SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Nghiên cứu sinh trưởng, phát triển và năng suất của một số giống lúa mới chất lượng tại tỉnh Quảng Nam

[22/05/2023 08:58]

Nghiên cứu được tiến hành trên 06 giống lúa thuộc nhóm giống chất lượng nhằm tuyển chọn giống có khả năng sinh trưởng, phát triển tốt và thích nghi với điều kiện trồng trọt tại tỉnh Quảng Nam.

Cây lúa là cây lượng thực chính của nước ta. Năm 2019, diện tích trồng lúa tại Việt Nam là 7,47 triệu ha đạt sản lượng 43,45 triệu tấn, năng suất bình quân đạt 58,17 tạ/ha, giảm cả về diện tích năng suất, sản lượng so với năm 2018. Hiện nay, diện tích trồng lúa tại Việt Nam có xu hướng giảm (từ 7,9 triệu ha năm 2013 còn 7,47 triệu ha năm 2019), do quá trình đô thị hóa, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thay đổi cơ cấu cây trồng trong khi đó nhu cầu lúa gạo tăng do gia tăng dân số, phát triển chăn nuôi... Cùng với sự thu hẹp diện tích, tình hình sâu bệnh diễn biến phức tạp gây khó khăn trong công tác phòng trừ, thời tiết diễn biến bất thường làm cho năng suất và sản lượng lúa giảm.

Quảng Nam là tỉnh thuộc vùng Duyên hải Nam Trung bộ, có diện tích sản xuất lúa 84,9 nghìn ha, năng suất 53,2 tạ/ha, sản lượng 451,9 nghìn tấn trong năm 2019, giảm về năng suất và sản lượng so với năm 2018 do ảnh hưởng của thời tiết bất lợi. Hàng năm, Quảng Nam phải đối mặt với nhiều dạng hình thiên tai như hạn hán, lụt bão, rét hại... gây nhiều khó khăn cho sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất cây lúa nói riêng. Vì vậy, tỉnh Quảng Nam rất cần sự đa dạng hóa giống lúa đặc biệt là những giống lúa chất lượng, năng suất cao và có thời gian sinh trưởng phù hợp với điều kiện thời tiết khí hậu tại địa phương để dần thay thế cho các giống đã và đang bị thoái hóa, nhiễm sâu bệnh, sức sống giảm, năng suất chất lượng kém khi canh tác trong thời gian dài.

Thí nghiệm đượcbố trí theo phương pháp khối ngẫu nhiên hoàn chỉnh, mỗi giống có ba lần nhắc lại và tiến hành trong vụ Đông Xuân 2020-2021. Các giống lúa thí nghiệm có thời gian sinh trưởng biến động từ 120 đến 127 ngày, thuộc nhóm giống ngắn ngày. Chiều cao cây của các giống lúa thí nghiệm dao động từ83,80 cm (VNR20) đến 107,33 cm (VNR4). Các giống có khả năng đẻ nhánh mạnh, thời gian đẻ nhánh tập trung. Tỷ lệ nhánh hữu hiệu của các giống ở mức khá, dao động trong khoảng từ 73,12 –84,83%. Trong vụĐông Xuân 2020-2021, các giống thí nghiệm đều bị rầy nâu gây hại nhưng ở mức độ nhẹ.

Năng suất lý thuyết của các giống biến động từ 92,85 (HT1) đến 156,74 tạ/ha (VNR20). Giống có năng suất thực thu cao nhất là giống VNR4 (82,33 tạ/ha). Tỷ lệ gạo xay của các giống thí nghiệm biến động từ 66,67 đến 81,82%, tuy nhiên tỷ lệ gạo nguyên lại khá thấp. Các giống đều có dạng hạt thon dài và độ bạc bụng thấp (điểm 1). Từ kết quả nghiên cứu chúng tôi tuyển chọn được hai giống lúa là VNR4, VNR20 có năng suất cao và chất lượng thương phẩm tốt, đề xuất tiếp tục sản xuất 2 giống này ở diện tích lớn hơn.

Theo Tạp chí Khoa học Công nghệ Nông nghiệp Việt Nam
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ