SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Nghiên cứu nhân nhanh in vitro giống huệ mưa Yanti Chandra (Zephyranthes sp.)

[21/03/2023 09:42]

Nghiên cứu do tác giả Phùng Thị Thu Hà - Học viện Nông nghiệp Việt Nam thực hiện nhằm xác định chế độ khử trùng, môi trường nhân nhanh và tạo cây hoàn chỉnh thích hợp góp phần hoàn thiện qui trình nhân giống in vitro giống Huệ mưa Yanti chandra cánh kép, màu cam sọc trắng với hương thơm dịu.

Ảnh minh họa

Huệ mưa hay còn gọi là Tóc tiên, Cỏ tiên, Phong huệ,... chủ yếu gồm các loài thuộc chi Zephyranthes của họ Náng (Amaryllidaceae), một trong 20 họ được sử dụng làm hoa cảnh phổ biến trên thế giới (Katoch and Singh, 2015). Huệ mưa thuộc nhóm cây thảo, có thân hành, sống lâu năm, chiều cao từ 10 - 30 cm, lá mảnh mai, thanh tú và xanh bóng quanh năm, hoa đa dạng về màu sắc, hình dạng và số lượng cánh. Huệ mưa rất sai hoa, thường nở vào cuối Hè cho đến hết u, sau những trận mưa to nên có tên thường gọi là Huệ mưa. Ngoài mục đích trồng làm cảnh, từ lâu cây Huệ mưa còn được sử dụng làm thuốc, điều trị từ các bệnh thông thường như đau đầu, cảm, ho đến các bệnh phức tạp như ung thư vú, tiểu đường, thấp khớp, lao phổi (Phạm Hoàng Hộ, 2000; Ricardo et al., 2011; Sindiri et al., 2013; Katoch and Sigh, 2015). Huệ mưa có nguồn gốc từ những khu vực ấm áp trên thế giới như châu Phi, châu Mỹ. Ở châu Á có khoảng 90 loài Huệ mưa (WCSP, 2011). Theo ghi nhận của Phạm Hoàng Hộ (2000) thì ở Việt Nam, hoa Huệ mưa bản địa có 2 màu là vàng và hồng. Nhu cầu chơi hoa Huệ mưa của người dân ngày càng tăng nhưng nguồn giống tự cung trong nước lại hạn hẹp, chủ yếu phải nhập ngoại. Vì vậy, việc nhân giống các loại hoa cây cảnh nói chung và Huệ mưa nói riêng là nhu cầu thiết thực và cấp thiết. Trong các phương pháp nhân giống vô tính thì nuôi cấy in vitro là phương pháp dựa trên khả năng phân hóa và phản phân hóa của tế bào thực vật (Phạm Văn Duệ, 2005), là phương pháp có nhiều ưu điểm vượt trội và từ lâu đã được ứng dụng trong nhân nhanh nhiều loại giống cây trồng.

Củ Huệ mưa giống Yanti chandra được cung cấp bởi Bộ môn ực vật, Khoa Nông học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Vật liệu khác: Môi trường MS (Murashige and Skoog, 1962), agar, sucrose, viên khử trùng Presept, HgCl2 , BA, IAA, Kinetin…

Thí nghiệm nhân giống in vitro được bố trí hoàn toàn ngẫu nhiên (CRD) với 3 lần lặp lại, mỗi lần lặp lại 30 mẫu. Môi trường nuôi cấy là MS có bổ sung 30g/L sucrose, 7 g/L agar và các chất kích thích sinh trưởng tùy thí nghiệm (Môi trường nuôi đối chứng không bổ sung chất kích thích sinh trưởng), pH = 5,8, hấp khử trùng ở 121o C, áp suất 1,1 atm trong 20 phút. Các mẫu được nuôi dưới ánh đèn neon với cường độ 2000 lux, chu kỳ 10 h sáng/14 h tối, nhiệt độ phòng 25 ± 2o C, độ ẩm 75 - 80%.

Mẫu củ Huệ mưa Yanti chandra được rửa sạch dưới vòi nước chảy mạnh, sau đó ngâm trong cồn 700 trong 1 phút rồi tráng bằng nước cất vô trùng 2 lần, mỗi lần trong 1 phút. Tiếp đó mẫu được khử trùng kép bằng Presept 0,5% trong 30 phút + HgCl2 0,1% trong 2 phút (CT1) hoặc riêng rẽ bằng Presept 0,5% trong 30 phút (CT2) hoặc HgCl2 0,1% trong 2 phút (CT3). Sau đó, mẫu được tráng lại bằng nước cất vô trùng 4 - 5 lần rồi chẻ dọc củ thành 6 mảnh, mỗi mảnh gồm cả vảy và đế củ, các mảnh củ được cấy vào môi trường MS đặc + 1,0 mg/L BAP để tái sinh chồi.

Chồi tái sinh từ củ ban đầu có đường kính củ từ 0,5 - 0,7 cm được chẻ đôi và cấy vào môi trường nhân nhanh MS đặc bổ sung BA hoặc Kinetin nồng độ 0,5; 1,0; 1,5 và 2 mg/L, hoặc kết hợp BA và Kinetin.

Mẫu chồi Huệ mưa tái sinh có đường kính từ 0,5 - 0,7 cm được cấy trên môi trường tạo cây hoàn chỉnh MS đặc bổ sung IAA nồng độ 0,1; 0,3; 0,5 và 1,0 mg/L. Các thí nghiệm nhân chồi được thống kê sau 30 ngày nuôi cấy, thí nghiệm tạo cây hoàn chỉnh được thống kê sau 10 ngày nuôi cấy.

Các chỉ tiêu theo dõi: Tỷ lệ mẫu sạch (%) = (số mẫu sạch × 100)/tổng số mẫu; tỷ lệ mẫu sạch tái sinh chồi (%) = (số mẫu sạch tái sinh chồi × 100)/ tổng số mẫu; hệ số nhân chồi (chồi/mẫu) = tổng số chồi tạo thành/tổng số mẫu. Chiều cao chồi (cm): đo từ gốc đến ngọn chồi; tỷ lệ chồi tạo rễ (%) = (số chồi tạo rễ × 100)/tổng số chồi; số rễ (rễ/chồi) = tổng số rễ/tổng số chồi, chiều dài rễ (cm): đo từ gốc đến chóp rễ. Các số liệu được phân tích thống kê bằng phần mềm IRRISTAT 5.0.

Nghiên cứu được thực hiện từ tháng 01/2021 đến tháng 12/2021 tại phòng thí nghiệm Công nghệ tế bào ực vật, Bộ môn thực vật, Khoa Nông học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, khử trùng kép củ Huệ mưa để tạo nguồn vật liệu khởi đầu bằng Presept 0,5% trong 30 phút kết hợp với HgCl2 0,1% trong 2 phút cho hiệu quả cao nhất, với tỷ lệ mẫu sạch là 66,67% và tỷ lệ mẫu sạch tái sinh chồi đạt 55,56 %, các chồi đều mập, khỏe. Môi trường thích hợp cho giai đoạn nhân nhanh chồi là MS + 1 mg/L BAP + 0,5 mg/L Kinetin, với hệ số nhân chồi đạt 4,8 chồi/mẫu, chiều cao chồi đạt 1,69 cm sau 30 ngày nuôi cấy. Môi trường thích hợp để tạo cây hoàn chỉnh là MS + 0,5 mg/L IAA với tỷ lệ 100% chồi tạo rễ, số rễ đạt 4,7 rễ/cây, chiều dài rễ đạt 1,48 cm sau 10 ngày nuôi cấy.

Tạp chí Khoa học và Công nghệ Nông nghiệp Việt Nam, số 08(141)/2022
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài