Khảo sát điều kiện chiết và hàm lượng polyphenol, flavonoid tổng, khả năng kháng oxy hóa của cao chiết lá cây trứng cá
Cây trứng cá (Muntingia calabura L.) là loại cây mọc hoang dại, có mặt khắp nơi từ nông thôn đến đô thị. Một số nghiên cứu cho thấy dịch chiết lá trứng cá có khả năng kháng oxy hóa, cải thiện chức năng nội mô, chức năng mạch máu, giảm huyết áp. Lá trứng cá có hoạt tính kháng khuẩn.
Trong y học cổ truyền, chiết xuất từ lá được sử dụng trong điều trị sưng tuyến tuyền liệt, giảm đau đầu và trị cảm lạnh, làm chất khử trùng. Bên cạnh đó, nước nấu từ lá trứng cá có thể dùng để hạ sốt, giảm đau hoặc sử dụng như trà làm nước giải khát. Với một số đặc điểm như trên, việc tận dụng nguồn lá trứng cá sẵn có để nghiên cứu trích xuất các hợp chất có giá trị nhằm phục vụ cho lợi ích của con người thật sự có ý nghĩa thực tiễn.
Nhóm tác giả Đặng Ngọc Lý, Võ Thành Nhân, Lê Thị Ngọc Hạnh, Phạm Thị Cẩm Hoa, Lê Thị Kim Anh, Đoàn Thị Minh Phương (Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM) thực hiện nghiên cứu này nhằm khảo sát các thông số ảnh hưởng tới quá trình trích cao ethanol từ lá trứng cá, các thông số độc lập được tối ưu bằng phương pháp bề mặt đáp ứng gồm có: nhiệt độ, tỷ lệ dung môi và nguyên liệu, thời gian chiết.
Qua quá trình thực nghiệm xây dựng quy trình tách chiết bằng phương pháp chiết siêu âm và sử dụng phân mềm Modde 5.0 đã dự đoán được điều kiện tách chiết để đạt hiệu suất cao nhất. Nghiên cứu cũng đánh giá hàm lượng tổng các hợp chất polyphenol, flavonoid trong cao tổng và các phân đoạn chiết từ bột lá trứng cá, nổi bật là hàm lượng polyphenol và flavonoid cao hơn so với các nghiên cứu trước. Khả năng kháng oxy hóa DPPH của dịch chiết cũng đã được chứng minh. Những điều này là cơ sở để định hướng cho việc phân lập các hợp chất quí có hoạt tính sinh học cũng như ứng dụng vào các sản phẩm cụ thể. Theo đó, kết quả cho thấy hiệu suất chiết cao nhất là 9,77% ở điều kiện nhiệt độ 80 °C, tỷ lệ dung môi/nguyên liệu là 19 mL/g, thời gian 36 phút. Nghiên cứu cũng thực hiện định lượng tổng polyphenol, flavonoid cũng như khả năng khử gốc tự do DPPH trong cao ethanol và các cao phân đoạn. Ở phân đoạn ethyl acetate, tổng hàm lượng flavonoid, polyphenol và khả năng kháng gốc tự do cao hơn các phân đoạn khác, có giá trị lần lượt là: 93,3 (mg/g); 319,0 (mg/g) và IC50 là 6,25 µg/mL.
Nghiên cứu đăng trên Tạp chí Khoa học Công nghệ và Thực phẩm 22 (3) (2022) 57-65.
Tạp chí Khoa học Công nghệ và Thực phẩm (pcmy)