SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Bảo hộ giống cây trồng: Những vướng mắc

[20/02/2023 08:50]

Dù phức tạp và tốn không ít thời gian cũng như công sức, song việc bảo hộ giống cây trồng là điều cần thiết để thương mại hóa, cũng như có thêm nguồn lực tái đầu tư cho nghiên cứu, phát triển giống cây trồng ở Việt Nam.

Người nông dân bên vườn thanh long ruột đỏ.

Trong những ngày gần đây, người trồng thanh long đang “đứng ngồi không yên” trước quy định mới của Nhật Bản về mã số vùng trồng khi xuất khẩu. Cụ thể với thanh long ruột đỏ, để có mã số vùng trồng, nhà xuất khẩu phải chứng minh đó là giống LD1 - giống thanh long ruột đỏ duy nhất được phía Nhật Bản chấp thuận. Mặc dù rất nhiều người trồng và xuất khẩu giống thanh long này song đơn vị duy nhất nắm giữ bản quyền giống là Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit. Do Công ty Hoàng Phát đã mua bản quyền giống thanh long LD1 từ Viện Cây ăn quả miền Nam từ năm 2017 và đăng ký bảo hộ tại Nhật Bản và Hàn Quốc, bất cứ đơn vị nào muốn xuất khẩu sang các thị trường này sẽ phải trả tiền bản quyền cho Hoàng Phát. Điều trớ trêu là trước khi bản quyền giống LD1 thuộc về Hoàng Phát, những người trồng thanh long đã mua giống này tại Viện Cây ăn quả miền Nam.

Tình trạng này khiến nhiều người không khỏi thắc mắc, tại sao Viện bán giống cây cho người dân, sau đó lại bán bản quyền giống cho doanh nghiệp, đẩy người dân vào “thế bí” như hiện nay? Thực ra, việc bán giống cho người dân nằm trong giai đoạn sản xuất thử nghiệm. “Theo Pháp lệnh công nhận giống cây trồng tại thời điểm đó, một trong những yêu cầu để được công nhận là giống cây trồng mới là phải sản xuất thử nghiệm trên một diện tích nhất định, với thanh long là 50-100 ha. Tuy nhiên, số lượng hom giống để sản xuất trên một diện tích như vậy là quá lớn, Viện không đủ khả năng cung cấp miễn phí cho người dân nên đã thu một phần kinh phí của người dân tham gia”, ông Nguyễn Thanh Minh, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ dịch vụ giống cây trồng (Hiệp hội Thương mại giống cây trồng Việt Nam), giải thích. Lúc đó nếu Viện ký kết hợp đồng hoặc thỏa thuận sản xuất thử nghiệm thì mọi việc sẽ đơn giản hơn rất nhiều.

Bên cạnh đó, việc “bán giống” diễn ra khoảng gần 10 năm trước khi giống thanh long LD1 được nộp đơn đăng ký và cấp bằng bảo hộ giống cây trồng. Điều này dẫn đến những tranh cãi về tính mới - một trong năm yêu cầu bắt buộc phải đáp ứng để bảo hộ giống cây trồng. Theo Luật Sở hữu trí tuệ, giống cây trồng được bảo hộ là giống cây trồng được chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển, có tính mới, tính khác biệt, tính đồng nhất, tính ổn định và có tên phù hợp. Trong đó, giống cây trồng có tính mới nếu vật liệu nhân giống hoặc sản phẩm thu hoạch của giống cây trồng đó chưa được người có quyền đăng ký hoặc người được phép của người yêu cầu đó bán hoặc phân phối bằng cách khác nhằm mục đích khai thác giống cây trồng trên lãnh thổ Việt Nam trước ngày nộp đơn đăng ký một năm hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam trước ngày nộp đơn đăng ký sáu năm đối với giống cây trồng thuộc loài thân gỗ và cây leo thân gỗ, bốn năm đối với giống cây trồng khác.

Bằng bảo hộ giống thanh long LD1 do Viện Cây ăn quả miền Nam chuyển nhượng cho công ty Hoàng Phát. Nguồn: SOFRI

Liệu giống thanh long LD1 có bị mất tính mới trước khi đăng ký bảo hộ? Cách đây vài năm, có người đã gửi đơn yêu cầu hủy bằng bảo hộ giống thanh long ruột đỏ LD1 với lý do này. Tuy nhiên, bằng bảo hộ vẫn giữ nguyên hiệu lực bởi căn cứ phản đối không đủ vững chắc. Vào thời điểm bán cho người dân, giống thanh long LD1 vẫn đang trong quá trình làm thủ tục công nhận, nên chưa thể coi là một giống cây trồng chính thức. Theo điều 9 của Pháp lệnh giống cây trồng, việc sản xuất, kinh doanh giống không có trong Danh mục giống cây trồng được phép sản xuất, kinh doanh là một trong những hành vi bị nghiêm cấm. Như vậy, giống thanh long LD1 lúc đó chưa có trong danh mục được phép kinh doanh. Do vậy, “việc căn cứ vào hóa đơn bán ra tại thời điểm đấy để yêu cầu hủy bằng thì chưa hợp lý, không thể lấy việc làm bất hợp pháp để làm cơ sở cho việc sau”, ông Nguyễn Thanh Minh phân tích. “Ngoài ra, theo Công ước quốc tế về bảo hộ giống cây trồng (UPOV) mà Việt Nam là thành viên, việc phân phối giống cây trồng trong giai đoạn thực nghiệm không bị coi là mất tính mới”.

Quy định đăng ký bảo hộ phức tạp

Những tranh cãi xoay quanh giống thanh long ruột đỏ LD1 gần đây cũng là dịp để chúng ta nhìn lại bức tranh bảo hộ giống cây trồng ở Việt Nam. Cũng giống như sáng chế, giải pháp hữu ích hay nhãn hiệu, giống cây trồng là một đối tượng rất quan trọng trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ. “Quá trình nghiên cứu, tạo ra một giống cây trồng tốn rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc, mà chưa chắc kết quả cuối cùng được như mong muốn, có khi mất cả đời người ta mới tạo ra được một giống cây mới”, ông Nguyễn Thanh Minh nói. Do vậy việc đăng ký bảo hộ giống cây trồng rất cần thiết - dù chỉ là công đoạn cuối trên con đường phát triển giống cây trồng song nó sẽ giúp tác giả được độc quyền khai thác giống, thu lại tiền bản quyền, bù đắp những chi phí trong quá trình chọn tạo và có nguồn lực để tái đầu tư cho nghiên cứu.

Tuy nhiên, quy trình thẩm định và bảo hộ giống cây trồng đặc biệt hơn nhiều so với các dạng sở hữu trí tuệ còn lại. “Giống cây trồng là một đối tượng sinh học, cho nên có những đặc thù riêng, phải khảo nghiệm trên đồng ruộng”, ông Nguyễn Thanh Minh cho biết. Ngoài tính mới và có tên gọi phù hợp (tên gọi dễ dàng phân biệt với tên của các giống cây trồng khác được biết đến rộng rãi trong cùng một loài hoặc loài tương tự), một giống cây trồng sẽ được bảo hộ nếu đáp ứng được tính khác biệt (Distinctness - có khả năng phân biệt rõ ràng với các giống cây trồng khác được biết đến rộng rãi tại thời điểm nộp đơn hoặc ngày ưu tiên nếu đơn được hưởng quyền ưu tiên); tính đồng nhất (Uniformity - có sự biểu hiện như nhau về các tính trạng liên quan, trừ những sai lệch trong phạm vi cho phép đối với một số tính trạng cụ thể trong quá trình nhân giống); tính ổn định (Stability - các tính trạng liên quan của giống cây trồng đó vẫn giữ được các biểu hiện như mô tả ban đầu, không bị thay đổi sau mỗi vụ nhân giống hoặc sau mỗi chu kỳ nhân giống).

Việc khảo nghiệm đánh giá ba tính chất này (khảo nghiệm DUS) là công đoạn phức tạp nhất trong quá trình bảo hộ. Mỗi loại cây trồng có đặc trưng riêng, đòi hỏi những quy trình khảo nghiệm khác biệt. Chẳng hạn như cây sâm Ngọc Linh, phải theo dõi cây từ ba năm tuổi, bởi lúc đó củ sâm mới phát triển hoàn chỉnh, các tính trạng mới thể hiện đầy đủ, lấy mẫu hoa, lá ở vị trí nào…, trong khi các loại cây trồng ngắn ngày sẽ triển khai theo một quy trình khác. Đặc biệt, sự đa dạng giống cây trồng ở một quốc gia nhiệt đới như Việt Nam cũng đặt ra thách thức không nhỏ với các chuyên gia thẩm định cũng như xây dựng tài liệu hướng dẫn.

Nếu cơ quan khảo nghiệm do nhà nước quản lý có đủ nguồn lực, thay vì phải kết hợp với bên ngoài để tiến hành các thử nghiệm trên đồng ruộng, chắc sẽ tránh được những tình huống “éo le” như giống thanh long ruột đỏ LD1? “Nếu có một đơn vị do nhà nước quản lý tập trung làm điều đó thì tuyệt vời. Nhưng chắc chắn, không một nơi nào trên thế giới làm được điều đấy, ngay cả những nước phát triển nhất trên thế giới cũng chỉ làm được một số loài thôi, vì ngoài cơ sở vật chất, chuyên gia, còn liên quan đến các điều kiện tự nhiên về khí hậu, đất đai… Do vậy, hiện nay có ba phương thức khảo nghiệm chính, thứ nhất là khảo nghiệm tập trung ở cơ quan khảo nghiệm, thứ hai là tác giả giống cây trồng tự làm dưới sự giám sát và thẩm định của cơ quan bảo hộ giống, thứ ba là sử dụng kết quả đã có”, ông Nguyễn Thanh Minh cho biết.

Sự phức tạp trong quy trình bảo hộ có lẽ là một trong những nguyên nhân khiến nhiều người dù nhận thấy lợi ích, song vẫn ngần ngại trong đăng ký bảo hộ giống cây trồng. Theo thống kê từ năm 2004-2021, Văn phòng bảo hộ giống cây trồng (Cục Trồng trọt) đã nhận được 2015 đơn đăng ký, cấp được 920 bằng bảo hộ giống cây trồng, trong đó, số lượng bằng của Việt Nam cao hơn so với nước ngoài. Tuy nhiên, hầu hết các giống cây trồng được bảo hộ là các cây lương thực như lúa, ngô, còn số lượng cây ăn quả rất thấp, chỉ chiếm khoảng 5% tổng số đơn đăng ký.

Đi tìm giải pháp

Việc đăng ký bảo hộ giống cây trồng tuy khó, nhưng bắt buộc phải làm. Ngoài việc đem lại nguồn kinh phí tái đầu tư cho nghiên cứu, “việc bảo hộ giống và chuyển giao cho doanh nghiệp sẽ tạo điều kiện khai thác giống cây trồng tốt hơn”, theo PGS.TS. Nguyễn Minh Châu, Nguyên Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam nhận xét trong một tọa đàm do báo Nông nghiệp tổ chức. Chẳng hạn như trường hợp giống xoài Cát Lộc được Viện Cây ăn quả miền Nam chuyển giao cho tập đoàn Lộc Trời: “Sau khi mua bản quyền, chúng tôi không kinh doanh đại trà ngoài thị trường mà chỉ cung cấp cho các hợp tác xã muốn đăng kí tham gia vùng nguyên liệu với Lộc Trời thì chúng tôi mới cung cấp cây giống. Nguồn cây giống bố mẹ hiện nay vẫn ở Viện, chúng tôi đặt hàng Viện sản xuất cây con, đảm bảo quản lý chặt chẽ từ cây mẹ đến cây con, không bị lọt ra ngoài. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng kết hợp với các đơn vị, khi phát hiện cá nhân, doanh nghiệp nào xâm phạm thì sẽ kiểm tra, phân tích gene để xác minh, từ đó áp dụng các chế tài bảo vệ bản quyền”, ông Trương Phan Khải Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Cây ăn quả Lộc Trời cho biết.

Để quá trình từ nghiên cứu cho đến bảo hộ, chuyển giao giống cây trồng được “thông đồng bén giọt”, một trong những giải pháp quan trọng là phải tháo gỡ những khó khăn cả về nguồn lực lẫn cơ chế. “Chu trình lai tạo ra một giống rất dài, với một giống cây ăn trái mất khoảng 15 năm, thậm chí là hơn thế. Ngoài đầu tư về kinh phí, theo tôi một còn một điều nữa là vấn đề nghiên cứu. Hiện nay một đề tài nhà nước thường kéo dài 4-5 năm, trong khi chu kì tạo giống thường lên đến cả chục năm, do vậy, cần có một chương trình khác cho tạo giống”, PGS.TS. Nguyễn Minh Châu nói.

Trong lúc chờ đợi những giải pháp dài hạn, "các doanh nghiệp xuất khẩu cần ngồi lại với nhau, làm sao cân bằng lợi ích cho người Việt Nam, nếu cứ tranh mua tranh bán thì chỉ nước ngoài có lợi. Nếu các bên không thương lượng được với nhau, trong trường hợp cần thiết, cơ quan quản lý nhà nước có quyền bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng cho các bên thứ ba, tuy nhiên cũng sẽ rất phức tạp”, ông Nguyễn Thanh Minh nhận xét.

www.khoahocphattrien.vn (nhnhanh)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ