Chiếu xạ giúp rong nho tăng cường khả năng chống oxy hóa
Theo kết quả của một nghiên cứu mới do Leibniz ZMT (Trung tâm Nghiên cứu Biển nhiệt đới Leibniz) thực hiện, chất lượng dinh dưỡng của rong nho (Caulerpa lentillifera) còn có thể được cải thiện đáng kể theo cách đơn giản đến không ngờ.
Giống như nhiều loài rong tảo khác, rong nho rất giàu tác nhân chống oxy hóa, chẳng hạn vitamins C, … là thành phần thiết yếu trong chế độ ăn cho con người. Ảnh: Blue Aqua International.
Rong nho là món quà quý giá của tự nhiên nhờ vào thành phần dưỡng chất hết sức lý tưởng: ít calo nhưng giàu protein, axit béo không bão hòa, muối khoáng, vitamin và các nguyên tố vi lượng khác. Ngoài ra, rong nho đôi khi còn được ví như “caviar xanh” (trứng cá tầm) bởi kết cấu và hương vị của nó, cũng có khả năng chống oxy hóa vô cùng tốt.
Nghề trồng rong nho ra đời khá tình cờ từ thập niên 1950, khi những người nuôi cá tại Philippines nhận thấy loại rong này có khả năng sinh trưởng tốt trong môi trường ao nuôi. Về sau, rong nho cũng được du nhập và trồng nhiều tại Nhật Bản, Việt Nam hay một số nơi khác.
Khi được cho tiếp xúc với bức xạ ánh sáng mật độ cao, các gốc tự do gây hại sẽ hình thành bên trong cơ thể rong nho và những loài tảo biển khác. Nhờ cơ chế tự bảo vệ, rong lại tự tiết ra nhiều hoạt chất có tác dụng chống oxy như vitamin C, E, β-carotene, polyphenol,… Các hoạt chất như vậy đóng vai trò thiết yếu đối với sức khỏe con người, giúp cơ thể phòng ngừa nhiều loại bệnh bệnh như tiểu đường, tim mạch, …
Liệu người trồng rong nho có thể tận dụng lợi thế từ phương pháp này để tăng cường chất lượng dinh dưỡng của rong nho? Đó là câu hỏi khiến nhà sinh vật biển Lara Stuthmann tại ZMT – tác giả chính của nghiên cứu vừa được công bố trên Algal Research – trăn trở.
Công trình được thực hiện dưới sự cộng tác cùng nhóm nghiên cứu sinh vật biển thuộc Đại học Bremen (Đức). Nhóm đã cho rong nho phơi nhiễm với bức xạ ánh sáng ở 5 mức cường độ khác nhau trong 14 ngày mỗi loại, sau đó sử dụng phương pháp trắc quang (photometry) để xác định hàm lượng chất chống oxy hóa. Kết quả đo được so sánh với một số loại “siêu quả” như lựu đỏ, kỷ tử, mâm xôi,… nổi tiếng vì có khả năng chống oxy hóa cực mạnh. Stuthmann nhận thấy thấy rong nho được chiếu xạ có kiểm soát chứa hàm lượng chất chống oxy hóa dồi dào gấp đôi thông thường, đạt mức tương đương với lựu đỏ.
Trong thông cáo báo chí, trang nhà của ZMT viết: "Chiếu xạ được đánh giá là một phương pháp đơn giản, rẻ tiền và có tiềm năng rất lớn giúp rong nho tăng cường hàm lượng chất chống oxy hóa. Ngoài ra, ứng dụng này cũng đặc biệt hiệu quả đối với các loại rong tảo khác. Tuy nhiên, nếu chiếu xạ quá mức thì cũng rất dễ xuất hiện hiện tượng tẩy trắng (bleaching), cho nên cần phải điều chỉnh cường độ và thời gian phù hợp, tùy theo mục đích sử dụng, chẳng hạn dùng làm thực phẩm hay mỹ phẩm, …"
Mặc dù khoa học đã ghi nhận sự tồn tại của gần 10.000 loài rong tảo, nhưng chỉ khoảng 8 chi là được nuôi trồng phổ biến (chiếm đến 90%). Bên cạnh mục đích dùng làm thực phẩm, rong biển thường được chiết xuất để thu hoạch carrageen hoặc agar, …
“Thứ khiến rong nho trở nên đặc biệt so với hầu hết các loại rong tảo khác nằm ở thói quen sinh trưởng và kết cấu của nó, mang lại một trải nghiệm khẩu vị hết sức dễ chịu. Bên cạnh đó, rong nho cũng rất dễ sinh sản và phát triển nhanh”, TS. Karin Springer từ Đại học Bremen – đồng tác giả nghiên cứu cho biết. “Rong nho hoàn toàn có thể đạt được vị trí xứng đáng trong khẩu phần ăn của người Đức như là một nguồn cung cấp protein, chất chống oxy hóa và dưỡng chất dồi dào”, ông nói.
Nhu cầu về rong nho trên thế giới hiện đang ngày càng lớn, nhất là tại Nhật Bản, Việt Nam, Trung Quốc,… Nó thường được ăn sống cùng các loại nước sốt (VD: mè rang, mayonnaise,…), sushi, hoặc để trộn salad,... Tuy nhiên, châu Âu vẫn chưa công nhận rong nho là thực phẩm, mặc dù khá nhiều đầu bếp nổi tiếng đánh giá rất cao triển vọng của nó.
Ngoài ra, rong nho còn là một đối tượng nuôi trồng IMTA (phương thức nuôi đa dưỡng tích hợp) vô cùng phù hợp, nhằm giúp tận dụng tối đa các hệ dinh dưỡng (chất thải của loài này sẽ trở thành thức ăn cho loài khác) và giảm thiểu tác động tiêu cực lên môi trường. ZMT hiện đang hợp tác cùng một số trang trại ở Việt Nam để thử nghiệm trồng rong nho kết hợp với nuôi tôm hoặc ốc hương (Babylonia aerolata).
Thế Hải
www.khoahocphattrien.vn (nhnhanh)