nghiêm túc hướng tới đẩy mạnh chuyển dịch năng lượng sạch và loại bỏ carbon khỏi nền kinh tế.
Tuy nhiên, phía trước vẫn còn rất nhiều thách thức, làm sao để cân bằng giữa chuyển dịch năng lượng và đảm bảo an sinh xã hội, cũng như giá thành hợp lý của nguồn cung năng lượng nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng đang gia tăng nhanh chóng, song hành với việc chuyển đổi thành nền kinh tế thu nhập cao vào năm 2045 của Chính phủ.
Quá trình chuyển dịch năng lượng đòi hỏi vốn đầu tư lớn, sẽ cần khoảng 166 tỷ USD (giá trị hiện tại) đầu tư cho ngành điện tới năm 2040 để chuyển dịch theo các mục tiêu của COP26. Giá điện trung bình cũng có thể tăng khoảng 25% vào năm 2040.
Để đáp ứng nhu cầu tài chính, cần có sự kết hợp của nhiều nguồn lực, bao gồm tái phân bổ nguồn tiết kiệm nội địa cho các dự án liên quan đến khí hậu, tăng dự trữ quốc gia, nguồn hỗ trợ tài chính từ bên ngoài và huy động lĩnh vực kinh tế tư nhân, cải thiện tính tiếp cận của các dịch vụ về điện. Đồng thời, Việt Nam nên làm việc chặt chẽ với các đối tác phát triển đa phương và song phương để đảm bảo nguồn tài chính cho các nỗ lực chuyển dịch năng lượng xanh- đại diện của WB nhấn mạnh.
Lê Kim Liên