Tiêm khớp cùng chậu dưới hướng dẫn của cắt lớp vi tính: những kết quả bước đầu
Nghiên cứu do nhóm tác giả Trần Huy Hùng, Đinh Gia Khánh, Bùi Thị Thanh Vân - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thực hiện.

Ảnh minh họa
Khớp cùng chậu là khớp có bề mặt cắt ngang lớn nhất trong cơ thể, kết nối xương cánh chậu với xương cùng. Đã có nhiều nghiên cứu cho thấy rằng có khoảng 10-30% bệnh nhân đau thắt lưng mạn tính có nguyên nhân liên quan đến khớp cùng chậu. Có nghiên cứu cho thấy đau khớp cùng chậu có thể diễn ra ở những bệnh nhân sau khi cố định cột sống thắt lưng, tỷ lệ lên đến 43%. Điều này góp phần vào việc kéo dài thời gian điều trị, thời gian phục hồi chức năng, tăng tỷ lệ không liền xương, giảm tỷ lệ hài lòng sau can thiệp. Cho đến nay thì chúng ta phải chấp nhận rằng các rối loạn gây ra tình trạng đau khớp cùng chậu là rất phức tạp và khó chẩn đoán bởi vì đặc trưng của các triệu chứng rất dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác vùng thắt lưng. Việc chẩn đoán cũng như điều trị có thể thực hiện bởi phong bế khớp bằng tiêm steroid vào trong hoặc xung quanh khớp hoặc cả hai vị trí. Kỹ thuật này được coi là tiêu chuẩn chính cho chẩn đoán và điều trị đau khớp cùng chậu. Hiện tại có nhiều phương pháp tiêm khớp cùng chậu dưới hướng dẫn của chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, cắt lớp vi tính, soi chiếu tia, cộng hưởng từ và mới đây là dưới sự hỗ trợ của robot. Tuy nhiên, do khớp cùng chậu có cấu trúc giải phẫu khá phức tạp và gây rất nhiều khó khăn cho việc can thiệp vào bên trong khớp, nên trong nghiên cứu này chúng tôi sử dụng kỹ thuật tiêm dưới hướng dẫn của cắt lớp vi tính nhằm mục đích đánh giá chính xác việc can thiệp vào bên trong khớp, cũng như các yếu tố liên quan.
Nghiên cứu nhằm mục tiêu tiêm khớp cùng chậu dưới hướng dẫn của cắt lớp vi tính để điều trị đau khớp cùng chậu. Đối tượng và phương pháp: Nghiên cứu tiến cứu, trên 28 bệnh nhân được tiêm khớp cùng chậu dưới hướng dẫn của cắt lớp vi tính trong thời gian từ tháng 6/2021 đến tháng 06/2022 tại Bệnh viện TWQĐ 108.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, đa số bệnh nhân đau khớp cùng chậu là nữ (89.2%), đau chủ yếu một bên, độ tuổi trung niên chiếm 78.5%. Vị trí đau nhiều nhất là hông (100%), háng (32%), đùi (25%). Có 9/28 (32%) trường hợp xuất hiện đau khớp cùng chậu sau phẫu thuật cố định cột sống thắt lưng. VAS sau tiêm là 3.25±1.1. VAS, ODI của bệnh nhân sau tiêm là cải thiện rõ rệt với p< 0.05. Liều bức xạ tia X trung bình trong một lần tiêm là 1.1 mSv. Thời gian tiến hành kỹ thuật tiêm 01 bên trung bình là 7.24 phút, 02 bên là 10.5 phút. Kết luận: Tiêm khớp cùng chậu dưới hướng dẫn của cắt lớp vi tính mang lại hiệu quả giảm đau rõ rệt, thời gian thực hiện kỹ thuật ngắn, độ chính xác cao, mức độ bức xạ tia X không nhiều, cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
nhnhanh
Tạp chí Y học Việt Nam, tháng 8, số 2/2022