Nhân giống loài lan kim tuyến (Anoectochilus setaceus Blume) cần bảo tồn tại Thái Nguyên bằng công nghệ in vitro
Nghiên cứu do các tác giả Trần Thị Thu Hà, Dương Thị Nhung, Cao Thị Mai Phương - Viện Lâm nghiệp và Phát triển bền vững - Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên, Đại học Thái Nguyên thực hiện nhằm nghiên cứu nhân giống loài lan kim tuyến (Anoectochilus setaceus Blume) cần bảo tồn tại thái nguyên bằng công nghệ in vitro phục vụ cho chương trình bảo tồn và phát triển loài cây này của tỉnh Thái Nguyên nói riêng và khu vực nói chung.
Lan Kim tuyến (Anoectochilus setaceus Blume) là cây dược liệu, có thành phần hóa học đa dạng bao gồm các chất như: quercetin, isoharmnetin - 3 - O - beta - D - glucopyranosid, kaempferol - 3 - O betaDglucopyranosi, 5 - hydroxy - 3' - 4' - 7' - trimethoxyflavonol - 3 - O - beta - D - rutinosid và isorhamnetin - 3 - O - beta - D - rutinosid,.. Lan Kim tuyến nói chung là một loại thảo dược có giá trị, hỗ trợ điều trị các bệnh, như: Ung thư, tăng huyết áp, dạ dày, lao phổi,... Trong tự nhiên, khả năng tái sinh chồi của lan Kim tuyến từ thân, rễ và từ hạt kém, cây sinh trưởng rất chậm. Loài này đang bị đe doạ nghiêm trọng, rất có thể sẽ bị tuyệt chủng ngoài tự nhiên và đang được xếp trong nhóm IA của Nghị định 84/2021/NĐ - CP và nhóm thực vật đang nguy cấp EN A1a, c, d. trong Sách Đỏ Việt Nam, cần bảo tồn các quần thể nhỏ còn sót lại cũng như cần nghiên cứu nhân giống để bảo tồn nguồn gen.
Loài lan Kim tuyến được tìm thấy ở khu vực núi Tam Đảo, thuộc xã Quân Chu, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên với số cá thể còn lại rất ít. Vì vậy nghiên cứu nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô là rất cần thiết nhằm phục vụ cho chương trình bảo tồn và phát triển loài cây này của tỉnh Thái Nguyên nói riêng và khu vực nói chung.
Vật liệu Đoạn thân loài lan Kim tuyến mọc ở rừng tự nhiên xã Quân Chu (thuộc khu vực núi Tam Đảo, thuộc xã Quân Chu, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) được thu thập về phòng thí nghiệm của Viện Lâm nghiệp và Phát triển bền vững - Trường Đại học Nông lâm, Đại học Thái Nguyên. Có 45 công thức thí nghiệm được bố trí trong việc hoàn thiện quy trình nhân giống in vitro loài lan Kim tuyến tại Phòng thí nghiệm Công nghệ sinh học.
Nguồn gen lan Kim tuyến (Anoectochilus setaceus Blume) thu thập từ rừng tự nhiên thuộc xã Quân Chu (Thái Nguyên) được tiến hành thử nghiệm nhân giống bằng phương pháp in vitro. Kết quả thí nghiệm vào mẫu từ đoạn thân khí sinh khử trùng bằng dung dịch 0,1% HgCl2 trong thời gian 3 phút kết hợp 7 phút Javen 15%, ngâm 30 phút trong Cefotaxim 10% và nuôi cấy trên môi trường nuôi cấy khởi đầu MS cho tỷ lệ mẫu sạch bật chồi 83,33% sau 4 tuần. Hệ số nhân chồi trung bình đạt 9,8 lần sau 4 tuần nuôi cấy trên môi trường MS bổ sung 1,5 mg/LBAP, 100 ml/L nước dừa, 70 g/L dịch chiết chuối và 30 g/L sucrose. Tỷ lệ chồi ra rễ tạo cây hoàn chỉnh đạt 93,33% và trung bình 3,35 rễ/chồi sau 4 tuần nuôi cấy trên môi trường 1/2MS bổ sung 1,5 mg/L NAA, 20 g/L sucrose và 0,5 g/L than hoạt tính. Cây mầm mô được nuôi trồng ở nhà kính với công thức giá thể: Xơ dừa + trấu hun + đá perlite (7 : 2 : 1) có tỷ lệ sống rất cao chiếm 97%. Kết quả mở ra triển vọng bảo tồn và phát triển loài này ở Thái Nguyên.
Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Kỳ 1 - Tháng 12/2022 (nthang)