Các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển du lịch sinh thái đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam
Nghiên cứu do nhóm tác giả Nguyễn Ngọc Hòa, Đoàn Trung Hiếu, Lê Tấn Nghĩa, Trịnh Tiến Thành,Lê Quốc Tuấn và Nguyễn Vũ Đức Thịnh thực hiện nhằm phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển du lịch sinh thái tại đảo Thạnh An và đề xuất một số giải pháp thúc đẩy sự phát triển du lịch sinh thái bền vững tại Thạnh An.
Ảnh minh họa
Du lịch đã và đang trở thành nhu cầu không thể thiếu của con người. Bên cạnh những tác động tích cực, sự phát triển nhanh chóng của du lịch trên phạm vi toàn cầu có thể tạo ra các tác động tiêu cực đối với môi trường và văn hóa – xã hội. Trong những thập kỷ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, du lịch sinh thái như một hiện tượng và một xu thế phát triển ngày càng chiếm được sự quan tâm của nhiều người, bởi đó là loại hình du lịch thiên nhiên có trách nhiệm, hỗ trợ cho các mục tiêu bảo tồn môi trường tự nhiên, các giá trị văn hóa bản địa, phát triển cộng đồng, đồng thời đem lại những nguồn lợi kinh tế to lớn, góp phần tích cực vào sự phát triển du lịch nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội nói chung.
Đảo và quần đảo là một trong những điểm du lịch lý tưởng nhất, vì khách du lịch bị thu hút bởi vẻ đẹp tự nhiên, độc đáo và các hoạt động giải trí đa dạng có thể khai thác trên đảo. Thạnh An được công nhận là xã đảo thuộc huyện Cần Giờ, TP. Hồ Chí Minh theo Quyết định 530/QĐ-TTg ngày 01/04/2021 với tổng diện tích là 13.131,18 ha và tổng dân số là 4.098 người (CGDSO, 2020). Mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, nhưng trong năm 2021 có 1,48 triệu lượt khách du lịch đến huyện Cần Giờ với doanh thu ước tính đạt 962 tỷ đồng (CGDPC, 2021). Trong những năm gần đây, UBND huyện Cần Giờ quan tâm và đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới trên xã đảo Cần Giờ, đặc biệt đã kết nối với 02 đơn vị lữ hành (Công ty lữ hành Viettravel và Saigon Tourist) để khai thác tour du lịch trải nghiệm tại ấp Thiềng Liềng, xã Thạnh An.
Với cảnh đẹp hoang sơ, diện tích rừng ngập mặn rộng lớn (7.042,17 ha) chiếm gần 54% diện tích tự nhiên của đảo (CGDSO, 2020), nền văn hóa đặc sắc với làng nghề làm muối, nuôi hàu, . . . và nhiều đặc sản như xoài cát, khô cá dứa, Thạnh An có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái trong tương lai, đóng góp vào sự phát triển kinh tế địa phương cũng như cải thiện đời sống của người dân xã đảo. Tuy vậy, bên cạnh những tác động tích cực, việc phát triển du lịch tại Thạnh An cũng không tránh khỏi việc gây ra những tác động tiêu cực đến văn hóa – xã hội và môi trường tại đây. Thế nhưng, cho đến nay vẫn chưa có công trình nghiên cứu nào liên quan đến sự phát triển du lịch bền vững tại xã đảo Thạnh An, chính vì vậy nghiên cứu này được thực hiện nhằm phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển du lịch sinh thái tại đảo Thạnh An và đề xuất một số giải pháp thúc đẩy sự phát triển du lịch sinh thái bền vững tại Thạnh An.
Khảo sát trực tiếp khách du lịch nhằm đánh giá một cách khách quan nhất về cảm nhận trải nghiệm các dịch vụ và điều kiện tự nhiên - xã hội có ảnh hưởng đến phát triển du lịch sinh thái tại đảo Thạnh An. Khảo sát được tiến hành từ tháng 04 đến tháng 05 năm 2022 được phân thành 3 đợt lấy mẫu (đầu tháng, giữa tháng và cuối tháng). Khảo sát được thực hiện tại phòng chờ dành cho du khách đi phà từ đảo Thạnh An về đất liền, các du khách sẵn lòng tham gia đều được khảo sát cho đến khi đủ số lượng mẫu. Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, 100% khách du lịch được khảo sát là khách du lịch nội địa.
Dữ liệu sau khi được thu thập được mã hóa và phân tích bằng phần mềm SPSS 20.0. Các phương pháp được sủ dụng trong phân tích dữ liệu bao gồm: (1) phương pháp thống kê mô tả dưới dạng giá trị trung bình được dùng để đo lường mức độ phát triển bền vững du lịch sinh thái tại đảo Thạnh An thông qua đánh giá của du khách. Giá trị trung bình được đánh giá bằng thang đo Likert 5 mức độ. (2) Phương pháp đánh giá độ tin cậy của thang đo được sử dụng để đánh giá độ tin cậy của các thang đo và biến quan sát trong nghiên cứu có phù hợp hay không trước khi đưa vào phân tích nhân tố khám phá. Thang đo đảm bảo độ tin cậy khi 0,6≤Cronbach’sα≤1 (Nunnally, 1978) và biến đo lường của thang đo có hệ số tương quan biến – tổng hiệu chỉnh ≥0,3 (Nunnally & Bernstein, 1994). 3) Phương pháp phân tích nhân tố khám phá được sử dụng để xác định những nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển du lịch sinh thái tại đảo Thạnh An và biến tác động nhiều trong từng nhân tố. Để phân tích nhân tố khám phá, Kaiser (1974) cho rằng KMO≥0,9: Rất tốt; KMO≥0,8:Tốt; KMO≥0,7: Được; KMO≥0,6: Tạm được; KMO≥0,5: Xấu; và KMO < 0,5: Không thể chấp nhận được. Ngoài ra, nếu kiểm định Bartlett có giá trị Sig. > 0,05 (không có ý nghĩa thống kê) thì không nên áp dụng phân tích nhân tố. Theo Hair & ctv. (2009), các biến quan sát có hệ số tải < 0,5 thì cần loại bỏ.
Du lịch sinh thái đã trở thành một lĩnh vực phát triển chiến lược và có sức hấp dẫn cao đối với đầu tư. Đảo Thạnh An có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái, góp phần phát triển kinh tế địa phương và cải thiện đời sống của người dân xã đảo. Kết quả phân tích nhân tố khám phá cho thấy, có 6 nhân tố ảnh hưởng đến phát triển du lịch sinh thái tại đảo Thạnh An: (1) Chi phí dịch vụ, (2) Cơ sở vật chất – hạ tầng, (3) Con người, (4) An ninh trật tự, (5) Môi trường và tài nguyên thiên nhiên, và (6) Cảnh quan du lịch. Các nhà quản lý có thể dựa vào 6 nhân tố này để có chiến lược phát triển du lịch sinh thái tại đảo Thạnh An một cách bền vững, giúp Thạnh An trở thành một trong những điểm du lịch sinh thái hấp dẫn tại TP. Hồ Chí Minh.
Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển 21(5)