Khảo sát hệ vi sinh vật trong tử cung bò sữa sau sinh và môi trường chuồng nuôi bằng kỹ thuật PCR định lượng
Nghiên cứu do nhóm tác giả Nguyễn Thị Thương, Nguyễn Thị Mỹ Nhân, Trần Thị Minh Tú và Võ Phong Vũ Anh Tuấn thực hiện.
Ảnh minh họa
Nghiên cứu thực hiện nhằm mục tiêu khảo sát hệ vi sinh vật tử cung bò sữa sau sinh và môi trường chuồng nuôi bằng kỹ thuật PCR định lượng và đánh giá mối tương quan giữa hệ vi sinh vật tử cung với môi trường chăn nuôi.
Nghiên cứu được thực hiện tại tại 2 mùa trong năm là mùa hè từ tháng 6 đến tháng 8 năm 2017 và mùa đông từ tháng 10 năm 2017 đến tháng 3 năm 2018 tại Trang trại bò sữa Holstein, Viện nghiên cứu chăn nuôi Okayama, Nhật Bản. Tổng số 116 mẫu, bao gồm 68 mẫu dịch tử cung và mẫu phân được lấy từ 9 con bò vào mùa hè và 8 con bò trong mùa đông ở 2 giai đoạn 1 và 2 tháng sau sinh. Và 48 mẫu môi trường chuồng nuôi gồm mẫu không khí, nền chuồng, thức ăn và nước thu thập tại 6 thời điểm xuyên suốt trong mỗi mùa.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, qPCR khảo sát hệ vi sinh vật tử cung và phân của bò sữa sau sinh ở 1 và 2 tháng có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (P < 0,05), trong mùa hè nhận thấy tổng vi khuẩn ở 2 tháng sau sinh cao hơn giai đoạn 1 tháng sau sinh, trong khi đó tổng vi khuẩn này là như nhau trong mùa đông (P > 0,05). Bacteroidetes và Firmicutes trong tử cung và phân không có sự khác biệt trên những con bò sau sinh 1 và 2 tháng trong cả 2 mùa khảo sát (P > 0,05). Bacteroidetes, Firmicutes và tổng vi khuẩn có mật độ cao nhất trong nền chuồng so với thức ăn, không khí và nước uống trong chuồng nuôi (P < 0,05). Hệ vi sinh vật Bacteroidetes, Firmicutes và tổng vi khuẩn trong tử cung tương quan gần với hệ vi sinh hiện diện trong nền chuồng ở mùa hè, tuy nhiên lại tương quan xa và nghịch với hệ vi sinh vật từ các nguồn trong môi trường chuồng nuôi ở mùa đông, đặc biệt là hệ vi sinh vật trong phân.
Tạp Chí Nông nghiệp Và Phát triển 22(2), 35-41