Điều tra hiện trạng và diễn biến bệnh đen xơ trên cây mít Thái (Artocarpus heterophyllus Lam.) tại tỉnh Tiền Giang
Nghiên cứu do tác giả Võ Thị Ngọc Hà thực hiện.
Ảnh minh họa
Tiền Giang là địa phương có diện tích trồng mít Thái lớn nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với tổng diện tích 13.141,09 ha. Bệnh đen xơ trên mít Thái xuất hiện nhiều và gây thiệt hại lớn cho người trồng, song các thông tin về bệnh còn nhiều hạn chế.
Trong nghiên cứu này, tác giả thực hiện điều tra hiện trang bệnh đen xơ trên mít Thái tại tỉnh Tiền Giang thông qua phỏng vấn trực tiếp các nông hộ và đánh giá diễn biến bệnh đen xơ trên mít Thái trong hai mùa chính của năm.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, bệnh đen xơ trên mít Thái xuất hiện ở tất cả vùng trồng tại Tiền Giang cả hai mùa mưa và mùa khô, gây hại với tỷ lệ bệnh trung bình tại các huyện được điều tra từ 5,29% đến 10,19% vào mùa khô và từ 25,43% đến 33,05% vào mùa mưa, tỷ lệ bệnh vào mùa mưa cao hơn mùa khô. Một số hộ nông dân cho rằng bệnh đen xơ trên mít Thái có thể được nhận dạng qua triệu chứng bên ngoài ở màu sắc và hình dạng cuống trái, mầu trái, hình dạng trái và gai, và được khẳng định bằng kết quả điều tra diễn biến bệnh trong năm. Phun thuốc và tuyển chọn trái sớm trong giai đoạn nuôi trái có thể hạn chế sự gây hại của bệnh. Theo diễn biến, bệnh đen xơ mít Thái xuất hiện từ lúc đậu trái đến thu hoạch, với tỷ lệ bệnh đạt cao nhất 55,56% vào mùa khô và 88,89% vào mùa mưa vào giai đoạn 20 ngày sau đậu trái.
Tạp Chí Nông nghiệp Và Phát triển 22(2), 11-22