Nghiên cứu đặc điểm bệnh lý lâm sàng của gà bị bệnh cầu trùng do Eimeria spp. ở liều gây nhiễm thấp
Nghiên cứu do nhóm tác giả Hồ Thị Dung, Trần Thị Na, Trần Thị Thu Trang, Phạm Hoàng Sơn Hưng, Nguyễn Thị Thùy, Lê Đình Phùng và Nguyễn Thị Hoa thực hiện.
Ảnh minh họa
Nghiên cứu thực hiện nhằm mục tiêu của nghiên cứu là xác định tỷ lệ nhiễm, triệu chứng và bệnh tích của gà bị bệnh cầu trùng khi gây bệnh liều thấp. Gà thí nghiệm (n = 40, 14 ngày tuổi, mã số MD02 của công ty Minh Dư) được phân ngẫu nhiên vào 4 nghiệm thức, mỗi nghiệm thức được lặp lại 10 lần.
Gà ở nghiệm thức 1, nghiệm thức 2 và nghiệm thức 3 được cho uống noãn nang cầu trùng với liều lượng lần lượt là 1, 10 & 300 noãn nang/con, nghiệm thức 4 là đối chứng cho uống phosphate-buffered saline. Gà ở mỗi nghiệm thức được nuôi cá thể. Phân gà được thu cá thể mỗi ngày sau khi gây bệnh để kiểm tra quá trình thải noãn nang. Gà bị nhiễm bệnh cầu trùng và có các triệu chứng, bệnh tích đặc trưng dù chỉ bị nhiễm 1 noãn nang. Tỷ lệ nhiễm mầm bệnh cầu trùng tăng dần khi tăng liều lượng gây bệnh, lần lượt là 40% (nghiệm thức 1), 70% (nghiệm thức 2) và 100% (nghiệm thức 3). Thời gian bài xuất noãn nang là từ 4 đến 10 ngày sau khi gây nhiễm. Số lượng noãn nang thu được tỷ lệ thuận với liều lượng gây nhiễm. Các triệu chứng được quan sát ở gà nhiễm bệnh với liều thấp bao gồm giảm ăn, ủ rủ, sã cánh, phân sáp, phân lỏng và có máu tươi.
Kết quả mổ khảo sát cho thấy, bệnh tích chủ yếu được ghi nhận là xuất huyết manh tràng (75 - 100%) và ruột non (100%).
Tạp Chí Nông nghiệp Và Phát triển 22(2), 42-49