Ứớc lượng mức sẵn lòng chi trả của người dân thành thị ở tỉnh Kiên Giang cho việc bảo tồn hệ sinh thái rừng U Minh
Nghiên cứu do nhóm tác giả Huỳnh Việt Khải, Huỳnh Thị Đan Xuân, Nguyễn Hồ Như Thủy - Khoa Kinh tế, Trường Đại học Cần Thơ thực hiện.
Ảnh minh họa
Rừng U Minh được xem là một dạng rừng rất đặc thù, được xếp hạng độc đáo, quý hiếm trên thế giới và được coi là nơi có giá trị đa dạng sinh học cao. Rừng U Minh gồm có U Minh Thượng và U Minh Hạ được chia cắt bởi dòng sông Trẹm, trong đó U Minh Thượng thuộc tỉnh Kiên Giang và U Minh Hạ thuộc tỉnh Cà Mau. Rừng U Minh là khu rừng đầm lầy lớn nhất Việt Nam, được xem là khu sinh quyển và cũng là lá phổi xanh của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với hệ sinh thái vô cùng đadạng và phong phú.
Rừng U Minh với mức đa dạng sinh học cao nhưng tỷ lệ bảo tồn còn thấp và chưa được quan tâm, bảo vệ đúng mức (Bộ Tài Nguyên và Môi Trường, 2017). Theo kết quả nghiên cứu của Viện Điều tra và Quy hoạch rừng, nguyên nhân chính khiến rừng bị suy giảm diện tích là do việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng và khai thác quá mức lâm sản. Bên cạnh đó, trải qua nhiều sự cố, nhất là những vụ cháy lớn, trong đó vụ cháy ở rừng U Minh Thượng vào năm 2002 đã khiến hơn 3.000 ha rừng nguyên sinh quý hiếm tại đây bị thiêu rụi, hệ sinh thái rừng tràm trên cả nước chỉ còn duy nhất tại rừng U Minh Hạ (khoảng 3.000 ha) là chưa bị tác động. Mặc dù là vùng sinh thái đất ngập nước nhưng rừng U Minh lại dễ bị cháy vào mùa khô. Theo thông tấn xã Việt Nam, từ năm 2000 đến nay đã xảy ra hàng trăm vụ cháy lớn nhỏ gây thiệt hại hơn 4.600 ha rừng tràm. Hiện nay,nguy cơ xảy ra cháy rừng ở rừng U Minh là rất cao.Từ những lợi ích vô giá mà rừng mang lại và những mối đe dọa mà rừng U Minh đang đối mặt có thể thấy việc bảo tồn rừng là nhiệm vụ hàng đầu của quốc gia.
Nghiên cứu sử dụng phương pháp đánh giá giá trị ngẫu nhiên (Contingent Valuation Method -CVM) để ước lượng mức sẵn lòng chi trả của người dân thành thị cho dự án bảo tồn hệ sinh thái của rừng U Minh. Số liệu sơ cấp trong nghiên cứu được thu thập thông qua phỏng vấn trực tiếp 150 người dân sinh sống ở thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang. Kết quả phân tích cho thấy có 59% đáp viên sẵn lòng chi trả cho việc bảo tồn hệ sinh thái rừng và mức sẵn lòng trả thêm 96.000 đồng vào hóa đơn tiền nước mỗi tháng, gần bằng 0,7% thu nhập trung bình của hộ. Nghiên cứu cho thấy rằng nếu đáp viên là công chức Nhà nước thì khả năng đóng góp vào chương trình bảo tồn nhiều hơn hoặc nếu đáp viên biết người xung quanh tham gia vào dự án thì họ sẽ có xu hướng tham gia và đóng góp cho dự án.
nhnhanh
Tạp chí Khoa học và Công nghệ Nông nghiệp Huế, tập 4 (1) 2020