SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Đánh giá hiện trạng mô hình nuôi vọp của hộ dân ven biển tại huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh

[20/04/2023 15:33]

Biến đổi khí hậu (BĐKH) là một trong những thách thức lớn đối với nhân loại, ảnh hưởng nặng nề đến sự phát triển của nền kinh tế, tác động mạnh mẽ đến sinh kế của những nhóm dân cư nghèo sinh sống ở khu vực nông thôn ở Việt Nam. Đồng bằng sông Cửu Long là một trong những điểm nóng trên toàn cầu về biến đổi khí hậu, có khoảng 2,1 triệu ha đất bị nhiễm mặn trong đó có 600.000 ha bị nhiễm mặn vào mùa khô.

Ảnh minh họa

Các yếu tố BĐKH như nhiệt độ tăng và nước biển dâng ảnh hưởng lớn đến đối tượng nuôi trồng thuỷ sản, sự thay đổi lượng mưa ảnh hưởng lớn nhất đến điều kiện kinh tế xã hội của cộng đồng, sự thay đổi tần suất lũ ảnh hưởng đến nguồn lợi thuỷ sản. Phần lớn các mô hình sinh kế hiện tại của người nghèo không đất và người có ít đất sẽ không thể thích ứng được BĐKH về lâu dài, nếu không có chiến lược sinh kế lâu dài.

Trà Vinh là tỉnh được đánh giá chịu ảnh hưởng nặng nề của BĐKH và ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân thông qua các hoạt động trồng trọt, chăn nuôi và đặc biệt là nuôi trồng thủy sản. Mô hình nuôi vọp dưới tán rừng được người dân khu vực ven biển tỉnh Trà Vinh chọn lựa để làm sinh kế và tăng thu nhập cho gia đình. Tuy nhiên, mô hình nuôi vọp còn manh mún, nhỏ lẻ, nguồn giống chủ yếu phụ thuộc vào tự nhiên, chưa phát huy hết tiềm năng lợi thế của vùng, vọp nuôi thành phẩm chỉ đáp ứng được cho thị trường nội địa và chưa đáp ứng nhu cầu đa dạng hoá sản phẩm để phục vụ cho xuất khẩu.

Các hộ dân nuôi vọp ven biển huyện Duyên hải, tỉnh Trà Vinh được phỏng vấn trực tiếp dựa trên biểu mẫu đã được soạn sẵn.

Số liệu sơ cấp được thu thập bằng cách phỏng vấn 48 hộ dân nuôi vọp ven biển tại huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh bằng biểu mẫu phỏng vấn đã được soạn sẵn. Nội dung gồm các thông tin như: tuổi, trình độ, giới tính, kinh nghiệm nuôi, tham gia đoàn thể, diện tích nuôi, nguồn giống, mật độ thả nuôi, chi phí nuôi, năng suất, tổng thu, lợi nhuận và hiệu quả đồng vốn, thị trường tiêu thụ sản phẩm, những thuận lợi và khó khăn trong quá trình nuôi vọp.

Số liệu thu thập được mã hoá và sử dụng phần mềm SPSS để phân tích các giá trị trung bình, độ lệch chuẩn,… Phương pháp thống kê mô tả: Dùng để đánh giá thực trạng nuôi vọp của các hộ dân như diện tích nuôi, tuổi, giới tính, trình độ học vấn, kinh nghiệm sản xuất, năng suất, những thuận lợi và khó khăn trong quá trình nuôi.

Nghiên cứu được thực hiện từ tháng 02/2022 - 06/2022. Sử dụng phương pháp chọn mẫu phân tầng thuận tiện, điều tra bằng hình thức phỏng vấn trực tiếp các hộ nuôi vọp tại huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh.

Kết quả khảo sát cho thấy nam giới tham gia vào mô hình nuôi vọp với tỉ lệ 77,08% và nữ giới là 22,92%. Mùa vụ chính để thả vọp nuôi bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 7. Diện tích nuôi cao nhất là 3.000 m2 , trung bình là 910 ± 690 m2 và thấp nhất là 200 m2. Có 35,42% nông hộ thả giống với kích cỡ lớn (40 - 45 con/kg) với mật độ thả nuôi là 20 - 25 con/m2 và 65% nông hộ thả giống với kích cỡ nhỏ (90 - 100 con/kg) với mật độ thả nuôi là 50 - 60 con/m2. Năng suất cao nhất là 11,26 tấn/ha/vụ, trung bình là 9,48 ± 0,12 tấn/ha/vụ và thấp nhất là 5,6 tấn/ha/vụ. Tổng chi phí trung bình nuôi vọp là 147,741 ± 12,544 triệu đồng/ha/vụ, doanh thu 232,784 ± 27,031 triệu đồng/ha/vụ. Lợi nhuận là 85,043 ± 16,51 triệu đồng/ha/vụ.

Tạp chí Khoa học và Công nghệ Nông nghiệp Việt Nam - Số 09 (142)/2022
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài