Phát triển nông nghiệp đô thị đáp ứng với đô thị hóa và tái cơ cấu nông nghiệp
Theo ước tính của Orsini et al. (2013), đến năm 2050 sẽ có 69,6% dân cư sinh sống ở khu vực đô thị. Tại Việt Nam, từ năm 2010 – 2020, cơ cấu dân số ở khu vực đô thị liên tục gia tăng với tỷ lệ gia tăng trung bình là 3,15%. Mật độ dân cư tăng nhanh không chỉ gây áp lực đối với kinh tế xã hội mà còn làm gia tăng nhu cầu an ninh lương thực đối với khu vực đô thị.
Ảnh minh họa
Nông nghiệp đô thị và cận đô thị (urban agriculture, peri-urban agriculture) được định nghĩa là một ngành công nghiệp, trong đó sản xuất nông nghiệp thực hiện ở khu vực đô thị và vùng lân cận (ven) của đô thị với các hoạt động như vận chuyển, chế biến, tiếp thị, kinh doanh nông sản và các dịch vụ phi nông nghiệp liên quan do cư dân đô thị thực hiện (FAO, 2008). FAO (1996) ước tính có khảng 15% dân số thế giới (800 triệu người vào năm 1996) thực hiện canh tác nông nghiệp đô thị. Lĩnh vực này sản xuất khoảng 15 – 20% sản lượng lương thực của thế giới (FAO, 2007). Nông nghiệp đô thị được xem là một trong những hình thức sản xuất nông nghiệp góp phần quan trọng trong đảm bảo an ninh lương thực, đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc. Giải thưởng Mục tiêu bền vững toàn cầu (The Global SDG Awards) năm 2018 đã được trao tặng cho hình thức canh tác AeroFarm vì Mục tiêu không có người bị đói (Mục tiêu thứ hai). Tuy nhiên, cho đến nay, tại Việt Nam nói chung và thành phố Cần Thơ nói riêng, nông nghiệp đô đị chỉ mới phát triển theo kiểu tự phát, nhỏ lẻ, mang tính tranh thủ thời gian để canh tác của các hộ gia đình.
1. Các hình thức của nông nghiệp đô thị
Nông nghiệp đô thị có thể thực hiện với nhiều hình thức khác nhau. Tuy nhiên, một cách khái quát, nông nghiệp đô thị được phân thành hai kiểu chính gồm nông nghiệp kiểm soát môi trường (Controlled Environment Agriculture, CEA) và nông nghiệp không kiểm soát môi trường hoặc nông nghiệp không gian mở (Uncontrolled Environment Agriculture (UEA) hoặc Open Space Agriculture).
- Nông nghiệp kiểm soát môi trường: hình thức canh tác mà các điều kiện môi trường như như ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm, bức xạ, chu trình dinh dưỡng. được kiểm soát bằng cách ứng dụng công nghệ cao. Các hình thức nông nghiệp kiểm soát môi trường, gồm canh tác không diện tích (zero-acreage farming, Z-farm), canh tác trong nhà kính (greenhouse), canh tác thẳng đứng (vertical farming hoặc skyfarming). Để nâng cao hiệu quả, kiểu canh tác này thường được đặt trong mối liên kết với kiến trúc đô thị hoặc các hạ tầng xanh nhằm vừa đảm bảo mục tiêu của sản xuất nông nghiệp vừa tạo cảnh quan đô thị và góp phần làm giảm ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường do hoạt động của các lĩnh công nghiệp và dịch vụ.
- Nông nghiệp không kiểm soát môi trường: canh tác trong không gian mở bằng cách tận dụng các khoảng trống ở khu vực đô thị hoặc vùng lân cận đô thị với các hình thức như vườn cộng đồng, vườn rau và trang trại trên mái nhà. Đây là hình thức canh tác phổ biến, hiện diện khắp thế giới và đang đóng vai trò quan trọng trong hệ thống thực phẩm đô thị.
2. Ưu điểm và hạn chế của nông nghiệp đô thị
2.1 Ưu điểm
a) Hiệu quả sử dụng đất canh tác cao, chi phí chuyên chở, tồn trữ và bảo quản thấp
Do canh tác bằng cách tận dụng các vùng không gian trống trong khu vực đô thị và lân cận khu vực đô thị, nên khoảng cách từ nơi sản xuất và nơi tiêu thụ sản phẩm của nông nghiệp đô thị gần nhau, ngay cả việc sản xuất và tiêu thụ có thể được thực hiện ở cùng chỗ. Điều này tạo thuận lợi quan trọng trong chuỗi cung ứng sản phẩm khi so sánh với nông nghiệp nông thôn (rural agriculture): Chi phí vận chuyển sản phẩm nông nghiệp thấp, trong khi sự cung ứng sản phẩm tươi được kịp thời và tỷ lệ sản phẩm bị hư hao trong quá trình vận chuyển ít; Khi quy trình sản xuất và cung ứng đạt hiệu quả và ổn định, nông nghiệp đô thị chỉ cần tồn trữ, bảo quản nông sản trong một khoảng thời gian ngắn nên chi phí cho tồn trữ bảo quản cũng như tỷ lệ nông sản hư hao trong quá trình bảo quản cũng thấp.
Bên cạnh sự tận dụng không gian để canh tác, việc ứng dụng công nghệ cao giúp điều kiện môi trường và quy trình canh tác được kiểm soát một cách chặt chẽ, từ đó làm gia tăng sản lượng và chất lượng của nông sản trên đơn vị diện tích trong khi chi phí đầu vào được tối ưu hóa. Khoảng 50% nhu cầu rau cải ở thành phố Shanghai (Trung Quốc), 90% rau ăn lá và 60% sửa tươi tiêu thụ ở Tanzania (Đông Phi), 24% sản lượng rau cải ở Úc được cung cấp từ nông nghiệp đô thị (Lang and Miao 2013; Jacobi et al. 2000; Mok et al. 2014).
b) Giảm tác động đến môi trường
Ngành nông nghiệp đóng góp đến 30% trong tổng lượng phát thải khí nhà kính (GHG) nhân tạo (Smith and Gregory, 2013). Các thảm thực vật ở các khu vực đô thị có thể làm giảm nhiệt độ của môi trường và sự phát thải khí nhà kính (Rosenzweig et al., 2006). Kết quả đánh giá vòng đời môi trường ở London cho thấy các trang trại đô thị có khả năng làm giảm phát thải khí CO2 xuống 34 tấn/ha (Kulak et al., 2013). Theo Astee et al. (2010), các mô hình canh tác trên mái nhà sử dụng ít hơn 75% lượng nước tưới khi so sánh với canh tác thông thường.
Do canh tác nằm trong và lân cận khu vực đô thị đồng thời thu nhập mang lại trên đơn vị diện tích rất cao, nông nghiệp đô thị có thể dễ dàng ứng dụng công nghệ cao (được đầu tư chi phí cao, lắp đặt, bảo trì, bảo hành) để tối ưu hóa hiệu quả sản xuất, đồng thời tái sử dụng nguồn rác thải từ thực phẩm và nước thải hiệu quả hơn (Kennard, 2020). Mặt khác, nông nghiệp đô thị cũng góp phần tạo vùng xanh và cảnh quan cho đô thị. Xu hướng ứng dụng mô hình sản xuất nông nghiệp để tạo vùng xanh và cảnh quan cho đô thị đang ngày một gia tăng ở nhiều nơi trên thế giới.
c) Giảm áp lực lao động cho cả khu vực đô thị và nông thôn
Xu hướng dịch chuyển dân cư từ vùng nông thôn đến đô thị đang ngày một gia tăng. Áp lực về mật độ dân cư ở khu vực gia tăng làm cho vấn đề án ninh lương thực đô thị ngày càng quan trọng và cấp thiết. An ninh lương thực đô thị là một trong những ưu tiên hàng đầu trong phát triển nông nghiệp bền vững của FAO (FAO, 2021). Ước tính đến năm 2050 sẽ có 69,6% dân cư sinh sống ở khu vực đô thị (Orsini et al., 2013). Tại Việt Nam, từ năm 2010 – 2020, cơ cấu dân số ở khu vực đô thị liên tục gia tăng, từ 30,39% lên 36,82%, với tỷ lệ gia tăng trung bình là 3,15% (Bảng 1). Theo báo cáo kinh tế thường niên Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) năm 2020, từ 2009 - 2019 đã có hơn 1,1 triệu người di cư ra khỏi vùng, hầu hết đến việc làm trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ ở khu vực đô thị. Việc chuyển đổi công việc từ lao động nông nghiệp nông thôn sang lao động công nghiệp và dịch vụ ở đô thị thường gặp khó khăn và cần nhiều thời gian để người lao động được đào tạo và thích ứng. Mặt khác, sự dịch chuyển dân cư sẽ tạo ra sự dư thừa lao động nông nghiệp ở khu vực đô thị, trong khi làm thiếu hụt lao động nông nghiệp ở khu vực nông thôn. Sản xuất nông nghiệp đô thị với những loại cây trồng và vật nuôi phù hợp trong vùng không gian hẹp và cô lập vừa cung cấp việc làm và thu nhập cho lao động nông nghiệp di cư ra khu vực đô thị vừa giúp tập trung đất canh tác nông nghiệp ở khu vực nông thôn, qua đó giúp nông thôn có thể cơ cấu lại hệ thống cây trồng vật nuôi theo hình thức sản xuất lớn tập trung, ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa và công nghệ hiện đại khác để tăng hiệu quả sản xuất.
d) Phát triển canh tác hữu cơ
Nông nghiệp hữu cơ có thể được định nghĩa là một hệ thống canh tác tích hợp theo hướng bền vững bằng cách tăng cường độ phì nhiêu của đất và đa dạng sinh học, trong khi không sử dụng phân bón và nông dược tổng hợp (rất ít ngoại lệ), kháng sinh, sinh vật biến đổi gen và hormone tăng trưởng. Theo Nghị định 109/2018/NĐ-CP về Nông nghiệp hữu cơ thì “Nông nghiệp hữu cơ là hệ thống sản xuất bảo vệ tài nguyên đất, hệ sinh thái và sức khỏe con người, dựa vào các chu trình sinh thái, đa dạng sinh học thích ứng với điều kiện tự nhiên; là sự kết hợp kỹ thuật truyền thống và tiến bộ khoa học để làm lợi cho môi trường chung, tạo mối quan hệ công bằng và cuộc sống cân bằng cho mọi đối tượng trong hệ sinh thái”.
Một trong những nhược điểm quan trọng của canh tác hữu cơ là năng suất canh tác thấp. Theo de Ponti et al. (2012), canh tác hữu cơ có năng suất thấp hơn canh tác thông thường khoảng 20%. Kết quả khảo sát trên 370 loại cây trồng vào năm 2014 của Bộ nông nghiệp Mỹ cho thấy 84% loại cây trồng canh tác theo hình thức hữu cơ có năng suất thấp hơn so với canh tác thông thường, mức độ thấp hơn thay đổi tùy theo loại cây và tùy theo vùng canh tác, nằm trong khoảng từ 20 - 50%; chỉ có 9% loại cây trồng (9%) canh tác hữu cơ cho năng suất cao hơn so với canh tác thông thường, tuy nhiên, trong số này có đến 89% là cỏ và cây thức ăn gia súc, không phải cây lương thực (USDA, 2014). Quan trọng hơn, chứng nhận canh tác hữu cơ yêu cầu đất canh tác và nguồn nước tưới không bị ô nhiễm bởi hóa chất tổng hợp từ công nghiệp, nông nghiệp và sinh hoạt dân sinh. Điều kiện thỗ nhưỡng ở rất nhiều địa phương trong vùng ĐBSCL không thể đảm bảo được yêu cầu này.
Nông nghiệp đô thị, đặc biệt hình thức nông nghiệp kiểm soát trường, được canh tác trong vùng không gian cô lập với nguồn nước tưới được kiểm soát và trồng trên giá thể hoặc đất được xử lý nên không gặp trở ngại do yêu cầu về chất lượng đất canh tác và nước tưới. Bên cạnh đó, canh tác trong vùng không gian cô lập giúp cho việc áp dụng các biện pháp sinh học bảo vệ cây trồng khỏi sự tấn công của sâu bệnh hại cũng tận dụng nguồn rác thải hữu cơ từ thực phẩm để làm nguồn phân bón hữu cơ (qua chế biến) cho cây trồng được thuận tiện và dễ dàng hơn, qua đó đảm hiệu quả canh tác.
2.3 Hạn chế
- Một trong những nguy cơ của nông nghiệp đô thị là khả năng cây trồng bị ô nhiễm chất thải như vi sinh vật gây bệnh, kim loại nặng và khói bụi từ sản xuất công nghiệp. Tuy nhiên, trình độ khoa học và công nghệ phát triển, quy trình canh tác, đặc biệt ở hình thức nông nghiệp kiểm soát môi trường, chưa có ghi nhận nào về trường hợp sản phẩm của nông nghiệp đô thị bị ô nhiễm bởi chất thải công nghiệp.
- Việc ứng dụng công nghệ cao trong xử lý và tái sử dụng rác thải hữu cơ và nước thải để khắc phục ô nhiễm đòi hỏi kỹ thuật và chi phí cao.
- Nông nghiệp đô thị yêu cầu người lao động làm việc như những công nhân nông nghiệp, đãm nhận cả công việc công nghiệp nông nghiệp (làm việc theo quy trình) và dịch vụ (làm việc trong chuỗi cung ứng sản phẩm), nên cần phải được đào tạo.
- Thêm vào đó, nền tảng kiến thức về canh tác nông nghiệp đô thị ở Việt Nam nói chung và thành phố Cần Thơ nói riêng chưa được thiết lập đầy đủ, vẫn còn nhiều hạn chế.
- Chuỗi liên kết sản sản xuất, cơ chế chính sách và cơ sở vật chất cho phát triển nông nghiệp đô thị vẫn còn nhiều giới hạn.
2. Các loại cây trồng phù hợp với nông nghiệp đô thị
Một cách tổng quát, hầu hết các loại cây trồng đều có thể canh tác được ở khu vực cận đô thị. Tuy nhiên, đối với khu vực bên trong đô thị và với việc ứng dụng công nghệ cao (chi phí đầu tư cao), cây trồng trong nông nghiệp đô thị cần có những đặc điểm phù hợp để đảm bảo tính hiệu quả. Đặc điểm của cây trồng phù hợp với canh tác đô thị gồm:
- Giá trị cao: đảm bảo doanh thu trên đơn vị diện tích cao để đáp ứng với chi phí đầu tư cao.
- Thời gian canh tác ngắn (cây ngắn ngày) và năng suất thu hoạch cao: giúp cho việc xoay vòng mùa vụ và nguồn vốn nhanh; thuận tiện cho luân canh (đối với canh tác không kiểm soát môi trường) hoặc xử lý môi trường canh tác (đối với canh tác kiểm soát môi trường), qua đó giảm áp lực sâu bệnh hại và giảm sử dụng hóa chất nông nghiệp.
- Đáp ứng tốt với điều kiện điều kiện trồng trong nhà (đối với kiểu kiểm soát môi trường): kích thước tán cây nhỏ, có thể trồng ở mật độ cao, đáp ứng tốt với ánh sáng (đèn led), nhiệt độ, ẩm độ và độ thông thoáng nhân tạo.
Các loại rau, củ, quả ngắn ngày và cây hoa kiểng là phù hợp với nông nghiệp đô thị.
3. Yêu cầu phát triển nông nghiệp đô thị ở thành phố Cần Thơ
Tại Việt Nam, tỷ lệ dân số đang sinh sống ở nông thôn năm 2019 là 64,95% (Tổng Cục Thống kê, 2021). Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định “đến năm 2025, tỉ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội khoảng 25%”. Trong Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 28 tháng 01 năm 2022 đã đề ra mục tiêu cụ thể “đến năm 2030, tỷ trọng lao động nông nghiệp trong lao động xã hội giảm xuống dưới 20%, tỷ lệ lao động nông nghiệp được đào tạo đạt trên 70%”.
Do lĩnh vực nông nghiệp đô thị chưa phát triển, lao động nông nghiệp chủ yếu phân bố ở khu vực nông thôn. Theo Trang thông tin điện tử của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (2022), ĐBSCL có 12 triệu lao động nông nghiệp chiếm tỷ lệ 55,8% số lượng dân số của vùng. Giảm tỷ trọng lao động nông nghiệp sẽ tạo nên sự dịch chuyển lao động từ lĩnh vực nông nghiệp sang các lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ, theo đó sẽ tạo nên sự di chuyển của dân cư từ khu vực nông thôn đến khu vực đô thị. Thành phố Cần Thơ là đô thị loại I trực thuộc Trung Ương nằm ở vị trí trung tâm của vùng ĐBSCL (tổng dân số hiện tại là 1.235.171 người), nên ước đoán Cần Thơ sẽ là một trong những đô thị đón nhận lượng lớn dân cư từ khu vực nông thôn chuyển di chuyển đến. Bên cạnh đó, Mục tiêu của Nghị Quyết số 59-NQ/TW của Bộ Chính Trị, ban hành ngày 5 tháng 8 năm 2020, chỉ rõ đến năm 2030 “Cần Thơ là thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc văn hóa sông nước vùng đồng bằng sông Cửu Long; là trung tâm của vùng về dịch vụ thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao …”. Phát triển nông nghiệp đô thị, ứng dụng công nghệ cao theo hướng bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu không chỉ để đảm bảo an ninh lương thực, đáp ứng với việc gia tăng tỷ lệ dân cư đô thị, mà còn giúp thành phố Cần Thơ thực hiện tốt Chủ trương của Nhà nước.
4. Giải pháp phát triển nông nghiệp đô thị
- Xây dựng hệ thống pháp lý, cơ chế chính sách ưu đãi và cơ sở hạ tầng hỗ trợ cho phát triển nông nghiệp đô thị.
- Đào nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu của sản suất nông nghiệp đô thị.
- Thực hiện các nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp đô thị ở điều kiện cụ thể cua thành phố Cần Thơ để xây dựng nền tản kiến thức giúp điều chỉnh và phát huy hiệu quả của lĩnh vực sản xuất này trong tương lai.
nhnhanh
Tham luận hội thảo Ứng dụng công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp đô thị theo hướng bền vững