SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Nghiên cứu ảnh hưởng của một số biện pháp kỹ thuật trồng đến khả năng sinh trưởng, phát triển, năng suất và chất lượng của cây sâm cau (Curculigo orchioides Gaertn.) tại Tam Đảo, Vĩnh Phúc

[21/05/2023 18:56]

Nghiên cứu do các tác giả Bùi Thị Xuân, Nguyễn Văn Tâm, Trần Thị Lan - Trạm Nghiên cứu Trồng cây thuốc Tam Đảo, Viện Dược liệu, tác giả Nguyễn Quang Tin - Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và PTNT thực hiện nhằm đánh giá ảnh hưởng của thời vụ, khoảng cách trồng, lượng phân bón, độ che sáng và thời điểm thu hoạch đến khả năng sinh trưởng, phát triển, năng suất và chất lượng của củ Sâm cau để từ đó đề xuất được một số biện pháp kỹ thuật trồng và chăm sóc cho cây sâm cau thực hiện tại Tam Đảo, Vĩnh Phúc.

Sâm cau (Curculigo orchioides Gaertn), thuộc họ Hạ trâm Hypoxidaceae). Ở Việt Nam, Sâm cau mọc ở các tỉnh miền núi từ Lai Châu, Cao Bằng, Tuyên Quang đến Tây Nguyên. Sâm cau là cây ưa ẩm, ưa sáng và có thể hơi chịu bóng, thường mọc trên những nơi đất còn tương đối màu mỡ trong thung lũng, chân núi đá vôi hoặc ven nương rẫy. Rễ củ Sâm cau là một vị thuốc quý và có mặt trong nhiều bài thuốc đông y của y học cổ truyền. Theo Đông Y, Sâm cau có vị cay, tính ấm, có độc, vào hai kinh tỳ và thận, có tác dụng làm ấm cơ thể, cường dương, mạnh gân cốt... Nhiều nghiên cứu về dược lý đã chứng minh khả năng điều hòa miễn dịch, tăng cường chức năng gan, chống oxy hóa, chống loãng xương, kháng khuẩn, kháng histamine, hạ đường huyết, trợ sinh, chống viêm, chống ung thư và các hoạt động chống đái tháo đường của Sâm cau. Thân rễ Sâm cau rất giàu curculigoside, glycosides, steroid, flavonoid và nhiều hợp chất polyphenol khác nhau. Phân tích hóa thực vật sơ bộ cho thấy thêm sự hiện diện của chất nhầy, tannin, saponin và tinh dầu trong Sâm cau. Khi phân tích hóa thực vật bằng HPTLC cho thấy sự hiện diện của arbutin, glycosides, coumarins, tinh dầu, lignans, saponins, triterpenes và valepotraites.

Sâm cau đã được đưa vào Danh lục Đỏ cây thuốc Việt Nam (2019) thuộc nhóm nguy cấp (EN). Do đó việc tìm ra kỹ thuật nhân giống, trồng Sâm cau là rất quan trọng. Ở Việt Nam cho đến nay chưa có nhiều các công bố nghiên cứu về nhân giống, trồng Sâm cau. Nghiên cứu này nhằm đánh giá ảnh hưởng của thời vụ, khoảng cách trồng, lượng phân bón, độ che sáng và thời điểm thu hoạch đến khả năng sinh trưởng, phát triển, năng suất và chất lượng của củ Sâm cau để từ đó đề xuất được một số biện pháp kỹ thuật trồng và chăm sóc cho cây sâm cau thực hiện tại Tam Đảo, Vĩnh Phúc.

Vật liệu dùng trong nghiên cứu là cây Sâm cau cao trên 18cm, cây có 3 lá, đường kính gốc trên 0,6cm, không sâu, bệnh, sinh trưởng tốt. Cây giống được nhân từ hom rễ, địa điểm tạo cây giống tại huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc.

Nghiên cứu được thực hiện tại khu ruộng thí nghiệm (đất đỏ vàng có thành phần cơ giới nhẹ, có kết cấu kém, tầng đất mỏng (thường nhỏ hơn 1,2m). Đất chua, độ no bazơ nhỏ hơn 50%, nghèo mùn, đạm; hàm lượng lân và kali khá, đất có hàm lượng cấp hạt sét thấp (nhỏ hơn 20%, nếu tính cả cấp hạt sét vật lý thì cũng chỉ đạt xấp xỉ 30%), vì thế dung tích hấp thu thấp, khả năng giữ nước, giữ chất dinh dưỡng kém) của Trạm Nghiên cứu Trồng cây thuốc Tam Đảo, Viện Dược liệu, Tam Đảo, Vĩnh Phúc giai đoạn 10/2018 - 05/2022.

Thí nghiệm được bố trí theo khối ngẫu nhiên hoàn chỉnh (RCB) với 3 lần lặp lại theo phương pháp bố trí thí nghiệm của Nguyễn Thị Lan (2005). Theo dõi sâu, bệnh hại: Phương pháp điều tra sâu, bệnh hại được tiến hành theo quy chuẩn quốc gia về phương pháp điều tra phát hiện dịch hại cây trồng QCVN 01-38: 2010/BNNPTNT.

Thời điểm trồng cây giữa xuân (15/3/2019). Khoảng cách trồng 20 x 20 cm (tương ứng với mật độ 250.000 cây/ha). Lượng phân bón cho 1 ha là 2 tấn phân hữu cơ vi sinh sông Gianh, 120 kg N: 80 kg P: 120 kg K. Phương pháp bón cho 1 ha trồng Sâm cau: Bón lót: 2 tấn phân hữu cơ vi sinh sông Gianh + 80 kg phân super lân + 120kg phân kaliclo, trộn đều bón theo rãnh và lấp đất lại. Bón thúc: 120 kg phân đạm được chia đều cho các lần bón (sau khi trồng 1 tháng, sau khi trồng 3 tháng, sau khi trồng 5 tháng) kết hợp làm cỏ, xới xáo, vun gốc cho cây. Trước khi thu hoạch 1 tháng bón hết lượng phân còn lại. Luống trồng có chiều cao 25 cm, diện tích mỗi công thức thí nghiệm là 7m2, dung lượng 30 mẫu. Các biện pháp chăm sóc là đồng nhất giữa các công thức. Các yếu tố thí nghiệm thay đổi theo từng thí nghiệm cụ thể, 30 ngày theo dõi 1 lần. Định lượng đồng thời 2 hoạt chất curculigosid, orcinolglucosid trong dược liệu Sâm cau bằng phương pháp sắc ký lỏng hiệu năng cao (HPLC).

Kết quả của nghiên cứu cho thấy, thời vụ giữa xuân (tháng 3), cây Sâm cau có khả năng sinh trưởng và phát triển tốt và cho năng suất thực thu tốt nhất đạt 2,23 tấn/ha ở năm thứ 3. Khoảng cách trồng 10 x 20cm cho hiệu quả kinh tế tốt nhất vì tiết kiệm quỹ đất, giảm công làm cỏ và cho năng suất thực thu năm thứ 3 đạt được 2,62 tấn/ha là tối ưu. Lượng phân bón thích hợp cho cây Sâm cau gồm 2 tấn phân vi sinh, 120 kg N, 80 kg P2O5 và 120 kg K2O/ha cho đường kính củ đạt 1,39 cm, năng suất thực thu năm thứ 3 đạt 2,26 tấn/ha, hàm lượng hoạt chất curculigoside đạt 0,127%. Cây Sâm cau khi được che bóng với độ che sáng 25% cho thấy sức sinh trưởng tốt hơn các công thức che sáng khác (không che sáng, che sáng 50%, che sáng 75%). Thời điểm thu hoạch thích hợp với cây Sâm cau là năm thứ 3 sau trồng.

Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Kỳ 1 - Tháng 12/2022 (nthang)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài