SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Đặc điểm tổn thương động mạch vành và thay đổi mức lọc cầu thận sau chụp hoặc can thiệp động mạch vành qua da ở bệnh nhân bệnh thận mạn

[27/02/2023 14:31]

Nghiên cứu do nhóm tác giả Lê Văn Thăng - Đại học Y Hà Nội, Phạm Lê Minh - Đại học Y Hà Nội, DD.Nguyễn Tuấn Anh - Viện Tim mạch Việt Nam - Bệnh viện Bạch Mai, DD.Đỗ Đức Tuân - Viện Tim mạch Việt Nam - Bệnh viện Bạch Mai, ThS.BS.Phạm Nhật Minh - Bộ môn Tim mạch - Trường Đại học Y Hà Nội, PGS.TS.BS.Phạm Mạnh Hùng - Viện Tim mạch Việt Nam - Bệnh viện Bạch Mai thực hiện.

Ảnh minh họa

Bệnh động mạch vành là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở bệnh nhân bệnh thận mạn. Mặc dù có nhiều tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị nhưng can thiệp động mạch vành qua da trên bệnh nhân bệnh thận mạn tính vẫn còn nhiều thách thức.

Nghiên cứu nhằm mục tiêu: Mô tả đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và tổn thương Động mạch vành ở những bệnh nhân bệnh thận mạn cần chụp động mạch vành qua da tại Viện Tim mạch Việt Nam; Đánh giá sự thay đổi về lâm sàng, cận lâm sàng và Mức lọc cầu thận sau chụp hoặc can thiệp động mạch vành ở những bệnh nhân nói trên.

Nghiên cứu trên 59 bệnh nhân bệnh thận mạn được chỉ định chụp có hoặc không kèm theo can thiệp động mạch vành qua da tại Viện Tim mạch Việt Nam từ tháng 8-2020 đến tháng 10 - 2021. Thu thập và tiến hành phân tích các thông tin về đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng, kết quả chụp động vành qua da và thay đổi chức năng thận sau can thiệp.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, điểm SYNTAX trung bình là 21,9 ± 13,0. Tổn thương mạch vành chiếm tỷ lệ nhiều nhánh chiếm đa số (84,8%), tổn thương 1 nhánh (11,9%). Vị trí tổn thương thường gặp nhất là động mạch liên thất trước (88,1%) tiếp đến là động mạch vành phải (71,2%), động mạch mũ (50,8%). Tổn thương thủ phạm thường phức tạp, type B2 và type C là dạng tổn thương thường gặp nhất (76,2%), kế đến là type B1 (14,3%), type A (9,5%). Tỷ lệ tắc hoàn toàn mạn tính cũng chiếm tỷ lệ khá cao (25,4%), tổn thương chỗ chia đôi (25,4%) tổn thương thân chung động mạch vành trái ít hơn (13,6%). Có 17,3% bệnh nhân gặp biến chứng tổn thương thận cấp sau can thiệp, ở nhóm CKD 3 có 12,9% và nhóm CKD 4-5 có 23,8% bệnh nhân. Trong số này 3 bệnh nhân phải lọc máu cấp cứu sau can thiệp.

Tổn thương động mạch vành ở bệnh nhân bênh thận mạn thường phức tạp, thường gặp tổn thương nhiều nhánh động mạch vành và có xu hướng tổn thương nặng hơn theo sự suy giảm mức lọc cầu thận. Can thiệp động mạch vành qua da ở bệnh nhân bệnh thận mạn có kết quả an toàn về mặt thủ thuật tuy nhiên tỷ lệ biến chứng tổn thương thận cấp khá cao ở các bệnh nhân bệnh thận mạn.

Tạp chí Tim mạch học Quốc gia Việt Nam
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài