SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Khảo sát các yếu tố ảnh hưởng đến nồng độ ADN trong quy trình ly trích ADN từ tổ yến

[21/03/2023 09:04]

Nghiên cứu do nhóm tác giả Nguyễn Lê Trâm Anh – Chi cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cần Thơ, Trần Gia Huy, Nguyễn Phạm Anh và Đỗ Tấn Khang - Viện Nghiên cứu Phát triển Công nghệ Sinh học, Trường Đại học Cần Thơ thực hiện nhằm tìm ra lượng mẫu, nồng độ SDS, thời gian ủ, hóa chất tủa và nồng độ hóa chất ly giải tối ưu để thu được hàm lượng ADN cao nhất.

Ảnh minh họa

Tổ yến ăn được còn được gọi là cubilose, là một sản phẩm thực phẩm tự nhiên quý và đắt tiền, có giá trị y học tiềm năng khác nhau (Lv et al., 2021; Quek et al., 2021). Tổ yến ăn được chủ yếu bao gồm nước bọt tiết ra từ chim yến của một số loài thuộc chi Aerodramus trong họ Apodidae (Lee et al., 2019), chẳng hạn như Aerodramus fuciphagus và Aerodramus maximus phổ biến ở các nước Đông Nam Á (Guo et al., 2014; Lee et al., 2019; Quek et al., 2021). Trong số đó, A. fuciphagus là một trong những loài chủ yếu được sử dụng làm nguồn tổ yến thô và các sản phẩm chế biến từ tổ yến (Lee et al., 2019). Tổ yến có thể chia làm 3 loại dựa vào màu sắc: trắng, vàng và đỏ, màu sắc khác nhau có thể do sự khác biệt về thành phần dinh dưỡng và khoáng chất. Tổ yến được báo cáo chứa nhiều glycoprotein như sialylglycoconjugates hoặc chondroitin glycosaminoglycans nonsulfated và yếu tố tương tự yếu tố tăng trưởng biểu bì (Lee et al., 2019). Các thành phần hoạt tính sinh học khác, bao gồm axit salicylic, axit amin, axit béo, glucosamine, khoáng chất và lactoferrin, cũng đã được tìm thấy bằng phân tích hóa học (Lee et al., 2019). Các thành phần trong tổ yến được báo cáo có nhiều hoạt tính sinh học giúp nâng cao sức khỏe con người, kháng virus, tăng cường miễn dịch, chức năng sinh lý bảo vệ sụn khớp, chống viêm, chống lão hóa, tăng cường sự tái tạo của biểu bì,… (Guo et al., 2014; Lee et al., 2019).

Mẫu tổ yến gồm tinh chế và chưa qua sơ chế sẽ được thu mua từ các nhà yến ở thành phố Cần ơ, tỉnh Sóc Trăng và tỉnh Kiên Giang tại thời điểm thu hoạch. Tổ yến được xay nhuyễn, trộn đều và lọc qua rây với kích thước lỗ rây 1 mm để thu được bột yến tinh sạch với lượng tối ưu. Mẫu được bảo quản ở nhiệt độ 4o C cho đến khi được ly trích. Hóa chất sử dụng trích ADN (Merck): sodium dedocyl sulfate (SDS), Tris-HCl, ethylenediaminetetraacetic acid (EDTA), dithiothreitol (DTT), NaCl, isopropanol, ethanol, chloroform, isoamylalcohol, proteinase K.

Quy trình được thực hiện theo mô tả của Lin và cộng tác viên (2010). Lấy 1/3 tổ yến cắt nhỏ và giã nhuyễn, cân 25 mg mẫu tổ yến cho vào tuýp chứa 1,2 mL dung dịch trích (thành phần gồm SDS 1%, 50 mM Tris-HCl pH 8,0, 10 mM EDTA pH 8,0, 0,04 M DTT, 200 mg/L proteinase K, 2 M NaCl). Hỗn hợp được lắc bằng máy vortex và ủ ở 65°C trong 1 giờ. Sau đó dung dịch được ly tâm với tốc độ 13.000 vòng/phút trong 5 phút. Phần dung dịch (1 mL) được chuyển sáng tuýp mới có chứa hỗn hợp chloroform/isoamyl alcohol (24:1) và đảo đều. Hỗn hợp sau đó được ly tâm tách lớp. Phần dung dịch phía trên (500 µL) được chuyển qua tuýp khác có chứa 50 µL hỗn hợp CTAB/NaCl 10%/0,7 M và ủ ở nhiệt độ phòng trong 15 phút, sau đó dung dịch chloroform/isoamylalcohol được thêm vào 500 µL. Hỗn hợp được ly tâm và khoảng 400 µL phần trên được chuyển qua tube mới. Một lượng tương đương isopropanol được thêm vào và ly tâm để thu ADN tủa. Phần tủa chứa ADN được rửa với 1 mL ethanol 70% và ly tâm với tốc độ 13.000 vòng/phút trong 5 phút. Phần ethanol được loại bỏ bằng micropipette và được làm khô bằng máy ly tâm chân không. Khoảng 100 µL nước cất khử trùng được thêm vào để hòa tan ADN.

Tách chiết axit nucleic dựa trên cột lọc là một phương pháp chiết pha rắn nhanh chóng, hiệu quả. Phần lớn các bộ kit ly trích tay thương mại hiện nay đều dùng phương pháp ly trích cột lọc. Phương pháp này dựa trên nguyên lý là axit nucleic sẽ liên kết với pha rắn của silica. Trong các điều kiện môi trường đệm khác nhau, màng lọc silica giữ lại ADN/ARN, các thành phần không mong muốn được loại bỏ bằng lực quay ly tâm (Gülçin et al., 2018).

Sau khi ly tâm với chloroform:isomaly alcohol (24:1), 400 µL ở pha phía trên được chuyển sang cột lọc. ADN trong dung dịch được kết tủa bằng cồn và ly tâm 12.000 vòng/phút trong 10 phút. Dung dịch ly giải Tris-HCl được bổ sung và tiếp tục ly tâm với tốc độ 12.000/phút trong 5 phút. Phần dịch ADN sau khi được rửa giải qua màng lọc được thu nhận trong tube 1,5 mL. Hai nhân tố được khảo sát bao gồm nồng độ và pH hóa chất giải ly Tris-HCl với 3 nồng độ (2,5; 5,0 và 10 mM) và 3 mức pH (8,0; 8,5 và 9,0). Mỗi nghiệm thức được lặp lại 3 lần.

Các số liệu thống kê được phân tích ANOVA và Turkey’s test sử dụng phần mềm Minitab 16.0 để so sánh khác biệt trung bình giữa các nghiệm thức với độ tin cậy 95%.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, khi tăng lượng mẫu tổ yến sẽ giảm hiệu quả ly trích ADN, lượng mẫu thích hợp cho ly trích là 25 mg. Hàm lượng SDS 0,5% là phù hợp cho quy trình ly trích ADN từ tổ yến. Sử dụng isopropanol và ủ mẫu ở thời gian 60 phút là nghiệm thức tốt nhất để thu nhận ADN từ mẫu tổ yến. Nồng độ hóa chất ly giải Tris-HCl 2,5 mM và pH 8 là phù hợp và có lợi về kinh tế cho quy trình ly trích ADN từ tổ yến.

Tạp chí Khoa học và Công nghệ Nông nghiệp, số 08(141)/2022
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài