SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Ảnh hưởng của một số biện pháp kỹ thuật canh tác đến sinh trưởng, phát triển và năng suất của giống ngô lai HQ2000

[30/08/2022 16:02]

Nghiên cứu do nhóm tác giả Nguyễn Trung Hải, Trần Thanh Đức, Vi Thị Linh - Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế thực hiện.

 Ảnh minh họa

Cây ngô (Zea mays L.) là cây lương thực nuôi sống gần 1/3 số dân trên toàn thế giới, tất cả các nước trồng ngô nói chung đều ăn ngô ở mức độ khác nhau. Toàn thế giới sử dụng 21% sản lượng ngô làm lương thực cho người, trải dài từ châu Á đến châu Mỹ và châu Phi với tỉ lệ dao động khá lớn (từ  27  đến  khoảng  80%).  Vì  vậy,  trên phạm vi thế giới mà nói ngô sẽ vẫn còn là cây lương thực rất quan trọng, vì ngô rất phong phú các chất dinh dưỡng hơn lúa mỳ và gạo (Trần Văn Minh, 2004).

Ở Việt Nam, ngô là cây lương thực đứng thứ hai sau lúa vàlàcây màu  quan trọng  nhất được  trồng ở tất  cả các  vùng sinh thái. Diện tích, năng suất và sản lượng ngô của Việt Nam đã có bước tăng trưởng rất cao kể từ năm 1990 đến nay. Đến năm 2016  diện tích trồng cả nước đạt 1.152,7 nghìn ha, năng suất bình quân 45,5 tạ/ha, sản  lượng  5.246,5  nghìn  tấn  (Tổng  cục thống kê,2017).  Mục tiêu đến năm 2020, diện  tích  gieo  trồng  ngô  cả  nước  đạt khoảng 1.160 –1.265 ngàn ha, sản lượng từ 5,4 –5,8 triệu tấn, giá trị sản xuất đạt 28 triệu  đồng/ha/vụ  (Bộ  Nông  nghiệp  và PTNT, 2016).

Nghiên cứu này nhằm đánh giá tác động của các biện pháp làm đất và mật độ trồng khác nhau đến quá trình sinh trưởng, phát triển, năng suất và hiệu quả kinh tế của giống ngô lai HQ2000 trên đất cát nội đồng trong vụ Đông Xuân năm 2018-2019tại Thừa Thiên Huế. Thí nghiệm thứ nhất gồm 3 công thức gồm làm đất truyền thống, làm đất tối thiểuvà không làm đất trong đó thí nghiệm thứ haigồm 4 công thức với mậtđộ gieo trồng lần lượt là 47.058, 53.333, 61.538 và 66.666 cây/ha.

Kết quả thí nghiệm cho thấy, thời gian hoàn thành các giai đoạn sinh trưởng và phát triển ở các biện pháp làm đất tối thiểu có xu hướng ngắn hơn các công thức làm đất truyền thống;chiều cao cây cuối cùng dao động từ 154 đến 175cm, số lá dao động từ 16 đến 18 lá, diện tích lá đóng bắp có xu hướng giảm ở các công thức làm đất tối thiểu trong khi các yếu tố khác như chiều cao đóng bắp, chiều dài bắp, đường kính bắp và đường kính lóng gốc ở các công thức thí nghiệm dao động tương đối ít. Năng suất lý thuyết dao động từ 61 đến 72 tạ/ha, năng suất thực thu đạt cao nhất là 59,8 tạ/ha ở công thức không làm đất. Đối với biện pháp canh tác truyền thống, năng suất đạt cao nhất ở mật độ 18,5 kg hạt giống/ha (63,4 tạ/ha).Ở các công thức thí nghiệm, lợi nhuận đạt cao nhất ở công thức không làm đất và ở mật độ trồng là 18,5 kg hạt giống/ha, tương đương 61.538cây/ha.

ctngoc

Tạp chí Khoa học và Công nghệ Nông nghiệp Huế, tập 4 (2) 2020
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài