SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Hiệu quả của dịch chiết bã hạt cây sở (Camellia oleifera) và tinh dầu cây dầu giun (Chenopodium ambrosioidesl.), cây nghể răm (Polygonum hydropiperl.) trong phòng trừ rầy mềm (Aphis gossypii) gây hại cây chanh dây (Passiflora edulis)

[27/03/2023 14:38]

Nghiên cứu do nhóm tác giả Nguyễn Thị Liên, Trương Minh Ngọc, Đỗ Thị Mai Trinh, Hồ Thị Nguyệt và Lê Thị Huyền - Chi nhánh Viện Ứng dụng Công nghệ tại Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện.

Ảnh minh họa

Bài viết trình bày các kết quả thực nghiệm về hiệu lực phòng trừ rầy mềm của một số dịch chiết có nguồn gốc từ thảo mộc. Độc tính của cây sở (Camellia oleifera) (sử dụng phương pháp ethanol), cây dầu giun (Chenopodium ambrosioides L.) và cây nghể răm (Polygonum hydropiper L.) (sử dụng phương pháp nước) lên rầy mềm trong điều kiện phòng thí nghiệm và nhà màng đã được đánh giá.

Thông qua hiệu quả diệt rầy mềm của dịch chiết bã hạt cây sở ở nồng độ 20% đạt hiệu quả tốt nhất (75,25% đối với rầy mềm sau 96 giờ phun), tinh dầu giun đạt hiệu quả tốt nhất (76,67% đối với rầy mềm ở nồng độ 0,20%) và tinh dầu nghể răm đạt hiệu quả tốt nhất (64,25 đối với rầy mềm ở nồng độ 0,25%). LC50 cuả tinh dầu giun, tinh dầu nghể răm, dịch chiết bã hạt sở lần lượt là 0,06%; 0,11%; 5,24 %. Hỗn hợp dịch chiết phối trộn nồng độ tinh dầu giun 0,4% và nồng độ dịch chiết bã hạt sở 20% đạt hiệu quả tốt nhất là 97,33% đối với rầy mềm ở 96 giờ sau khi xử lý. Hiệu lực tiêu diệt rầy mềm trên cây chanh dây của chế phẩm sinh học được đánh giá thông qua thực nghiệm trong điều kiện nhà màng, ở nồng độ 250 mL/L có hiệu quả cao trong việc phòng trừ rầy mềm.

Chanh dây hay chanh leo (Passiflora edulis) thuộc họ Passifloraceae, là loại cây trồng quan trọng, được trồng phổ biến trên thế giới. Ở Việt Nam, trồng cây chanh dây nếu thuận lợi có thể đạt lợi nhuận từ 500 đến 700 triệu đồng/ha/năm. Theo Cục Trồng trọt thống kê năm 2021, đến năm 2019 thì tổng diện tích trồng chanh dây khoảng trên 10.500 ha, chủ yếu ở các tỉnh Tây Nguyên như Gia Lai, Đắk Nông và Đắk Lắc. Tuy nhiên, trồng chanh dây còn gặp nhiều khó khăn do côn trùng gây hại như rệp sáp, bọ xít muỗi, bọ trĩ, ruồi đục quả, bọ phấn,…và đặc biệt là rầy mềm, đây là những côn trùng gây hại chính ảnh hưởng đến năng suất chanh dây. Tác hại của côn trùng ngoài việc chích hút làm suy kiệt cây còn là vector truyền bệnh virus gây ảnh hưởng đến chất lượng trái và sự phát triển của chanh dây (Carletto et al., 2009). Rầy mềm (Aphis gossypii) là đối tượng khó phòng trị, người dân lại lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học trong quản lý rầy mềm không những gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người mà còn làm gia tăng rầy mềm hại kháng thuốc, mất cân bằng hệ sinh thái nông nghiệp và khả năng kháng thuốc hóa học rất cao. Do đó, tiềm năng nghiên cứu và ứng dụng thuốc phòng trừ sinh học có nguồn gốc từ những nguồn thảo mộc ở Việt Nam là rất lớn. Cây sở (Camellia oleifera) là loài cây thuộc họ trà được trồng chủ yếu tại Trung Quốc và Việt Nam. Dung dịch chứa 25% saponin có hoạt tính từ cây sở có thể gia tăng khả năng tiêu diệt ấu trùng của bướm bắp cải (Pieris rapae L.) đạt 84% (Chen et al., 1996). Hạt cây sở có chứa nhiều các hợp chất thuộc nhóm saponin như triterpenoid có tác dụng kháng nấm, kháng khuẩn và côn trùng (Kijprayoon, 2014; Jiang et al., 2018;). Theo Cui et al. (2019), dịch chiết từ cây sở có tác dụng diệt trừ côn trùng mạnh như ấu trùng bướm đêm, rệp, rầy mềm. Cây dầu giun có tên khoa học là Chenopodium ambrosioides L. thuộc họ Chenopodiaceae, có hàm lượng tinh dầu cao (0,35% trong thân và 0,5-0,6% trong hạt) và có nhiều ứng dụng trong y dược (Đệ, 1960). Cây nghể răm có tên khoa học là Polygonum hydropiper L. hay Polygonum flaccidum Meissn thuộc họ rau răm Polygonaceae từ lâu đã được sử dụng như một loài dược liệu trên thế giới. Theo nghiên cứu của Maheswaran et al. (2013), tinh dầu nghể răm ở nồng độ 10 ppm có hiệu lực tiêu diệt muỗi Anopheles stephensi đạt 86,4%. Nghể răm chứa nhiều chất có hoạt tính dược liệu khác nhau như các chất thuộc nhóm glycoside, flavonoids, terpenoids, alkane, alcohol, aldehyde, ketone, ester và acid (Ullah et al., 2019). Bên cạnh, tác dụng làm cây gia vị thì nó còn là một trong những cây dược liệu có thể trị được nhiều bệnh và đồng thời cũng có tiềm năng lớn trong sản xuất thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Nghiên cứu về “Hiệu quả của dịch chiết bã hạt cây sở (Camellia oleifera) và tinh dầu cây dầu giun (Chenopodium ambrosioides L.), cây nghể răm (Polygonum hydropiper L.) trong phòng trừ rầy mềm (Aphis gossypii) gây hại cây chanh dây (Passiflora edulis)” đã được chọn nghiên cứu.

Kết quả nghiên cứu ban đầu đã chứng tỏ vai trò phòng trừ sinh học từ các loại dịch chiết đến rầy mềm với hiệu lực tiêu diệt của tinh dầu giun đạt tốt nhất (76,7%) ở nồng độ 0,2%, tiếp đến là dịch chiết bã hạt sở (75,3%) ở nồng độ 20%, cuối cùng là tinh dầu nghể răm (64,3%) ở nồng độ 0,25%. Hiệu quả tiêu diệt rầy mềm của các chế phẩm phối trộn giữa 2 nồng độ tinh dầu giun và 1 nồng độ dịch chiết bã hạt sở đạt hiệu quả tốt nhất là 97,3%. Hiệu quả tiêu diệt rầy mềm trên cây chanh dây của chế phẩm sinh học trong điều kiện nhà màng đạt hiệu quả tốt nhất ở nồng độ 250 ml/l là 89,2% sau 96 giờ phun. do đó, để có thể ứng dụng sản phẩm, nghiên cứu và đánh giá hiệu lực tiêu diệt rầy mềm (aphis gossypii) của chế phẩm trên cây chanh dây ngoài đồng ruộng cần được thực hiện.

Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, Tập 58, Số 6B (2022):140-149
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài