Thực trạng sử dụng ống hút nhựa của sinh viên Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP. HCM và giải pháp thay thế
Hiện nay, ô nhiễm rác thải nhựa đang là vấn đề cấp bách toàn cầu. Ống hút nhựa được xem là một trong những rác thải nhựa phổ biến, xếp thứ 6 trong các loại rác không thể phân huỷ. Bên cạnh đó, ống hút nhựa cũng nằm trong 10 cái tên được tìm thấy nhiều nhất khi nhắc đến vấn đề chất thải đại dương, nguyên nhân nghiêm trọng huỷ hoại hệ sinh thái biển của nhân loại.
Hiện nay, các nghiên cứu trong nước về thực trạng sử dụng ống hút nhựa còn chưa phổ biến, đa phần nghiên cứu về túi ni-lông. Hiện nay trên địa bàn TP. HCM có nhiều trường đại học, cao đẳng, trung cấp, thu hút sinh viên đến học tập và sinh sống. Sinh viên là tầng lớp tri thức của xã hội hiện nay đang phải đối mặt với thách thức to lớn là sự thiếu hiểu biết về môi trường, đặc biệt, hiện nay một bộ phận sinh viên có những thói quen gây ảnh hưởng đến môi trường. Đứng trước thực trạng đáng lo ngại về “ô nhiễm trắng” đang hiện hữu, việc khảo sát thực trạng sử dụng ống hút nhựa của sinh viên và đề xuất giải pháp thay thế nhằm bảo vệ môi trường là một việc làm rất cấp bách, cần phải thực hiện trong một thời gian dài, liên tục và ngay từ bây giờ. Xuất phát từ đó, nghiên cứu được thực hiện nhằm tìm hiểu thực trạng sử dụng ống hút nhựa của sinh viên, trường hợp điển hình sinh viên Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh (ĐH CNTP TPHCM).
Quá trình khảo sát và thu thập mẫu nghiên cứu được thực hiện ở ĐH CNTP TPHCM. Nghiên cứu đã sử dụng phiếu điều tra được thiết kế sẵn cho 200 sinh viên trong Trường. Kết quả nghiên cứu cho thấy, 100% SINH VIÊN được khảo sát trả lời đã từng sử dụng ống hút nhựa trong sinh hoạt, tần suất sử dụng nhiều nhất là 1-3 lần/tuần, chiếm 36%. 47% sinh viên nhận thấy được tác hại của ống hút nhựa đối với sức khỏe. 73% sinh viên chưa từng sử dụng ống hút thiên nhiên, thậm chí chưa từng biết đến. Nghiên cứu đã đề xuất 5 nhóm biện pháp nhằm nhân rộng việc sử dụng ống hút thiên nhiên, trong đó 83% ý kiến trên tổng số sinh viên khảo sát cho rằng nên tổ chức các buổi tuyên truyền về lợi ích của ống hút thiên nhiên. Tóm lại, các kết quả nghiêu cứu sẽ là dẫn liệu tham khảo về tình hình sử dụng ống hút nhựa của sinh viên trên địa bàn TPHCM, cụ thể là sinh viên trường ĐH CNTP TPHCM. Đây còn là cơ sở cho các đề tài nghiên cứu về vấn đề chất thải nhựa dùng một lần, như ống hút nhựa được thực hiện nhiều hơn trong tương lai. Vì trong thực tế, các nghiên cứu có liên quan đều tập trung các hướng như đánh giá nhận thức và hành vi của người dân liên quan đến rác thải nhựa, đánh giá ý thức sử dụng túi ni-lông... Kết quả nghiên cứu là cơ sở để Nhà Trường đưa ra các giải pháp cụ thể và thiết thực hơn nữa nhằm giảm thiểu sử dụng ống hút nhựa và nhân rộng việc sử dụng ống hút thiên nhiên. Tương tự, ở các cấp địa phương, có thể dựa trên kết quả của nghiên cứu để triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin, giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng về tác hại của ống hút nhựa, tổ chức các phong trào như “nói không với ống hút nhựa”.
Nghiên cứu do nhóm tác giả Đặng Hồ Phương Thảo, Nguyễn Thu Hiền, Phạm Ngọc Hòa (Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP. HCM). Nghiên cứu đăng trên Tạp chí Khoa học Công nghệ và Thực phẩm 22 (3) (2022) 24-33.
Tạp chí Khoa học Công nghệ và Thực phẩm (pcmy)