SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Ngành nông nghiệp đặt mục tiêu có 200 doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao năm 2030

[24/02/2023 08:49]

Xác định phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực quan trọng để xây dựng nền nông nghiệp có năng suất chất lượng, Kế hoạch thực hiện “Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” đặt mục tiêu đến năm 2030 có 200 doanh nghiệp công nghệ cao và 50-100 vùng nông nghiệp công nghệ cao.

Bộ NN&PTNT triển khai Kế hoạch thực hiện “Chiến lược phát triển KHCN&ĐMST ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.

Tại Hội nghị triển khai Kế hoạch thực hiện “Chiến lược phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN&ĐMST) ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, sáng 22/2/2023, ông Nguyễn Hữu Ninh - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhấn mạnh: Phát triển KHCN&ĐMST trở thành động lực quan trọng để xây dựng nền nông nghiệp có năng suất chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới hiện đại.

Mục tiêu của Kế hoạch là xây dựng tổ chức khoa học công nghệ ngành nông nghiệp đủ tiềm lực và trình độ tạo ra các sản phẩm khoa học có giá trị cao, tiếp thu và làm chủ các công nghệ tiên tiến thế giới, chuyển giao ứng dụng, nhân rộng trong thực tiễn sản xuất.

Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp được sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt (VietGAP) hoặc tương đương trở lên đạt trên 40%. Tỷ lệ kết quả các nhiệm vụ khoa học, công nghệ có sản phẩm là giống, vật tư đầu vào, quy trình công nghệ, thiết bị, tiến bộ kỹ thuật..., được ứng dụng vào thực tiễn đạt trên 90% vào năm 2025 và đạt trên 95% năm 2030. Đặc biệt, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu đến năm 2030 có 200 doanh nghiệp công nghệ cao và 50-100 vùng nông nghiệp công nghệ cao.

Để thực hiện mục tiêu chiến lược này, ngành nông nghiệp sẽ triển khai một số chương trình trọng điểm KHCN&ĐMST, trong đó, tiếp tục triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ thực hiện 5 sản phẩm quốc gia đã được phê duyệt năm 2020.

Bổ sung 6 sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia mới giai đoạn 2021-2030 (theo Quyết định số 157/QĐ-TTg ngày 1/2/2021), bao gồm: gỗ và các sản phẩm từ gỗ, chè, hồ tiêu, cây ăn quả, gia cầm và cá biển. Ngành nông nghiệp sẽ tập trung phát triển công nghệ sinh học thông qua việc nghiên cứu, phát triển công nghệ sinh học thế hệ mới, công nghệ gen; làm chủ công nghệ tạo các chế phẩm sinh học.

Làm chủ công nghệ tế bào thực vật trong nhân giống cây trồng sạch bệnh quy mô công nghiệp, giảm giá 30% so với truyền thống. Tiếp nhận, ứng dụng và chuyển giao công nghệ mới vào sản xuất ở quy mô công nghiệp; tạo và phát triển được giống cây trồng, vật nuôi mang tính trạng cải tiến bằng công nghệ chỉ thị phân tử, chỉnh sửa gen.

Đồng thời, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực công nghệ sinh học nông nghiệp. Nâng cao năng lực cơ sở vật chất, trang thiết bị để tiếp nhận, ứng dụng chuyển giao công nghệ quy mô công nghiệp. Phát triển công nghiệp sinh học trong nông nghiệp, ưu tiên nhóm sản phẩm giống cây trồng, vật nuôi, quy trình công nghệ nhân nuôi cấy mô tế bào, chế phẩm sinh học.

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, ngành nông nghiệp sẽ thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến để sản xuất một số sản phẩm nông nghiệp có giá trị gia tăng cao; góp phần đưa tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025 đạt trên 20%, đến năm 2030 đạt 30%; góp phần thúc đẩy tốc độ tăng năng suất lao động nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt bình quân từ 7% đến 8 %/năm.

Đồng thời, sẽ xây dựng các mô hình trình diễn về cơ giới hoá đồng bộ sản xuất nông nghiệp, bảo quản và chế biến nông sản với công nghệ và thiết bị tiên tiến, hiện đại, có mức độ cơ giới hóa và tự động hóa cao để khuyến cáo cho các doanh nghiệp áp dụng vào sản xuất. Nghiên cứu phát triển và áp dụng công nghệ số như nghiên cứu ứng dụng, xây dựng các công cụ phục vụ chuyển đổi số, số hóa, tạo lập dữ liệu lớn (Bigdata) đế tối ưu hóa quá trình sản xuất nông nghiệp, quản trị, liên kết chuỗi giá trị.

Ngành nông nghiệp đặt mục tiêu có 200 doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao năm 2030.

Quá trình thực thi Kế hoạch sẽ thí điểm và nhân rộng các mô hình ứng dụng công nghệ số theo hướng công nghệ cao, tuần hoàn, sinh thái, thông minh. Khuyến khích các nhà đầu tư ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi từ chuỗi sử dụng nhiều lao động tập trung sang chuỗi phi tập trung, quản lý theo chuỗi minh bạch.

Cùng với đó là ưu tiên nguồn lực cho phát triển KHCN như tăng đầu tư từ ngân sách nhà nước cho KHCN và ĐMST. Tiếp tục đầu tư hạ tầng cơ sở vật chất cho khối viện, trường và có chính sách đãi ngộ thỏa đáng và các cơ hội phát triển nghề nghiệp thuận lợi cho nhà khoa học.

Ngành nông nghiệp tiếp tục đổi mới cơ chế đầu tư và tài chính cho KH&CN có trọng tâm, trọng điểm, dựa trên hiệu quả đầu ra. Đơn giản hóa thủ tục hành chính trong quản lý nhiệm vụ KH&CN, quản lý tài chính theo thông lệ quốc tế, giảm tối đa thủ tục hành chính cho các nhà khoa học; giao quyền sở hữu kết quả KH&CN có sử dụng ngân sách nhà nước cho cơ quan chủ trì để thúc đẩy ứng dụng, thương mại hóa kết quả nghiên cứu.

Đồng thời, tăng đầu tư từ ngân sách nhà nước cho KH&CN và ĐMST, có cơ chế kinh tế, tài chính khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, tham gia mạnh hơn vào hoạt động nghiên cứu, phát triển và đổi mới công nghệ - đại diện Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Bộ NN&PTNT cho biết.

www.vietq.vn (nhnhanh)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ