Mỗi người đều có sự tò mò và khát khao hiểu biết về thế giới xung quanh. Đây là động lực giúp chúng ta phát triển và thành công, nhưng nó cũng có thể gây nguy hiểm nếu chúng ta không cẩn thận, đôi khi dẫn đến những sai lầm và thất bại.
Vậy tại sao con người luôn cảm thấy tò mò và muốn biết những điều mới lạ trong suốt cuộc đời?
Trí tò mò đã ăn sâu vào tiềm thức, nó giúp chúng ta học hỏi lúc còn bé và tồn tại khi trưởng thành. Tuy nhiên, không có một định nghĩa chung nào về sự “tò mò” được chấp nhận rộng rãi, bởi vì các nhà nghiên cứu ở nhiều lĩnh vực khác nhau tiếp cận vấn đề này với từng góc nhìn riêng biệt.
William James, một trong những nhà tâm lý học hiện đại đầu tiên, gọi đó là “sự thôi thúc hướng tới nhận thức tốt hơn”. Sau nhiều lần thí nghiệm trên động vật, Ivan Pavlov – người tìm ra định luật phản xạ có điều kiện – nhận thấy những con chó tò mò về các kích thích mới lạ thông qua phản xạ muốn tìm hiểu “nó là gì?”, khiến chúng tập trung một cách tự nhiên vào một điều gì đó mới xuất hiện trong môi trường.
“Mặc dù định nghĩa chính xác về sự tò mò rất khó để xác định, nhưng nhìn chung đây là một trong những phương tiện giúp con người thu thập thông tin”, Kinda Twomey, giảng viên về phát triển ngôn ngữ và giao tiếp tại Đại học Manchester ở Vương quốc Anh, nhận định.
Các nhà tâm lý học cũng thừa nhận rằng tính tò mò không phải dùng để đáp ứng nhu cầu ngay lập tức của con người, chẳng hạn như cảm giác đói hoặc khát. Thay vào đó, nó là động lực thúc đẩy từ bên trong.
Sự tò mò bao gồm một tập hợp lớn các hành vi, có lẽ không có bất kỳ “gene tò mò” đơn lẻ nào khiến con người luôn muốn tìm hiểu về thế giới và khám phá môi trường sống xung quanh. Thay vào đó, nhiều gene khác nhau đã tương tác với môi trường theo những cách phức tạp để định hình tính cách của mỗi cá nhân và hành vi của họ, bao gồm cả sự tò mò.
Trong bài báo được công bố trên tạp chí Proceedings of the Royal Society B, Biological Science vào năm 2007, các nhà khoa học tại Viện Điểu học Max Planck (Đức) đã tìm thấy bằng chứng về mối liên hệ giữa các biến thể gene và bản tính tò mò của loài chim bạc má lớn (Parus major). Cụ thể, họ phát hiện những con chim chứa đột biến gene DRD4 quan tâm nhiều hơn đến việc khám phá môi trường sống của chúng. Ở người, sự thay đổi của gene DRD4 khiến một số người khao khát phiêu lưu, mạo hiểm và thích tìm kiếm những điều mới lạ hơn so với người khác.
Cho dù có thể khác nhau về đặc điểm di truyền, tất cả những đứa trẻ sơ sinh cần phải học một lượng thông tin khổng lồ trong thời gian ngắn và sự tò mò là một trong những công cụ giúp chúng hoàn thành nhiệm vụ khó khăn này.
“Nếu trẻ sơ sinh không tò mò, chúng sẽ không bao giờ học được bất cứ điều gì và sự phát triển sẽ không xảy ra”, Twomey cho biết.
Có hàng trăm nghiên cứu cho thấy trẻ sơ sinh yêu thích những thứ mới mẻ. Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science vào năm 1964, nhà tâm lý học Robert L.Fantz tại Đại học Western Reserve, Cleveland (Mỹ) phát hiện những đứa trẻ từ 2 đến 6 tháng tuổi ngày càng ít quan tâm đến một bức tranh hoặc một dạng hình học phức tạp khi chúng nhìn vào đó quá lâu. Trong một nghiên cứu khác đăng trên tạp chí Developmental Psychology vào năm 1983, các nhà khoa học đã tiến hành thí nghiệm trên những đứa trẻ lớn hơn một chút, từ 8 đến 12 tháng tuổi. Họ nhận thấy khi trẻ đã quen với đồ chơi quen thuộc, chúng sẽ thích các món đồ chơi mới hơn – một tình huống mà những người chăm sóc trẻ có thể đã biết quá rõ.
Trong ngôn ngữ khoa học, xu hướng thích tìm hiểu những điều mới lạ này còn được gọi là “sự tò mò thông qua các giác quan”. Đó là thứ thúc đẩy động vật, trẻ sơ sinh và người trưởng thành ưu tiên khám phá và tìm kiếm những điều mới, trước khi trở nên ít quan tâm hơn sau khi tiếp tục tiếp xúc với chúng.
Như các nghiên cứu đã chỉ ra, trẻ nhỏ thực hiện điều này một cách liên tục, không ngừng nghỉ. Hành động bập bẹ tập nói là một ví dụ. “Khi hầu hết trẻ sơ sinh chỉ vài tháng tuổi, chúng bắt đầu tạo ra những âm thanh nguyên âm đơn giản và lặp đi lặp lại, giống như học cách nói chuyện”, Twomeycho biết. “Cuối cùng, trẻ sẽ lựa chọn những âm thanh ngẫu nhiên mà chúng nghĩ rằng giống như tiếng nói của bố hoặc mẹ và lặp lại nhiều lần cho đến khi thành thạo”.
Không chỉ ở trẻ sơ sinh, những con quạ cũng sử dụng trí tò mò như một phương tiện học tập. Ví dụ, trong quá trình nỗ lực khám phá môi trường sống, quạ có thể học cách chế tạo những công cụ đơn giản để bắt ấu trùng ra khỏi các kẽ hở khó tiếp cận.
Tuy nhiên, có một đặc tính tò mò là đặc trưng riêng của con người. Các nhà tâm lý học gọi đó là sự “tò mò tri thức (epistemic curiosity)”, liên quan đến việc tìm kiếm những kiến thức mới và loại bỏ sự không chắc chắn.
“Sự tò mò tri thức xuất hiện muộn hơn trong đời sống và có thể đòi hỏi ngôn ngữ phức tạp”, Twomey nói.
“Hình thức tò mò này đã khiến con người – và có lẽ là tất cả các thành viên của chi Homo – tách biệt khỏi các loài động vật khác và mở đường để chúng ta sinh sống ở mọi ngóc ngách trên thế giới, phát minh ra công nghệ từ rìu cầm tay đến điện thoại thông minh”, Agustín Fuentes, giáo sư nhân chủng học tại Đại học Princeton (Mỹ), nhận định.
Nhưng sự tò mò cũng đi kèm với một cái giá phải trả. Việc con người có thể tưởng tượng ra một thứ gì đó, hoặc thử nghiệm một ý tưởng mới thì không có nghĩa là nó sẽ hoạt động, ít nhất là trong giai đoạn đầu. Trong một số tình huống, rủi ro thấp và thất bại là yếu tố có lợi cho sự phát triển. Ví dụ, nhiều em bé bò hoàn toàn thành thạo, nhưng chúng quyết định thử đi bộ vì có nhiều thứ để xem và làm hơn khi chúng đứng thẳng, theo Twomey. Nhưng cột mốc quan trọng này khiến trẻ gặp phải một số rủi ro.
Một nghiên cứu về trẻ từ 12 đến 19 tháng tuổi đang tập đi cho thấy những trẻ này bị ngã rất nhiều, khoảng 17 lần mỗi giờ. “Nhưng đi bộ nhanh hơn bò, vì vậy điều này đã thúc đẩy những đứa trẻ bò chuyên nghiệp chuyển sang đi bộ”, các nhà khoa học tại Đại học New York viết trong bài báo được công bố trên tạp chí Psychological Science vào năm 2012.
Tuy nhiên, đôi khi việc thử nghiệm một ý tưởng mới có thể dẫn đến tai họa. Ví dụ, người Inuit sống ở các vùng Bắc Cực của Greenland, Canada, Alaska, và người Sámi ở vùng Bắc Âu đã tạo ra những phương thức đáng kinh ngạc để đối phó với những thách thức khi sống ở vùng khí hậu lạnh giá. “Nhưng trước đó, hàng chục nghìn quần thể người đã thử và dần bị tàn lụi khi cố gắng sống sót trên những cảnh quan khắc nghiệt của các vùng đất này”, Fuentescho biết.
www.khoahocphattrien.vn (nhnhanh)