Đặc điểm phân bố, mức độ tác động và con đường phát tán của loài bìm bôi hoa vàng (Merremia boisiana) tại huyện a lưới tỉnh Thừa Thiên Huế
Nghiên cứu do nhóm tác giả Nguyễn Hợi, Trần Minh Đức, Trần Nam Thắng, Hồ Đăng Nguyên, Đinh Diễn - Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế thực hiện.
Ảnh minh họa
Bìm Bôi hoa vàng (Merremia boisiana) là loài thực vật dây leo lớn, đường kính thân có thể đạt 20 –25 cm, thuộc họ Bìm Bìm (Convolvulaceae), là loài cây ưa sáng, hiệu suất quang hợp cao, sinh trưởng nhanh, mọc đè lên các tán cây xung quanh. Tác hại của Bìm bôi hoa vàng còn trầm trọng hơn bất cứ một loài dây leo nào trong rừng nhiệt đới, vì hầu hết các loài dây leo khác có thể cùng sống chung một cách hòa bình với cây gỗ, còn Bìm bôi hoa vàng thì không (Wang và cs., 2005). Chính vì vậy,loàinày có biệt danh “Sát thủ kiều mộc”. Bìm bôi hoa vàng bám và phủ xuyên qua cành, lá và thân cây gỗ, chúng chồng chất lên nhau khống chế sự tái sinh của các trảng cỏ và trảng cây bụi tự nhiên, từ đó đã ngăn chặn sự diễn thế phục hồi rừng. Nguy hiểm hơn nữa đó chính là chiết xuất từ lá của Bìm bôi hoa vàng còn có khả năng gây ức chế sự nảy mầm của hạt giống cây khác, đe dọa sự tái sinh của các loài mà chúng xâm lấn (Li và cs., 2006).
Bìm bôi hoa vàng ở Việt Nam, có phân bố tự nhiên từ Lạng Sơn đến Đà Nẵng. Ở Thừa Thiên Huế, Bìm bôi hoa vàng đã xuất hiện ngày càng nhiều và đang có nguy cơ xâm lấn ngày càng mạnh tại các diện tích rừng như rừng đặc dụng Bắc Hải Vân, Vườn Quốc gia Bạch Mã, khu bảo tồn Sao la Thừa Thiên Huế ...Tuy nhiên việc quản lý sự xâm lấncủa loài này hiện nay vẫn chưa thật sự được chú trọng. Một mặt đây là loài chưa có biện pháp tiêu diệt hiệu quả, mặt khác việc quản lý lây lan và ngăn chặn sự xâm lấn còn bị động, mang tính tự phát, thiếu đồng bộ, quyết liệt, điều này có thể xuất phát từ nhữnglý do như sau (i) việc quản lý thực vật xâm hại ở Việt Nam chủ yếu chỉ mới tập trung đối với các loài ngoại lai theo thông tư 35/2018/TT-BTNMT. Điều này dẫn đến thiếu cơ sở pháp lý để quản lý một loài phân bố tự nhiên như Bìm bôi hoa vàng; (ii) chưa xây dựng được bản đồ phân bố chính xác của loài do thiếu thông tin về đặc điểm phân bố và các nghiên cứu sâu. Vì vậy rất khó khăn trong việc xác định về tình hình diễn biến để có kế hoạch ngăn chặn từ ban đầu nên thường bị động và khó kiểm soát việc lây lan;(iii) do chưa xác định được chính xác và cụ thể những con đường phát tán của loài nên dẫn đến chưa có biện pháp kiểm soát hợp lý và có hướng phòng trừ tận gốc và toàn diện.
Bìm Bôi hoa vàng (Merremia boisiana) xuất hiện ngày càng nhiều trên địa bàn huyện A Lưới tỉnh Thừa Thiên Huế. Nghiên cứu này xác định đặc điểm phân bố, những tác động đến sinh cảnh và con đường phát tán của loài. Hoạt động nghiên cứu thực địa gồm: điều tra theo tuyến, lập ô tiêu chuẩn trên các dạng sinh cảnh khác nhau đã xác định được 12 loài, bao gồm 5 loài ngoại lai xâm hại và 7 loài thực vật xâm lấn. Trong đó tác động ảnh hưởng lớn nhất đến sinh cảnh rừng là loài Bìm bôi hoa vàng. Loài này có mặt trên hầu hết các dạng sinh cảnh và chỉ không thấy xuất hiện ở rừng giàu. Loài phân bố theo cụm, chủ yếu là cây trưởng thànhđường kính gốc bình quân 4 –5 cm, chiều dài thân chính 20 -30 m. Chúng đang tạo ra một hệ lụy kép có lợi cho bản thân và gây hại cho các loài sống cùng trong sinh cảnh. Trong sinh cảnh có loài này sinh sống, có sự suy giảm đáng kể về lượng cây gỗ tái sinh triển vọng. Ngoài ra, chúng còn tạo ra những điều kiện bất lợi khác như tăng gấp hai lần lượng vật rơi rụng; tăng chênh lệch về biên độ ánh sáng gấp 3 lần; tăng tỷ lệ các sinh vật phụ sinh và phân hủy gấp 3 –4 lần so với những nơi không bị che phủ. Loài này có thể phát tán nhờ gió, nhờ nước, nhờ động vật, nhờ hoạt động của con người và còn có khả năng tự phát tán trong đó tự phát tán nhờ gió là lớn nhất.
ctngoc
Tạp chí Khoa học và Công nghệ Nông nghiệp Huế, tập 4 (2) 2020