SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Kết quả chăm sóc, điều trị người bệnh sau can thiệp thông liên nhĩ và một số yếu tố liên quan năm 2020-2021

[27/02/2023 14:46]

Nghiên cứu do nhóm tác giả Nguyễn Thị Thu Phương - Trường Đại học Thăng Long, Vũ Hằng Hạnh - Viện Tim mạch Việt Nam - Bệnh viện Bạch Mai Phạm Thị Hồng Thi - Bệnh viện Bạch Mai thực hiện nhằm mô tả đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng, phân tích kết quả chăm sóc người bệnh thông liên nhĩ sau can thiệp và các yếu tố liên quan.

Ảnh minh họa

Thông liên nhĩ (TLN) là bệnh lý thường gặp trong tim bẩm sinh, với tần suất mắc bệnh khoảng 2 trên 1000 trẻ sinh ra sống. Theo Jeanne Marie Baffa, MD và Hội Tim mạch Việt Nam thì thông liên nhĩ chiếm khoảng từ 6-10% các trường hợp bệnh lý tim bẩm sinh, bệnh chủ yếu gặp ở nữ giới: tỷ lệ gặp ở nữ so với nam 2:1.

Tại Viện Tim mạch Việt Nam, can thiệp bít TLN bằng dụng cụ qua da được tiến hành lần đầu tiên vào cuối năm 1999 và đến năm 2002 dụng cụ Amplatzer bắt đầu được đưa vào sử dụng.

Trên thế giới đã có nhiều nghiên cứu về việc can thiệp bít TLN. Ở Việt Nam, các nghiên cứu về thông liên nhĩ được báo cáo nhiều, tuy nhiên chưa có nghiên cứu nào về kết quả chăm sóc người bệnh TLN sau can thiệp bằng dụng cụ qua da

Nghiên cứu được tiến hành trên 108 người bệnh thông liên nhĩ (TLN) có chỉ định bít TLN bằng dụng cụ qua da tại Viện Tim mạch Việt Nam-Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, từ tháng 11 năm 2020 đến tháng 11 năm 2021.

Người bệnh TLN có chỉ định bít TLN bằng dụng cụ qua da tại Viện Tim mạch Việt Nam - Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, từ tháng 11 năm 2020 đến tháng 11 năm 2021. Nghiên cứu mô tả tiến cứu, theo dõi dọc theo thời gian.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, phần lớn người bệnh có kết quả lâm sàng tốt sau 1 tháng ra viện (65,74%). Nhóm kết quả tốt có tỷ lệ tồn tại tình trạng còn tăng ALĐMP sau can thiệp thấp hơn có ý nghĩa thống kê so với nhóm kết quả chưa tốt. Nhóm kết quả tốt có tỷ lệ bệnh nhân thiếu máu thấp hơn có ý nghĩa thống kê so với nhóm kết quả chưa tốt. Nhóm kết quả tốt có tỷ lệ xảy ra biến chứng sau thủ thuật thấp hơn có ý nghĩa thống kê so với nhóm kết quả chưa tốt. Sự khác biệt về tỷ lệ đạt đủ 5 bước thực hiện y lệnh thuốc và tỷ lệ đạt yêu cầu giáo dục sức khỏe giữa 2 nhóm kết quả tốt và chưa tốt là có ý nghĩa thống kê. (p<0,05). Có 3 yếu tố: ALĐMP sau CT vẫn tăng (≥35 mmHg); thiếu máu; có biến chứng sau thủ thuật là liên quan độc lập tới nguy cơ xảy ra kết quả chưa tốt sau 1 tháng ra viện. Nhóm được giáo dục sức khỏe đạt yêu cầu có tỷ lệ người bệnh tuân thủ điều trị cao là tốt hơn so với nhóm không đạt yêu cầu GDSK (p<0,05).

Kết quả lâu dài của người bệnh bít TLN bằng dụng cụ qua da có liên quan với quá trình điều trị, chăm sóc tư vấn giáo dục sức khỏe của điều dưỡng.

Tạp chí Tim mạch học Quốc gia Việt Nam
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài