SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Đánh giá một số tổ hợp lai ớt cay chỉ địa

[20/04/2023 15:18]

Nghiên cứu do nhóm tác giả Nguyễn Phương Tùng, Lê Tất Khang, Lê Tất Khương, Lê Anh Phương, Nguyen Văn Lam, Nguyễn Ngọc Qúy - Viện Cây ăn quả miền Nam thực hiện nhằm tạo được tổ hợp lai mới năng suất cao, có khả năng chống chịu bệnh thán thư, dạng quả đẹp, thịt quả chắc, dày và vị cay.

Cây ớt cay (Capsicum annuum L.) hiện là loại cây trồng có giá trị kinh tế cao trong nền nông nghiệp nước ta, với diện tích canh tác năm 2020 là 64.125 ha (FAOSTAT, 2020). Sản phẩm ớt cay được xuất khẩu mạnh nên diện tích trồng nhiều, hình thành nhiều vùng chuyên canh với quy mô tập trung hàng trăm đến hàng ngàn ha, cung cấp cho thị trường xuất khẩu một lượng hàng hóa lớn. Có 2 loại ớt cay được trồng ở nước ta là ớt chỉ thiên và ớt chỉ địa. Ớt chỉ thiên được trồng nhiều hơn do nhu cầu xuất khẩu cao hơn. Ớt chỉ địa mặc dù có diện tích trồng ít hơn do phần lớn sản phẩm chỉ tiêu thụ trong nước nhưng hiệu quả kinh tế đem lại cũng rất cao. Hầu hết các diện tích trồng ớt hiện nay đều sử dụng giống lai F1 nên việc phát triển các giống lai trên ớt luôn là cần thiết và thường xuyên. Để tạo giống ưu thế lai F1 cần có các dòng thuần, thực hiện phép lai đỉnh để thử khả năng kết hợp chung và sau đó sử dụng phép lai luân giao để thử khả năng kết hợp riêng và chọn ra các tổ hợp lai tốt nhất. Các nhà chọn giống trong nước đã ứng dụng thành công phương pháp này và đã tạo được một số giống ớt chỉ địa lai F1 cung cấp cho sản xuất, điển hình như giống GL1-10 có năng suất 27 - 30 tấn/ha, chống chịu được bệnh thối quả sinh lý, được công nhận là giống sản xuất thử năm 2016; giống LĐ3 có năng suất 45 - 50 tấn/ha, chống chịu tốt với bệnh do virus, quả to, vị cay vừa thích hợp cho chế biến, được công nhận đưa vào sản xuất thử năm 2010; giống LĐ16 cho thu quả sớm, quả đẹp, vị cay, năng suất 22 tấn/ha, được công nhận đưa vào sản xuất thử năm 2017.

Vật liệu bao gồm một số dòng ớt chỉ địa thuần: 66 dòng được sử dụng như nguồn vật liệu ban đầu, 20 dòng được đánh giá khả năng kết hợp chung, dòng CĐ64 dùng làm vật liệu thử, 8 dòng làm dòng bố mẹ; cùng một số giống ớt chỉ địa F1 thương phẩm làm đối chứng.

Thí ngiệm khảo sát kiểu hình 66 dòng ớt chỉ địa được bố trí ngẫu nhiên 2 lần lặp lại, mỗi ô trồng 20 cây, mật độ 25.000 cây/ha. Các chỉ tiêu theo dõi: Sự sinh trưởng phát triển, khả năng chống chịu bệnh, đặc điểm quả, năng suất và thành phần năng suất. Phương pháp đánh giá các chỉ tiêu: Dựa theo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về Khảo nghiệm giá trị canh tác và giá trị sử dụng của giống ớt (QCVN 01-64:2011/BNNPTNT). Đánh giá mức độ nhiễm bệnh cháy lá (Choanephora cucurbitarum) và bệnh đốm lá (Cercospora capsici) theo phương pháp điều tra phát hiện dịch hại cây trồng của Cục Bảo vệ ực vật, cụ thể có 5 cấp bệnh (1, 3, 5, 7 và 9) tương ứng với tỷ lệ diện tích lá bị hại (< 1%, 1 đến 5%, > 5 đến 25%, >25 đến 50% và > 50%). Kết thúc khảo sát chọn 20 dòng để đánh giá khả năng kết hợp chung.

Đánh giá khả năng kết hợp chung của 20 dòng ớt chỉ địa qua phương pháp lai đỉnh (Topcross), vật liệu thử (Tester) là dòng CĐ64 đã ổn định về mặt di truyền. Thí nghiệm khảo sát các con lai đỉnh được bố trí ngẫu nhiên không lặp lại, 20 cây/ô. Cách xác định khả năng kết hợp chung: Đánh giá chỉ tiêu năng suất để xác định dòng bố mẹ có khả năng kết hợp chung cao. So sánh giá trị năng suất từng con lai với giá trị năng suất trung bình, những dòng có con lai cho năng suất cao hơn năng suất trung bình của tất cả các tổ hợp lai được đánh giá là dòng có khả năng kết hợp chung cao. Các dòng có khả năng kết hợp chung và có kiểu hình mong muốn được chọn làm dòng bố mẹ.

Thực hiện việc lai giữa 8 dòng bố mẹ được chọn. Dựa trên đặc điểm từng dòng bố mẹ và tiêu chí chọn con lai để xác định cặp lai, cụ thể những dòng có cùng tính trạng không ưa thích (ví dụ quả nhỏ, thịt quả mỏng, ít cay,...) sẽ không được lai với nhau, kết quả có 28 cặp lai được xác định. Thí nghiệm đánh giá 28 con lai cùng 2 giống đối chứng được bố trí khối hoàn toàn ngẫu nhiên, 3 lần lặp lại, 20 cây/ô, mật độ 25.000 cây/ha. Các đặc điểm theo dõi: Sự sinh trưởng phát triển, khả năng chống chịu bệnh, đặc điểm quả, năng suất và thành phần năng suất. Phương pháp đánh giá các chỉ tiêu: Dựa theo Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia về Khảo nghiệm Giá trị canh tác và giá trị sử dụng của giống ớt (QCVN 01-64:2011/BNNPTNT). 

Số liệu được tính trung bình bằng phần mềm Microso Excel, phân tích thống kê theo phần mềm MSTATC và so sánh trung bình các nghiệm thức bằng phép thử Duncan.

Nghiên cứu được thực hiện từ năm 2020 đến năm 2022 tại Viện Cây ăn quả miền Nam.

Nghiên cứu đã khảo sát và phân nhóm theo kiểu hình 66 dòng ớt chỉ địa, xác định được 11 dòng có khả năng kết hợp chung, lai giữa 8 dòng bố mẹ và đánh giá 28 tổ hợp lai vụ đầu tiên chọn được 2 tổ hợp ai CĐ31×CĐ30 và CĐ31×CĐ54 có triển vọng. Cả 2 tổ hợp lai có tỷ lệ nhiễm bệnh thán thư trong vụ Xuân Hè rất thấp (3 - 5%), cho thu hoạch quả sớm (65 NST), quả lớn (23 - 24 g), nhiều quả, năng suất cao (40 tấn/ha). Tổ hợp lai CĐ31×CĐ30 cho quả chưa chín màu xanh đậm, tổ hợp lai CĐ31×CĐ54 cho quả chưa chín màu xanh vàng; cả 2 khi quả chín có màu đỏ tươi, thịt quả dày, chắc, vị cay và thơm.

Tạp chí Khoa học và Công nghệ Nông nghiệp Việt Nam - Số 09 (142)/2022
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài