SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Nghiên cứu lai tạo dê sữa F1 và xây dựng mô hình chăn nuôi dê sữa khu vực TP.HCM

[26/08/2022 14:32]

Là nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ cấp Thành phố, do Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao Khoa học và Công nghệ (ĐH Nông Lâm TP.HCM) chủ trì thực hiện, TS. Lê Thụy Bình Phương làm chủ nhiệm, Sở KH&CN TP.HCM nghiệm thu năm 2021.

Với giá trị sinh học cao, sữa dê được dùng để sản xuất thực phẩm chức năng bổ sung dinh dưỡng như sữa, sữa chua và phô mai từ sữa dê,… Ngoài ra, sữa dê còn dùng trong ngành mỹ phẩm làm đẹp cao cấp, trong các liệu pháp về y học.

Số lượng dê và sản lượng sản xuất của chúng trên thế giới gia tăng mạnh trong những năm gần đây, trong khi đó, tại Việt Nam, chăn nuôi dê sữa chưa được quan tâm đúng mức dẫn đến năng suất sữa thấp nhưng nhu cầu sữa dê là rất lớn. Một số nghiên cứu gần đây cho thấy, giống dê lai từ dê chuyên sữa sản lượng cao với giống bản địa cho kết quả khảo nghiệm tiến bộ về ưu thế lai. Tuy nhiên, các nghiên cứu chưa thực hiện được các phương án tối ưu hóa tính trạng di truyền để đạt được năng suất mong đợi.

Theo thống kê của Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) năm 2016 và 2017, TP.HCM có số lượng dê rất ít so với các tỉnh khác, thậm chí trên cả nước không có ghi nhận số liệu thống kê nào trên đàn dê sữa. Trong khi đó, thị trường tiêu thụ tại TP.HCM là rất lớn, nhưng nguồn cung sữa dê tươi rất khan hiếm. Các khu vực vùng ven Thành phố như Hóc Môn, Cần Giờ, Củ Chi là nơi có nhiều nguồn phụ phẩm thải ra từ quá trình chế biến nông nghiệp (như hèm bia, bã mì, bã dầu dừa, bã đậu nành...) có thể tận dụng làm thức ăn trong chăn nuôi dê.

Đề tài nêu trên được thực hiện nhằm tạo giống dê lai (Saanen x Bách Thảo) cho năng suất sữa cao hơn so với giống Bách Thảo thuần. Bên cạnh đó, quy trình lai tạo giống cần đi đôi với xây dựng khẩu phần thức ăn phù hợp và hoàn thiện các quy trình chăm sóc để dê lai đạt được năng suất sữa tối ưu. Từ đó phát triển phương thức nuôi nhốt phù hợp với diện tích ngày càng thu hẹp ở TP.HCM.

Nhóm nghiên cứu đã tiến hành đánh giá năng suất sữa trên đàn dê lai F1 (Saanen × Bách Thảo) trong qui trình chăm sóc, nuôi dưỡng và hệ thống thức ăn TMR (Total Mixed Ration); chuyển giao công nghệ để xây dựng mô hình chăn nuôi dê sữa tại nông hộ; tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn về quy trình công nghê nuôi dê lai F1 và thực hiện chuyển giao quy trình cho kỹ thuật viên và các hộ nông dân.

Theo đó, đề tài đã phát triển quy trình chăn nuôi dê sữa lai F1 (Saanen × Bách Thảo) với số lượng dê lớn, từ giai đoạn lai tạo con giống đến giai đoạn đánh giá năng suất của dê sữa lai F1, từ mô hình thí nghiệm cho đến mô hình tại thực địa.

Kết quả thu được cho thấy, thực nghiệm tại Trung tâm Chuyển giao KH&CN và tại mô hình chuyển giao nông hộ dê lai F1 đều có thể đạt trọng lượng sơ sinh từ 2,1-2,2kg; trọng lượng trung bình 7.5 tháng của dê trong mô hình là 34,5kg. Trọng lượng trung bình của dê cái là 31,2kg và dê đực là 40,1kg. Năng suất sữa trung bình đạt 2kg/con/ngày, với thời gian cho sữa có thể lên đến 190 ngày. Năng suất sinh sản thông qua chỉ tiêu quan trọng là tỷ lệ nuôi sống đến 3 tháng tuổi đạt 100 % và số con/lứa lên đến 1,35.

Kết quả khảo sát sơ bộ về hiện trạng chăn nuôi dê cho thấy chăn nuôi dê tại các nông hộ đa số là không bền vững, gặp nhiều khó khăn về nguồn nước và thức ăn, kỹ thuật nuôi dưỡng chưa hiệu quả. Vì vậy kết quả khảo sát hiện trạng sẽ giúp cho các nhà hoạch định chăn nuôi có chiến lược dài hạn trong việc phân bổ khu vực chăn nuôi hợp lý, đẩy mạnh chuyển đổi sản xuất phù hợp với đặc điểm ở từng khu vực.

Với sự tận dụng nguồn phụ phẩm sẵn có để xây dựng khẩu phần phù hợp cho dê sữa lai và xây dựng qui trình lai tạo, chăm sóc, nuôi dưỡng dê sữa thích hợp với điều kiện tại địa bàn, đề tài bước đầu đã đưa ra được con giống dê sữa lai thích hợp với điều kiện môi trường và nguồn thức ăn tại TP.HCM. Đồng thời việc tập huấn các kỹ thuật viên và nông dân được tổ chức thành công cũng mang lại hiệu quả tích cực để duy trì mô hình hiệu quả. Từ đó mở ra hướng áp dụng và phát triển rộng mô hình cho các nông hộ, phù hợp với sự gia tăng không gian thị trường sản phẩm sữa chất lượng cao, giảm bớt diện tích chăn thả khi tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh tại TP.HCM.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu đề tài tại Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ (CESTI).

Lam Vân (CESTI)

https://cesti.gov.vn (ctngoc)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài