Nhà hóa học đoạt giải Nobel bàn về cách thu hút người trẻ làm khoa học
“Làm sao để khuyến khích, thu hút người trẻ làm khoa học?”
PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐHQG-HCM, và GSMorten Peter Meldal. Ảnh: VNU-HCM
Đó là câu hỏi mà PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM, đã đặt ra cho GS Morten Peter Meldal, ĐH Copenhagen, Đan Mạch - đồng chủ nhân Giải thưởng Nobel Hóa học năm 2022 - trong chương trình giao lưu của giáo sư với các nhà khoa học, giáo viên, sinh viên tại lễ khai mạc Hội thi Olympic Hóa học sinh viên toàn quốc, vào chiều 18/4.
Theo GS Morten Peter Meldal, câu hỏi làm sao để người trẻ chọn làm khoa học, nhất là trong sự cạnh tranh giữa khoa học cơ bản với các ngành ứng dụng khác như kinh tế, luật, bác sĩ… là vấn đề của toàn thế giới chứ không chỉ của riêng Việt Nam. Tuy nhiên, để người trẻ chọn trở thành nhà khoa học thì cần nuôi dưỡng tình yêu khoa học cho họ từ bé. Muốn thế, phải cho trẻ khám phá khoa học một cách thực sự. Người lớn cần đầu tư vào từng bài học những kiến thức khoa học đúng nghĩa, cho trẻ tự khám phá bản thân thông qua những hình ảnh sinh động - nhưng không được đi lệch bản chất khoa học. Nói cách khác, phải nói về khoa học bằng ngôn ngữ của một đứa trẻ để trẻ được nuôi dưỡng niềm đam mê khoa học.
Sau quá trình đó, khi trẻ biết đặt câu hỏi với những vấn đề xảy ra xung quanh, biết phân tích để đưa ra cách giải thích, giải quyết vấn đề, trẻ sẽ yêu thích khoa học. Với những trẻ đã lớn, phải trao cho chúng thử thách để chúng có cơ hội khám phá bản thân, vượt qua rào cản, từ đó trẻ sẽ đam mê, thấy được ý nghĩa của khoa học để tìm đến khoa học.
Bên cạnh đó, chia sẻ bài học từ Đan Mạch về tự do trong nghiên cứu khoa học, GS Meldal cho biết ở đất nước của ông, có rất nhiều quỹ tư nhân do các tập đoàn, doanh nghiệp đầu tư với kinh phí rất lớn. “Điểm đặc biệt của quỹ này là không phải cứ tập đoàn công nghiệp thì mặc định tài trợ cho nghiên cứu ứng dụng, mà họ còn đầu tư cho nghiên cứu cơ bản, nên mảnh đất để các nhà khoa học nghiên cứu là rất lớn, không bị nhiều rào cản”. Ngay cả quỹ nghiên cứu quốc gia của Đan Mạch cũng bỏ dần sự ràng buộc đối với nhà khoa học, vì vậy họ được tự do nghiên cứu, đồng thời nghiên cứu cơ bản rất được coi trọng.
Ông cũng lưu ý, khi thành lập các quỹ này, cần có tiêu chí rõ ràng. Quỹ nào cho nghiên cứu cơ bản thì chỉ phục vụ cho nghiên cứu cơ bản, quỹ nào cho nghiên cứu ứng dụng thì chỉ nghiên cứu ứng dụng. Phải tách bạch, rõ ràng, không được bắt nhà khoa học nghiên cứu cơ bản phải cho ra ứng dụng, như vậy việc nghiên cứu khoa học cơ bản mới đúng ý nghĩa và các nhà khoa học đi được sâu vấn đề để phát triển. “Và một khi nghiên cứu cơ bản đã phát triển rồi thì nó mang lại giá trị rất to lớn, có khả năng ứng dụng rộng rãi cho rất nhiều lĩnh vực”, ông nói.
GS Morten P. Meldal giảng bài về những tiến bộ và tầm quan trọng của “Hóa học Click"trong lễ khai mạc Hội thi Olympic Hóa học sinh viên toàn quốc, diễn ra tạiTrường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG-HCM. Ảnh: VNU-HCM
Bên cạnh chương trình giao lưu, GS Morten P. Meldal còn giảng bài về những tiến bộ và tầm quan trọng của “Hóa học Click”. Đây là một phần trong chuyến thăm và làm việc của ông tại Việt Nam.
Sau bài giảng tại ĐH Quốc gia TPHCM, ông sẽ đến giảng bài cho giảng viên, nhà nghiên cứu và sinh viên trong cũng như ngoài trường USTH vào hồi 15h00 – 17h30 ngày 20/4 tại Hội trường tầng 8 của trường ở 18 Hoàng Quốc Việt.
GS Morten Peter Meldal sinh năm 1954 tại Đan Mạch.Giải thưởng Nobel Hóa học 2022 vinh danh ông cùng hai nhà khoa học là GS Karl Barry Sharpless (Viện nghiên cứu Scripps) và GS Carolyn Ruth Bertozzi - ĐH Stanford do các đóng góp đặt nền tảng cho “sự phát triển của hóa học Click và hóa học Sinh trực giao”.
www.khoahocphattrien.vn (nhnhanh)