Tuyển chọn chủng vi khuẩn có khả năng kiểm soát bệnh chảy gôm trên cây cam (Citrus sinensis)
Nghiên cứu do nhóm tác giả Phạm Hồng Hiển - Ban Khoa học và Hợp tác quốc tế, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Bạch Thị Điệp , Nguyễn Thị Chúc Quỳnh, Phùng Quang Tùng - Viện Bảo vệ thực vật và Đặng Thị Thanh Tâm - Khoa Công nghệ sinh học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam thực hiện.
Ảnh minh họa
Cam là cây ăn quả quan trọng nhất trên thế giới với sản lượng ước tính 124.246 nghìn tấn năm 2016 (Rajput & cs., 2020). Ở Việt Nam, cam là cây trồng quan trọng với diện tích khoảng 100 nghìn hecta, sản lượng đạt 1.545,9 nghìn tấn, tăng 33,2% so với năm trước tính đến năm 2021, với các vùng trồng cam trọng điểm như Hòa Bình, Tiền Giang, Nghệ An (Tổng cục Thống kê, 2021). Tuy nhiên, ngành công nghiệp cam luôn phải đối mặt với rất nhiều tác động bất lợi của các nhân tố vi sinh và bệnh hại. Trong các bệnh hại trên cây cam thì bệnh chảy gôm mặc dù là bệnh mới nổi nhưng có khả năng gây thiệt hại lớn cho năng suất và chất lượng cam ước tính giảm khoảng 10-30% năng suất mỗi năm (Mounde & cs., 2009). Nguyên nhân gây bệnh là các chủng nấm thuộc chi Phytophthora sống trong đất. Bệnh lây lan và gây hại tất cả bộ phận của cây, gây chảy mủ, đặc biệt ở các vườn trồng với mật độ dày và khó thoát nước. Cây bị bệnh biểu hiện triệu chứng héo rũ vàng úa, sinh trưởng kém và cây sẽ chết khi bị nhiễm bệnh nặng. Bệnh chảy gôm là bệnh có sức tàn phá cực lớn và có thể làm cho vườn cây ăn trái bị suy kiệt hoàn toàn. Bệnh được ghi nhận thấy ở 90% vườn trồng với tỷ lệ bệnh trung bình là 45% (Mekonen & cs., 2015). Để kiểm soát bệnh thì các loại thuốc trừ nấm nội hấp như metalaxyl và fosetyl-Al thường được sử dụng và đạt hiệu quả cao. Tuy nhiên, nếu sử dụng cùng loäạ thuốc trong thời gian dài sẽ xuất hiện các chủng nấm kháng thuốc (Graham & Feichtenberger, 2015). Hiện nay, bên cạnh chiến lược nghiên cứu phát triển các giống kháng bệnh thì các biện pháp sinh học như sử dụng dịch chiết thực vật để kích thích hệ thống kháng của cây trồng, vi sinh vật đối kháng (nấm, khuẩn) là các giải pháp thân thiện với môi trường, có hiệu quả kinh tế và hiệu quả cao trong quản lý bệnh chảy gôm. Một số vi sinh vật đối kháng hiệu quả đã được nghiên cứu và ứng dụng như Bacillus spp., Trichoderma viride, T. hamatum, T. harzianum, T. lignorum, Gliocladium virens và Pseudomonas fluorescens (Jagtap & cs., 2012). Đặc biệt, các chủng vi khuẩn thuộc chi Bacillus là đối tượng được quan tâm vì khả năng bảo vệ cây trồng kháng lại các bệnh do nấm có nguồn gốc trong đất gây ra (Jamali & cs., 2004). Chính vì vậy, hướng tiếp cận của nghiên cứu hiện nay là phân lập được các chủng Bacillus có khả năng đối kháng với nấm Phytophthora spp. gây bệnh chảy gôm trên cây cam. Đåy là hướng nghiên cứu triển vọng và có khả năng ứng dụng cao trong thực tiễn sân xuất. Tuy nhiên, các nghiên cứ, ứng dụng theo hướng này trong quản lý bệnh chảy gôm trên cam vẫn chưa phát triển ở Việt Nam.
Nghiên cứu được tiến hành với mục đích tìm kiếm các chủng vi khuẩn có khả năng đối kháng với nấm Phytophthora spp., tác nhân chính gây bệnh chảy gôm trên cây cam. Từ 38 chủng vi khuẩn phân lập từ đất trồng cam tại Hòa Bình và Tiền Giang, đã tuyển chọn được 01 chủng vi khuẩn ký hiệu LHB15 có khả năng đối kháng mạnh với nấm Phytophthora citrophthora 18PMS và P. palmivora 17PMS. Dựa trên đặc điểm hình thái và phân tích trình tự đoạn 16S rRNA, chủng vi khuẩn LHB15 được xác định thuộc loài Bacillus siamensis. Chủng B. siamensis LHB15 sinh trưởng tốt nhất ở điều kiện nhiệt độ 37°C và pH7. Chủng B. siamensis LHB15 có khả năng ức chế cao đối với nấm P. citrophthora 18PMS trong đất và trong rễ cây cam sau 45 ngày xử lý. Kết quả cho thấy đây là chủng vi khuẩn đối kháng có tiềm năng ứng dụng trong phát triển chế phẩm sinh học phòng trừ bệnh chảy gôm trên cây cam.
nhnhanh
Tạp chí Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, 20 (8) /2022