Quy trình mới mất chưa đến 1,5 tiếng để phát hiện liên cầu khuẩn nhóm B ở thai phụ
Quy trình real-time PCR phát hiện liên cầu khuẩn nhóm B (GBS) ở thai phụ, do nhóm tác giả Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM xây dựng, cho thời gianh nhanh, chính xác với chi phí hợp lý.
Thí nghiệm xác định lạc khuẩn GBS. Ảnh: NNC
GBS là các trực khuẩn Gram dương hiếu khí, gây viêm họng, viêm phổi, nhiễm trùng vết thương da, nhiễm trùng huyết,... Đây là tác nhân gây nhiễm khuẩn hàng đầu và là nguyên nhân chính gây ra bệnh tật, tử vong ở trẻ sơ sinh.
Nhiễm GBS giai đoạn sớm gây ra viêm phổi, nhiễm trùng huyết và viêm màng não. Sự lây truyền từ mẹ sang con có thể xảy ra khi thai phụ có nhiễm GBS ở âm đạo, trực tràng vào thời điểm chuyển dạ hoặc vỡ ối, là yếu tố nguy cơ cao và quan trọng đối với nhiễm trùng sơ sinh sớm. Trên thế giới ước tính mỗi năm có khoảng 150.000 trẻ chết non và chết ở giai đoạn sơ sinh do GBS.
Vì vậy, việc phát hiện nhanh và chính xác về sự xâm nhiễm GBS ở thai phụ sẽ hữu ích trong việc ngăn chặn nhiễm GBS hiệu quả hơn và giảm được các gánh nặng bệnh tật do GBS gây ra.
Tại Việt Nam, một số bệnh viện phụ sản lớn đã áp dụng tầm soát GBSở các phụ nữ mang thai tuần thứ 35-37 và sử dụng phác đồ điều trị theo hướng dẫn của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC).
Trong đó, việc chẩn đoán, sàng lọc GBS ở thai phụ chủ yếu được thực hiện theo kỹ thuật nuôi cấy, cho kết quá sau 4 – 5 ngày. Chỉ một số ít bệnh viện thực hiện xét nghiệm sàng lọc GBS bằng kỹ thuật real-time PCR, với thời gian trả kết quả trong 48 giờ. Tuy nhiên, đây vẫn là khoảng thời gian dài, nên cần có một quy trình sàng lọc cho kết quả nhanh hơn (khoảng 2 giờ), để em bé sinh ra được an toàn, tránh các trường hợp bị nhiễm trùng sơ sinh sớm.
Để giải quyết vấn đề trên, nhóm tác giả ở Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM đã thực hiện đề tài “Giá trị chẩn đoán của quy trình real-time PCR cải tiến phát hiện nhanh Streptococcus nhóm B ở thai phụ đủ tháng tại Cơ sở 2, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM”.
259 thai phụ đủ tháng (tuổi thai trên 37 tuần) được phết lẫy mẫu ở âm đạo - trực tràng, để xác định các giá trị chẩn đoán lâm sàng của quy trình real-time PCR tối ưu trong nghiên cứu. Để đánh giá giá trị chẩn đoán của quy trình real-time PCR, nhóm tác giả sử dụng phương pháp nuôi cấy với môi trường sinh màu. Theo đó, khuẩn lạc GBS có hình thái xác định là màu hồng, bờ đều, mặt lồi đều bóng. Ngoài ra, nhóm còn thiết kế lại chương trình nhiệt (để phá hủy màng tế bào) của phản ứng real-time PCR 9 và lựa chọn hệ enzyme (h – Taq) phù hợp.
Kết quả, quy trình real-time PCR cải tiến giúp phát hiện GBS nhanh do nhóm xây dựng đạt độ chính xác đạt 96,83%, độ nhạy 93, 94%, độ đặc hiệu 97,93%. Kết quả này tương đương với các kit thương mại Sacace. Thời gian thực hiện quy trình khoảng 87 phút/mẫu xét nghiệm (nhanh hơn sử dụng kit thương mại 47 phút).
Theo nhóm tác giả, chi phí hóa chất cho một xét nghiệm real-time PCR phát hiện GBS bằng kit thương mại là 230.000 đồng/test, chưa kể chi phí hóa chất tách chiết. Trong khi đó, chi phí hóa chất cho một xét nghiệm GBS trong nghiên cứu này vào khoảng 150.000 – 180.000 đồng/test. Do đó, kết quả đề tài có thể áp dụng vào thực hành lâm sàng để phục vụ cho người dân với tiêu chí nhanh, chính xác với chi phí phù hợp, đáp ứng được nhu cầu sàng lọc GBS khi thai phụ vào chuyển dạ.
Đề tài nghiên cứu của nhóm tác giả đã được Sở KH&CN TPHCM nghiệm thu, đạt kết quả. Nhóm tiếp tục hướng tới nghiên cứu xa hơn về tỷ lệ phân bố các kiểu huyết thanh GBS khác nhau, phục vụ cho mục tiêu nghiên cứu dịch tễ học lâm sàng vi khuẩn GBS và làm cơ sở cho việc sử dụng vaccine sau này.