SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Đẩy mạnh phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo

[12/09/2022 14:25]

Bộ Công Thương đang lấy ý kiến của nhân dân đối với dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Chiến lược).

Tầm nhìn đến năm 2045 (Chiến lược).

Mục tiêu chung Chiến lược là bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia; cung cấp đầy đủ năng lượng ổn định, có chất lượng cao với giá cả hợp lý cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống nhân dân, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái. Tiến hành chuyển đổi năng lượng góp phần quan trọng đáp ứng mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050. Ngành năng lượng phát triển hài hoà giữa các phân ngành với hạ tầng đồng bộ và thông minh, đạt trình độ tiên tiến của khu vực ASEAN.

Xây dựng thị trường năng lượng cạnh tranh, minh bạch, hiệu quả, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng trong nước kết hợp với xuất, nhập khẩu năng lượng hợp lý; triệt để thực hành tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng. Chủ động sản xuất được một số thiết bị chính trong các phân ngành năng lượng; nâng cấp, xây dựng lưới điện truyền tải, phân phối điện tiên tiến, hiện đại.

Chiến lược cũng đặt ra mục tiêu cụ thể là đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng trong nước, phục vụ cho các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021-2030, trong đó năng lượng sơ cấp đến năm 2030 đạt khoảng 175-195 triệu tấn dầu quy đổi (TOE), đến năm 2045 đạt khoảng 320-350 triệu TOE; tổng công suất của các nguồn điện đến năm 2030 đạt khoảng 125-130 GW, sản lượng điện đạt khoảng 550-600 tỷ kWh.

Xây dựng hệ thống điện thông minh, hiệu quả, có khả năng kết nối an toàn với lưới điện khu vực; bảo đảm cung cấp điện an toàn, đáp ứng tiêu chí N-1 đối với vùng phụ tải quan trọng và N-2 đối với vùng phụ tải đặc biệt quan trọng. Đến năm 2030, độ tin cậy cung cấp điện năng thuộc tốp 4 nước dẫn đầu ASEAN, chỉ số tiếp cận điện năng thuộc tốp 3 nước dẫn đầu ASEAN…

Đẩy mạnh phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo

Một trong những định hướng phát triển của Chiến lược là phát triển phân ngành điện. Trong đó, phát triển nhanh và bền vững các nguồn phát điện với cơ cấu và phân bố hợp lý, bảo đảm an toàn, tin cậy, ổn định theo hướng đa dạng hoá, chú trọng nâng cao hệ số công suất khả dụng và có dự phòng công suất phù hợp; đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường sinh thái.

Đồng thời, đẩy mạnh phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo (điện gió trên bờ, ngoài khơi, điện mặt trời theo phương thức tự cung cấp, tiêu thụ tại chỗ, không phát điện lên lưới điện quốc gia, quy mô phù hợp với quy hoạch/kế hoạch phát triển nguồn điện trong từng giai đoạn) cho các cơ sở sản xuất công nghiệp, đặc biệt là phục vụ sản xuất các loại hình năng lượng mới (hydrogen, amoniac xanh, hóa chất…), sản xuất kinh doanh, nhu cầu dân sinh và các loại hình sản xuất điện từ rác, sinh khối và đồng phát.

Đa dạng hóa các nguồn nhiên liệu sử dụng cho phát điện để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, cân đối hài hòa giữa nhiên liệu trong nước và nhiên liệu nhập khẩu.

Hệ thống lưới điện truyền tải được xây dựng đảm bảo đáp ứng yêu cầu hệ thống điện quốc gia vận hành an toàn, ổn định, có dự phòng, có khả năng tích hợp tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo cao. Khắc phục tình trạng quá tải, nghẽn mạch, chất lượng điện áp thấp và một số vấn đề kỹ thuật vận hành lưới điện khác.

Ưu tiên sử dụng năng lượng gió và mặt trời cho phát điện

Về định hướng ngành năng lượng mới và tái tạo, khuyến khích, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo nhằm thay thế tối đa các nguồn năng lượng hoá thạch. Ưu tiên sử dụng năng lượng gió và mặt trời cho phát điện.

Khuyến khích đầu tư xây dựng các nhà máy điện sử dụng rác thải đô thị, sinh khối và chất thải rắn đi đôi với công tác bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế tuần hoàn.

Hình thành và phát triển một số trung tâm năng lượng tái tạo tại các vùng và địa phương có lợi thế. Sớm nghiên cứu, đánh giá tổng thể về tiềm năng và xây dựng định hướng phát triển năng lượng địa nhiệt, sóng biển, thuỷ triều, hải lưu; triển khai một số mô hình ứng dụng, tiến hành khai thác thử nghiệm để đánh giá hiệu quả.

Thực hiện nghiên cứu công nghệ, xây dựng một số đề án thử nghiệm sản xuất và khuyến khích sử dụng năng lượng hydro phù hợp với xu thế chung của thế giới. Thúc đẩy sự phát triển của các dạng năng lượng tái tạo bao gồm nhiên liệu sinh học, nhiên liệu hydrogen và pin nhiên liệu (fuel cell) sử dụng cho hoạt động giao thông vận tải và các mục đích khác.

Bảo Lâm

www.vietq.vn (nhnhanh)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ