Ảnh hưởng của công thức dung dịch dinh dưỡng đến sinh trưởng và năng suất dưa hấu (Citrullus lanatus) trồng bằng kỹ thuật thủy canh ngâm rễ
Nghiên cứu được thực hiện nhằm xác định công thức dinh dưỡng thích hợp cho sinh trưởng và năng suất dưa hấu được trồng bằng kỹ thuật thủy canh ngâm rễ.
Ảnh minh họa
Thí nghiệm được bố trí khối hoàn toàn ngẫu nhiên với 4 nghiệm thức và 4 lần lặp lại. Bốn nghiệm thức gồm FV1, FV2, ĐHCT và đối chứng. Kết quả cho thấy kích thước lá, đường kính gốc và chiều dài rễ dưa hấu tương đương nhau. Tuy nhiên, có sự khác biệt có ý nghĩa về thành phần năng suất và năng suất, nghiệm thức FV1 và ĐHCT cho kết quả chiều cao trái, chu vi trái và khối lượng trái (tương ứng 1,47 và 1,53 kg/trái) và năng suất (tương ứng 4,49 và 4,66 tấn/1.000 m2) tương đương đối chứng. Riêng nghiệm thức FV1 cho kết quả tích luỹ nitrate trong trái dưa hấu thấp nhất. Hàm lượng nitrate trong dưa hấu trồng ở các công thức dinh dưỡng trong thí nghiệm đều thấp rất nhiều lần so với mức tối đa cho phép theo quy định.
Thủy canh là biện pháp kỹ thuật canh tác không cần đất, các dưỡng chất sẽ được cung cấp cho cây trồng qua dung dịch dinh dưỡng. Trên các loại rau ăn trái, kỹ thuật thủy canh thường được áp dụng là bán thủy canh-cây sẽ được trồng trong bầu giá thể (thường là xơ dừa), có hệ thống tưới nhỏ giọt sẽ cung cấp dinh dưỡng hằng ngày đến từng cây trồng. Thời gian gần đây, một vài cơ sở sản xuất đã thử nghiệm và ứng dụng thành công việc trồng dưa lưới thủy canh bằng kỹ thuật màng dinh dưỡng (NFT) – dưa lưới được trồng trên ống thủy canh chuyên dụng, một màng mỏng dinh dưỡng được bơm liên tục dưới đáy ống để cung cấp nước và dinh dưỡng cho cây từ lúc mới trồng đến thu hoạch. Tuy nhiên, kỹ thuật này đòi hỏi phải có nguồn điện năng ổn định để vận hành hệ thống bơm một cách liên tục và đây là một hạn chế lớn của kỹ thuật thủy canh NFT khi tình hình mất điện thỉnh thoảng vẫn diễn ra ở nước ta. Với kỹ thuật trồng thủy canh bằng hình thức ngâm rễ, người trồng chỉ cần có thùng chứa dinh dưỡng để trồng cây (thùng xốp hoặc thùng nhựa chuyên dụng), rọ trồng cây, một lượng nhỏ giá thể xơ dừa và dung dịch dinh dưỡng phù hợp là có thể tự trồng rau tại nhà mà không cần phụ thuộc vào nguồn năng lượng điện để vận hành.
Dưa hấu (Citrullus lanatus) là loại rau ăn trái khá phổ biến ởViệt Nam, được trồng ở nhiều vùng miền trong cả nước. Canh tác dưa hấu ngoài đồng ruộng theo truyền thống vẫn là hình thức chủ yếu hiện nay. Theo Christy et al.(2018), với những trởngại từ đất đai trong sản xuất nông nghiệp thì cần có những phương pháp trồngthay thế, một trong những kỹ thuật đó là sử dụng hệ thống thủy canh. Vấn đề kiểm soát nước và chất dinh dưỡng cũng đạt được những hiệu quả đáng kể thông qua việc phát triển các hệ thống thủy canh (Fatahian et al.,2012). Ở Indonesia, việc áp dụng phương pháp thủy canh để trồng dưa hấu nhằm tăng năng suất và chất lượng cũng đã được nghiên cứu (Frasetya et al.,2018). Bên cạnh đó, với việc áp dụng kỹ thuật thủy canh trên dưa hấu, có thể giúp thay đổi kỹ thuật trồng trọt. Cụ thể thân dưa hấu được cho leo thẳng đứng lên dây treo thay cho việc bò trên mặt liếp như truyền thống. Sự thay đổi này có thể giúp bộ lá thông thoáng, cây quang hợp tốt hơn, hạn chế sâu bệnh hại và đặc biệt là có thể gia tăng mật độ trồng. Một trong những yếu tố quan trọng quyết định đến sự thành công của phương pháp này là dung dịch dinh dưỡng. Mỗi đối tượng cây trồng sẽ có nhu cầu khác nhau về chế độ dinh dưỡng.Trên thị trường cũng có khá nhiều sản phẩm dinh dưỡng thủy canh chuyên dụng cho rau ăn trái được thương mại. Tuy nhiên, vẫn chưa nhiều công bố khoa học liên quan đến các nghiên cứu về dinh dưỡng thủy canh phù hợp cho từng loại rau ăn trái nói chung và dưa hấu nói riêng. Chính vì thế, nghiên cứu được thực hiện nhằm xác định công thức dung dịch dinh dưỡng phù hợp cho sinh trưởng và năng suất dưa hấu trồng thủy canh bằng hình thức ngâm rễ.
Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, Tập 58,Số 6B (2022):126-133