Mekong - Dòng sông Mẹ đã từng hấp hối
Phát triển là quá trình diễn ra liên tục không có điểm dừng; nhưng có thể kết thúc một lúc nào đó nếu quên đi yêu cầu phát triển bền vững. Câu chuyện phát triển khu vực hạ lưu sông Mekong, gồm 4 nước Việt Nam, Campuchia, Lào và Thái Lan là vấn đề sử dụng chung và chia sẻ nguồn tài nguyên nước của “dòng sông Mẹ” một cách công bằng và hợp lý.
Mekong, dòng sông Mẹ
Mekong, hệ thống sông ngòi lớn nhất Đông Nam Á, bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng và chảy qua lãnh thổ 6 nước Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Trong tiếng Lào và Thái Lan, Mekong nghĩa là “sông mẹ” vì được ví như người mẹ thiên nhiên vĩ đại cung cấp nguồn nước cho sinh hoạt, nông lâm nghiệp, thủy sản, phát triển các hệ sinh thái phong phú ở cả 6 nước.
Theo Ủy hội sông Mekong Quốc tế (Mekong River Commission - MRC), Mekong là hệ thống sông cung cấp nguồn thủy sản nước ngọt lớn nhất thế giới. Phù sa, thủy sản và nông sản (lúa gạo, trái cây, rau…) trực tiếp từ Mekong hoặc được tưới nước từ hệ thống này giúp nuôi sống ít nhất 70 triệu người trong 4 nước hạ lưu. MRC ước tính tổng giá trị thủy sản do sông Mekong mang lại cho Việt Nam, Campuchia, Lào và Thái Lan hằng năm khoảng 11 tỷ USD.
Ước tính, cả hệ thống sông Mekong có trên 1.300 loài cá sinh sống. Chế độ thủy văn theo mùa cung cấp môi trường và thức ăn cho tôm cá, gồm những loài cá khổng lồ, có con nặng vài trăm ký, như cá hô, cá tra dầu, cá đuối sông khổng lồ, loài quý hiếm (như cá heo sông Mekong), cùng các loài động vật thủy sinh phong phú.
Những năm gần đây, rất nhiều tổ chức quốc tế đã phát hiện các dấu hiệu hấp hối của Mekong vì người ta khai thác thủy điện quá kinh khủng ở Trung Quốc (gọi Mekong là Lancang tức Lan Thương) và Lào, đất nước có biệt danh là “bình ắc-quy của Đông Nam Á”. Xây dựng quá nhiều đập thủy điện trên sông Mekong cũng làm cạn kiệt nguồn thủy sản và giảm đáng kể tổng lượng phù sa của dòng sông Mẹ. Hậu quả thường thấy ở Đồng bằng Sông Cửu Long những năm gần đây là hạn hán, nước biển xâm nhập rất sâu vào đất liền và sạt lở nhiều diện tích lớn dọc bờ sông.
Cảnh một khúc sông Mekong ở Lào.
Từ nhiều chương trình và sáng kiến được thực hiện bởi MRC, các nước phát triển, các tổ chức quốc tế và các cộng đồng địa phương, hy vọng đến năm 2030, những giá trị vô cùng to lớn của “dòng sông Mẹ” sẽ được phục hồi và duy trì để Mekong sẽ không phải là một dòng sông chết.
Hiệp định phát triển chỉ trong khu vực hạ lưu sông Mekong
Như đã nói ở trên, phần sông Mekong ở Trung Quốc không mang tên này. Và Myanmar hầu như chưa quan tâm. Bốn nước còn lại (Việt Nam, Campuchia, Lào, Thái Lan) ký Hiệp định Mekong năm 1995 nhằm mục đích duy trì sự phát triển bền vững tài nguyên nước trong khu vực hạ lưu - quốc tế gọi là LMS: Lower Mekong Basin; và Ủy hội Sông Mekong Quốc tế MRC được thành lập cùng năm theo một điều khoản của Hiệp định.
Hiện nay, MRC có 2 trụ sở chính đặt tại Vientiane (thủ đô Lào) và Phnom Penh (thủ đô Campuchia). Cả hai đều đứng ngay trên bờ sông Mekong, và đảm nhận nhiều chức năng khác nhau của MRC.
Cơ hội lớn nhất cho hợp tác Mekong là sự công nhận và hỗ trợ lớn lao từ cộng đồng quốc tế dành cho những nỗ lực hợp tác bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên và môi trường của vùng hạ lưu trong nhiều năm qua. Có thể nói sự hỗ trợ to lớn của cộng đồng quốc tế cùng với sự nỗ lực của 4 nước thành viên nói trên (Trung Quốc và Myanmar chỉ là “quan sát viên”) đã giúp duy trì và phát triển cơ chế hợp tác quan trọng này của chính phủ 4 nước hạ lưu.
Tuy nhiên, hợp tác Mekong luôn đối mặt với các thách thức, chủ yếu là trong sử dụng nước sông để phục vụ cho lợi ích riêng của một nước nào đó. Và sáng kiến của MRC đưa ra là tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mekong mỗi 4 năm để cùng nhau bắt tay giải quyết các thách thức và tăng cường hợp tác.
Sông Cần Thơ (thuộc hệ thống sông Mekong) nhìn từ bến Ninh Kiều, Cần Thơ. Ảnh: Quý Thụy
Hội nghị Thượng đỉnh Mekong lần đầu tiên được tổ chức tại Hua Hin (Thái Lan) năm 2010, lần thứ hai tại TP.HCM năm 2014, lần ba tại Siem Reap (Campuchia) năm 2018 đều nhằm mục tiêu chính trên. Tuyên bố chung Hua Hin ngày 5/4//2010 viết: “Chúng tôi, các lãnh đạo của 4 Chính phủ tuyên bố rằng, dựa trên những thành tựu của 15 năm thực hiện Hiệp định Mekong, việc hợp tác chặt chẽ hơn nữa trong những năm tới giữa Chính phủ 4 nước thành viên là rất cần thiết nhằm tối ưu hoá việc sử dụng đa mục tiêu tài nguyên nước và vì lợi ích chung của tất cả các nước ven sông, để tránh mọi tác động bất lợi do tự nhiên và con người gây ra, và bảo vệ giá trị lớn lao của các hệ sinh thái tự nhiên và của cân bằng sinh thái”.
Hội nghị Thượng đỉnh Mekong lần 4
MRC Summit lần 4 sẽ diễn ra tại thủ đô Vientiane (Lào) từ ngày 2 đến 5/4/2023, là sự kiện chính trị cấp cao nhằm thảo luận và đưa ra những định hướng hợp tác chiến lược cho khu vực hạ lưu Mekong. Cũng như 3 lần trước, 4 nước Việt Nam, Campuchia, Lào, Thái Lan sẽ có Tuyên bố chung Vientiane ngày 5/4/2023.
Tại cuộc họp tại Vientiane giữa tháng 3 về công tác chuẩn bị tổ chức cho Hội nghị cấp cao này, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Lào Bounkham Vorachit cho biết Bộ đã chỉ định 9 tiểu ban phụ trách các lĩnh vực công việc cụ thể. Tuyên bố chung lần thứ 4 được dự thảo trên cơ sở kết quả các cuộc họp với 4 nước thành viên.
Được tổ chức cùng với Hội nghị lần 4 là Hội nghị quốc tế MRC. Đây là sự kiện thu hút các chuyên gia toàn cầu và khu vực trong lĩnh vực nước và các nguồn tài nguyên liên quan, năng lượng, lương thực, giao thông đường thủy xuyên biên giới, quản lý lưu vực sông, quản trị và phát triển.
www.khoahocphothong.com.vn (nhnhanh)